| Hotline: 0983.970.780

Hành trình đọc sách từ mái tranh làng quê đến cao ốc đô thị

Chủ Nhật 05/07/2020 , 08:33 (GMT+7)

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài cho rằng: “Chỉ một bộ phận người xây dựng văn hóa đọc thì xã hội khó văn minh”.

Đường sách TPHCM đã trở thành một địa chỉ văn hóa tiêu biểu.

Đường sách TPHCM đã trở thành một địa chỉ văn hóa tiêu biểu.

Gần một thiên niên kỉ, kể từ thế kỉ X, khi đất nước xuất hiện những văn bản viết bằng chữ Hán cho đến nửa cuối thế kỉ XIX, những gì giới nho sĩ viết ra, cũng đều trong giới đọc với nhau. Gần một nghìn năm, chỉ có một bộ phận nhỏ được học, thi đỗ làm quan, hoặc không đỗ đạt thì làm thầy dạy chữ, là người biết chữ, biết đọc. Gần một nghìn năm, cơ bản là nhân dân ta không được học chữ, nên việc đọc chỉ diễn ra ở một bộ phận nhỏ trong xã hội, đó là quan chức, nho sĩ.

Cho tới khi chữ quốc ngữ xuất hiện với tư cách thay thế chữ nho, thực thi các văn bản quan trọng, đi vào trường họ và dần được phổ biến rộng rãi vào đầu thế kỉ XX, chữ quốc ngữ đã mở ra một thời kì mới, người đi học nhiều hơn, kể cả phụ nữ cũng có quyền bình đẳng, được đi học nếu có khả năng, nhu cầu. Từ đó người biết chữ, biết đọc trong dân chúng đông đảo dần lên, việc đọc thời những năm đầu thế kỉ XX vượt lên một bước so với ngàn năm phong kiến đã qua.

Việc đọc giai đoạn này đã góp phần thúc đẩy sáng tác, nghiên cứu, học thuật, dịch thuật, góp phần cho việc in ấn, xuất bản phát triển. Vì thế văn hóa đọc đến đây có được một diện mạo mới, một thời kì mới, dân trí được nâng lên, có những khoảng cách được thu bớt lại vì người biết chữ, biết đọc mở rộng ở các thành phần, các giai tầng xã hội. Phụ nữ đọc, người không thuộc đẳng cấp cao đọc, mua đọc, mượn đọc, đọc trên bến xe, bến tàu, đọc cả trong đói khổ.

Tuy vậy gia đoạn này số người biết chữ vẫn chưa nhiều. Xét rộng khắp thì dân ta vẫn mù chữ, thất học và việc đọc xét cho cùng vẫn chỉ diễn ra ở một bộ phận nhỏ trong xã hội.

Cách mạng tháng 8-1945 thành công, phong trào xoá mù chữ trong toàn dân được đề ra, dù đói khổ, dù chiến tranh, dần dần tất cả con em vẫn được đến trường. Sự cố gắng của chính phủ và toàn dân trong việc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục các cấp diễn ra trong khoảng thời gian dài mười, hai mươi năm... và vào những năm dân tộc vừa xây dựng hòa bình vừa đấu tranh thống nhất đất nước, văn hóa đọc thật sự được nâng lên một mức độ mới, đông đảo hơn, rộng lớn hơn.

Lúc này đã có nhiều thành tựu sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật bằng chữ quốc ngữ trong gần một thế kỉ qua, tầng lớp trí thức lúc bấy giờ đông đảo hơn và thời đại mà người người biết chữ đã khiến văn hóa đọc thêm một lần chuyển động lớn, tạo một thời kì mới khác, hướng vào một diện mạo khác.

Thế giới sách mở ra chân trời khát vọng cho con người.

Thế giới sách mở ra chân trời khát vọng cho con người.

Tuy nhiên ta vẫn dễ nhận thấy, ai cũng biết chữ nhưng số người đọc nhiều, ham đọc, thích đọc vẫn ít và số người ít đọc vẫn nhiều hơn. Số người đọc hiểu sâu rộng vẫn ít. Điều này cho thấy, tuy là thời kì ai ai cũng biết chữ, nhưng văn hóa đọc vẫn chỉ diễn ra trong một bộ phận mà thôi.

 Khi nào cộng đồng đọc, cả dân tộc đọc, yêu thích đọc, không thể thiếu đọc, và từ đó mà tác động tốt lên đời sống của mình, của mọi người và xã hội thì văn hóa đọc thật sự mang một diện mạo đúng như mong muốn.

Vậy bao giờ thì chấm dứt thời kì văn hóa đọc chỉ thuộc một bộ phận xã hội?

Dù biết chữ nhưng sau khi chấm dứt chiến tranh chúng ta nghèo đói, thiếu ăn, thiếu mặc, hầu hết không quan tâm tới việc phải đọc, phải bổ sung tri thức không ngừng nghỉ.

Khi đỡ nghèo đói, đời sống vật chất, tiện nghi dần lất át; ti vi, xe máy, nhà hàng, ô tô... con người thấy thiếu thời gian, việc tranh thủ đọc bổ sung tri thức, tăng lên sự hiểu biết cũng không được chú ý, nó bị bỏ qua, bị lấp lép sau những xô bồ, đua theo nhiều thú vui trong đời sống. 

