| Hotline: 0983.970.780

Hành trình bám biển: Lập tổ đoàn kết

Thứ Năm 16/06/2011 , 10:42 (GMT+7)

Cuối năm 2008, UBND tỉnh Quảng Bình đã có chỉ thị về việc thành lập các Tổ đoàn kết (TĐK) khai thác hải sản trên biển với mục đích ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân.

Tàu TĐK bảo Ninh (TP Đồng Hới) chuẩn bị ra khơi
Chỉ tay khoanh một vòng trên tấm bản đồ biển, Đại tá Hoàng Tấn Hùng - Tham mưu trưởng BĐBP Quảng Bình cho hay: “Từ đầu năm đến nay, các tàu cá của ngư dân Trung Quốc đã có hàng chục lượt vi phạm vùng biển nước ta thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình và tình hình ngày có chiều hướng gia tăng. Lực lượng BĐBP đã tổ chức kiểm tra, lập biên bản và xử lý nhiều vụ vi phạm”.

Sống được nhờ Tổ đoàn kết

Những năm trước đây, tàu thuyền đánh bắt xa bờ thường tổ chức đánh bắt đơn lẻ, phân tán nên khi xảy ra các sự cố và gặp tai nạn thường gây nhiều khó khăn cho công tác phối hợp hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Để khắc phục tình trạng trên, cuối năm 2008, UBND tỉnh Quảng Bình đã có chỉ thị về việc thành lập các Tổ đoàn kết (TĐK) khai thác hải sản trên biển với mục đích ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân. Ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết: “Qua thực tế cho thấy, chủ tàu tham gia TĐK có nhiều ưu điểm trong khi đánh bắt trên biển. Trong những chuyến đi biển, các thành viên trong TĐK đã giúp đỡ ứng cứu nhau khi gặp thiên tai, bão lốc”.

Ngư dân làm ăn giỏi nhất xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) Nguyễn Bíu có đội tàu 4 chiếc đêm ngày bám biển cho rằng TĐK đã làm sống lại tinh thần "tương thân tương ái" trên biển của bà con ngư dân. Ông chia sẻ: “Các thành viên trong cùng một TĐK còn giúp nhau tiêu thụ sản phẩm, các tàu đã thay phiên nhau vận chuyển cá, mực, tôm... vào bờ. Như vậy, một số chủ tàu đã rút bớt được số lần ra khơi và tăng thời gian bám biển thêm 4 đến 5 ngày so với trước đây nhằm tiết kiệm dầu, giảm chi phí đi lại, nâng cao hiệu quả khai thác. Mặt khác, khi một tàu phát hiện luồng cá thì báo tin cho các tàu khác cùng khai thác đỡ hao tốn dầu khi chạy vòng định vị vùng cá. Chỉ tính riêng các khoản tiết kiệm, thu nhập mỗi người tăng thêm vài trăm ngàn đồng mỗi chuyến ra khơi”.

 Một điều dễ nhận thấy là từ khi thành lập TĐK, chính quyền địa phương có thể dễ dàng biết được các thành viên trong tổ đang hoạt động ở vùng biển nào, tình trạng ngư dân như thế nào, ước sản lượng tàu thu được thông qua báo cáo của tổ trưởng TĐK. Anh Nguyễn Hữu Thân, tổ trưởng TĐK ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh (Đồng Hới) cho hay: “Hiện các thuyền viên và chủ tàu đã thấy an tâm hơn bởi nếu không may gặp tai nạn rủi ro giữa biển đã có người trợ giúp, không còn cảnh lẻ loi như trước nữa vì trong quá trình khai thác các thành viên vẫn thường xuyên liên lạc với nhau bằng bộ đàm”.

Chúng tôi đến thăm nhà anh Trương Châu (thôn Hà Thôn - Bảo Ninh). Sau chuyến đi biển về, anh nhớ lại chuyện cách đây mấy tháng mà còn rùng mình. Hôm đó, tàu anh ra khơi có 5 người. Khi thả lưới xong, đang neo tàu nằm ngủ thì gặp cơn lốc tố. Gió xoáy rít lên, tấp thẳng những cơn sóng lớn đập như nện vào thân tàu. Bỗng có tiếng rùng mạnh như bức tường xây bị đổ, con tàu chao về một bên rồi không trở lại vị trí cân bằng được, cả 5 người đều bị hất xuống biển... Khi con tàu bị chìm nghỉm giữa giông tố thì 5 người may mắn vớ được túi lưới bọc phao xốp dùng để báo hiệu khu vực thả lưới, nên không ai bị chìm, nhưng tất cả kiệt sức vì sóng biển chỉ còn thoi thóp bám lấy miếng xốp chờ đợi...

Cũng trong TĐK đánh cá trên vùng biển, nhưng tàu anh Tô Hải Nam không bị ảnh hưởng nặng của cơn lốc. Khi trời sáng, không liên lạc được với tàu anh Châu nên anh Nam “lệnh” cho tài xế tàu mình tăng ga quét trong vùng biển rộng. Mấy giờ đồng hồ tìm kiếm, mới phát hiện được anh Châu đang chìm nổi dưới sóng. Sau đó lần lượt những người khác được tìm thấy. Sơ cứu cho những người bị nạn xong, anh Nam hạ lệnh thu lưới và cho tàu trực chỉ đất liền để sớm đưa những người gặp nạn về nhà cứu chữa. “Mấy anh em tôi sống được là nhờ TĐK đó chớ” - anh Châu bộc bạch thêm.

Chung tay giữ biển quê hương

Đại tá Hoàng Tấn Hùng nói: “Cũng chính từ nguồn tin của các TĐK trên biển thông báo cho các đồn biên phòng ven biển Quảng Bình biết tàu đánh cá Trung Quốc thường xuyên xâm phạm lãnh hải Việt Nam để Bộ đội Biên phòng có phương án xử lý, yêu cầu tàu Trung Quốc ra khỏi hải phận của Việt Nam”. Gần đây nhất, vào ngày 8/6, ngư dân N.N.L (ở Quảng Trạch) khi đánh cá trên vùng biển Đà Nẵng đã phát hiện 6 tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và báo cho BĐBP Quảng Bình phối hợp cùng BĐBP Đà Nẵng xua đuổi các tàu vi phạm.

 Trước đó 2 ngày, ngư dân xã Quang Phú đã báo cho Đồn Biên phòng 196 Nhật Lệ 4 tàu câu và lưới Trung Quốc xâm phạm lãnh hải. BĐBP Quảng Bình đã theo dõi và cảnh cáo buộc những tàu này phải rời xa. Cũng qua nguồn tin của ngư dân, vào ngày 27/4 có một số tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trái phép trong vùng biển nước ta. BĐBP Quảng Bình điều tàu BP 071202 thuộc Hải đội 2 xuất kích và phát hiện có 3 tàu, 8 thuyền câu mang ký hiệu Trung Quốc cùng 18 ngư dân đang đánh bắt cá trái phép.

+ Sau hơn hai năm thành lập TĐK khai thác hải sản trên biển, đến nay, tỉnh Quảng Bình đã có 256 TĐK với 1.530/1.651 tàu thuyền, tổng công suất gần 158.000CV, cùng gần 10.000 thuyền viên tham gia; riêng năm 2010 đã thành lập được 74 TĐK với 439 tàu thuyền. Các địa phương thành lập được nhiều TĐK gồm Quảng Trạch có 114 TĐK với 685/796 chiếc; Bố Trạch có 81 TĐK với 490/497 chiếc; TP Đồng Hới có 61 TĐK với 355/357 chiếc.

+ Theo ông Đồng Thanh Đắng, Chủ tịch Hội Ngư dân xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) thì: “Việc thành lập TĐK khai thác hải sản trên biển là đúng và cần thiết đối với ngư dân, vì những thành viên trong TĐK được phân định trách nhiệm rõ ràng khi có bão và khi có tai nạn nên xử lý tình huống nhanh và chủ động hơn, tính cộng đồng cũng được nâng lên một cách rõ rệt. Các chủ tàu cũng như các thuyền viên yên tâm hơn trong việc vươn khơi, bám biển dài ngày...”.

Đại uý Hoàng Xuân Long - Hải đội phó kể lại: “Khi phát hiện tàu Trung Quốc vi phạm, chúng tôi đã lập biên bản về vi phạm của tàu và ngư dân Trung Quốc. Xét thấy mức độ sự việc, Tổ công tác đã cảnh cáo nghiêm khắc và phóng thích người và phương tiện ra khỏi lãnh hải nước ta. Lúc đầu, thuyền trưởng tàu Trung Quốc cũng gây khó khăn. Nhưng trước thái độ cương quyết của tổ công tác, thuyền trưởng những tàu vi phạm phải chấp hành ký vào biên bản”. Những ngày sau đó, Hải đội 2 luôn xuất kích đẩy đuổi 9 lượt tàu cá Trung Quốc vi phạm.

Nói về chuyện đấu tranh với tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc, anh Tô Hải Nam (ngư dân xã Bảo Ninh) nhắc lại chuyện trước đây vài năm: “Nói thật là tàu họ lớn hơn tàu mình, công suất máy mạnh hơn nên khi gặp là họ trấn áp để cướp ngư cụ, tài sản. Nhiều ngư dân mới sắm được vàng lưới cả trăm triệu, chưa thả được con cá nào gặp tàu Trung Quốc là bị cướp luôn. Vì tàu đi đơn lẻ, yếu thế nên không dám phản đối, thà mất của mà giữ được tính mạng. Cũng có tàu bỏ chạy được, nhưng họ dùng súng bắn theo thủng vỏ tàu”.

Nhưng nay thì khác rồi. Đánh cá trên biển đi theo đội hình TĐK nên hỗ trợ nhau mạnh lắm. Gặp tàu Trung Quốc là phất cờ báo họ vi phạm và yêu cầu rời xa. Mặt khác, báo ngay cho BĐBP để có biện pháp mạnh. “Mình đông, họ có muốn uy hiếp cũng không được. Trước thì né tránh họ, giờ ta đấu tranh trực tiếp luôn, chẳng sợ. Biển mình, chủ quyền mình, tinh thần đoàn kết cao thì họ phải sợ ta đó chớ” - anh Nam nhấn mạnh thêm.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.