Khi thời đại thay đổi chóng mặt, thời của công nghệ, nối mạng internet toàn cầu... con người cũng thay đổi và tiếp tục có nhiều thói quen mới. Điện thoại chứa khối lượng tri thức khổng lồ khi kết nối internet, con người có điều kiện đọc nhiều hơn, nhưng vấn đề mới là ở sự lựa chọn, là ưu tiên đọc cái gì? Chẳng hạn ngay trên facebook, đó là một thế giới mà cái để đọc có giá trị hay không còn tùy người chơi, tùy cách họ kết nối. 

Đọc gì trong vô vàn cái đáng đọc với thời gian một ngày ai cũng chỉ có hai tư giờ? Con người bận rộn quá, đọc nhiều nhưng đọc vặt, tự phát, không hệ thống, phụ thuộc điều kiện, tính cách, học vấn, nghề nghiệp.

Chúng ta có cả ngàn năm chữ nho không bén đến dân thường. Chúng ta mới có trên một thế kỉ sử dụng chữ quốc ngữ và chưa đầy một thế kỉ xóa mù chữ, chúng ta sống trong chiến tranh, đói nghèo quá lâu, rồi đột ngột với bao thay đổi có tính toàn cầu, bị hấp hẫn bởi nhiều cái mới dồn dập... Vậy nên hiện tại, văn hoá đọc vẫn thuộc về một bộ phận nhỏ trong xã hội duy trì. Nghĩa là đọc nghiêm túc, mong muốn nắm bắt được vấn đề, tích lũy thêm kiến thức, nâng cao dần sự hiểu biết, ngày càng hiểu đúng, hiểu sâu rộng hơn khi đọc, càng yêu thích và ưu tiên, cảm thấy hạnh phúc, thay đổi chính mình và làm thay đổi tích cực cuộc sống.  

Không chịu khó đọc từ trong trường học thì khó nâng mức đọc của mình lên và càng ngày càng ít có thời gian để đọc, rồi sẽ đọc mà không biết đầu gốc, đầu ngọn, và càng bỏ qua nó.

Nếu đọc theo tầng bậc từ thấp lên cao, từ ít lên nhiều, giữ thói quen đọc... thì con người dễ tĩnh tâm, đỡ cuồng động hoặc ù ì, cằn cỗi. Trí não chúng ta như cái kho có thể chứa rất nhiều nhưng không đọc, nghĩa là không học thì nó như bị bỏ không, bỏ trống, hay chỉ chứa những gì ít giá trị và tâm hồn ta cũng sẽ không khác gì vùng đất hoang.

Hiện nay trẻ em và người lớn vẫn đang bị biết bao nhiêu trò vui thú cuốn hút từ chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng, từ máy tính, ti vi, từ nhiều phương tiện khác của đời sống nên việc đọc của chúng ta hiện nay vẫn chưa có mặt bằng chung tương đối, còn có nhiều khấp khểnh, vênh lệch. Văn hóa đọc vẫn mới chỉ diễn ra trong một bộ phận.

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài từng đoạt giải nhất truyện ngắn báo Văn Nghệ khi đang dạy học ở Nghệ An.

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài từng đoạt giải nhất truyện ngắn báo Văn Nghệ khi đang dạy học ở Nghệ An.

Ngàn năm phong kiến, văn hóa đọc diễn ra trong một bộ phận nho sĩ; thù tạc, tương tri, là sở thích thanh cao, là thú tao nhã, là lí tưởng sống, họ như ở trên một bậc trên thiên hạ, họ thuộc số ít người được trọng vọng và khá xa cách với dân chúng.

 Về sau này việc đọc phổ rộng hơn, dân chúng hóa dần, độ cao sang, cách biệt như thời phong kiến được xóa nhòa dần.

Dù thế nào thì việc đọc từ xưa nay vẫn là hoạt động rất được kính nể, rất được tôn trọng, nó làm sang trọng, làm thanh cao, làm hoàn thiện mỗi con người. Người đọc vẫn luôn được trân trọng, coi trọng. Họ có ảnh hưởng tốt lên đời sống tinh thần xã hội, ảnh hưởng tốt lên người khác, thúc đẩy phát triển tri thức, học thuật, sáng tạo và nuôi dưỡng sự rộng mở không ngừng con đường đọc. Họ luôn muốn thể hiện xuất sắc tinh thần tiếp nhận, sáng tạo và bồi đắp, gìn giữ những giá trị của cuộc sống, của loài người. Họ luôn chuyển động và theo hướng mở, uyển chuyển, nhân văn, tác động lên cộng đồng khác với những định hướng áp đặt, cứng nhắc, thiếu nhân văn trong xã hội.

Nhưng chỉ một bộ phận người xây dựng văn hóa đọc thì xã hội khó văn minh. Phải cả cộng đồng, cả một dân tộc đều như nhau, hiểu biết không vênh lệch quá... thế mới dễ dàng nuôi dưỡng, phát triển những gì tiến bộ từ mầm mống, mới thực sự nuôi dưỡng, phát triển được những gì nhân văn.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất