| Hotline: 0983.970.780

Hành xử chợ búa vào học đường

Thứ Tư 05/08/2015 , 06:20 (GMT+7)

Những ngày gần đây, xã hội lại một phen xôn xao trước sự kiện “Cô giáo cung Bọ cạp”. 

Đó là clip trên mạng xã hội đưa hình ảnh cuộc "đấu khẩu" tay đôi giữa cô giáo L.N (một Trung tâm đào tạo tiếng Anh ở Hà Nội) lớn tiếng xưng "mày - tao" và đe dọa một SV thuộc Học viện Bưu chính Viễn thông. Cô giáo tự xưng: "Tao là cung Bọ cạp".

Vì sao gần đây liên tiếp xuất hiện những hành xử kiểu như vậy trong môi trường sư phạm? GS.NGND Nguyễn Đình Chú (ảnh) (khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội), người có gần 70 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, sẽ kiến giải vấn đề này.

15-08-09_gs-nguyen-dinh-chu-cd

Thưa GS.NGND Nguyễn Đình Chú, sự kiện “Cô giáo cung Bọ cạp” với những hành xử chợ búa len lỏi vào trong học đường có khiến ông quan tâm hay không?

Tôi quan tâm và thấy rằng chuyện này nó có lịch sử vấn đề.

GS cắt nghĩa lịch sử vấn đề và phương hướng giải quyết ra sao?

Vấn đề này nói chung vẫn là nhận thức xã hội. Tuy là biểu hiện nhưng nó nằm trong vấn đề rất lớn mang tính thời đại. Một xu hướng rất là nhảm nhí của thời đại nó nằm trong cái tổng thể chung của xã hội. Đây là cái nhí nhố của thế gian nhưng cơ chế hiện nay cũng phải chịu trách nhiệm một phần nào đấy.

Bây giờ những chuyện mày - tao với học trò như thế mà cho là thoải mái thì lý lẽ đó rất ngụy biện. Khi xã hội không có chuẩn mực thì còn nhiều chuyện nữa sẽ xảy ra chứ không phải chỉ riêng chuyện này đâu.

Thưa GS, thời ông đi dạy học thì ranh giới giữa học trò và giáo viên có như hiện nay không?

Trước kia, học trò với thầy là thầy - con, thầy - em, đến thế hệ chúng tôi, đổi mới sau cách mạng, toàn gọi thầy bằng anh. Tuy gọi thầy bằng anh nhưng chúng tôi nói chung rất tử tế với nhau, vẫn giữ quan hệ lành mạnh thôi, chưa sao cả.

Bây giờ chuyện dân chủ hóa trong nhà trường nó có mặt tích cực nhưng mặt trái của nó ghê gớm lắm. Thêm nữa, quan hệ thầy trò bây giờ khác với quan hệ trước đây. Trước đây là quan hệ cho và nhận. Thầy cho và học trò nhận. Quan hệ đó cũng có mặt trái, dù sao học trò cũng bị động, thụ động tiếp nhận.

Còn trong quan hệ thầy trò bây giờ, thầy cô giáo đi dạy thêm thì đó thành quan hệ mua bán rồi. Đó là thương mại hóa quan hệ thầy trò. Do đó, nó sẽ theo quy luật thị trường thôi. Tốt thì người ta khen, xấu thì người ta chửi, chứ có gì đâu. Cho nên trong chuyện này có cả trách nhiệm của người thầy nữa, chứ không phải chỉ từ phía học trò. Nhìn tổng thể thì đó là cả xã hội suy thoái về đạo đức.

Bây giờ muốn trở lại quỹ đạo giáo dục “thầy ra thầy, trò ra trò” trước đây có được không? Đi đường tắt hay phải đi đường vòng?

GS.NGND Nguyễn Đình Chú SN 1929, quê xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Giảng viên khoa Ngữ văn trường ĐHSP Hà Nội từ năm 1957. Ông được Nhà nước phong học hàm GS (1988), danh hiệu NGND (1992).

Vấn đề này lớn lắm. Nó liên quan đến xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong xã hội hiện đại. Bảng giá về nhân cách đang lộn tùng phèo. Hồi trước bảng giá là gì? Hiện nay bảng giá là gì? Xã hội Việt Nam vẫn coi trọng nhân cách, sống noi gương. Nhưng trong thực tế cuộc sống rất khắc nghiệt. Cho nên đứng về mặt triết học mà nói thì nhiều mặt cuộc sống nó rất phức tạp. Anh hùng với lưu manh có khi gần nhau, thậm chí là một nhé.

Muốn trở lại tình thầy trò theo đúng đạo nghĩa ngày xưa, cần có những biện pháp nào, thưa GS?

Khó lắm. Tôi cũng đang suy nghĩ. Không nên coi giáo dục là ốc đảo. Phải coi giáo dục là một bộ phận của quốc gia. Và quan hệ giữa giáo dục với đất nước là quan hệ giữa thuyền và nước. Nước lên thì thuyền lên. Bây giờ xã hội nhí nhố như thế thì giáo dục nó cũng phải nhí nhố. Đó là điều không thể chối cãi được.

Lâu nay người ta cứ tách giáo dục ra, người ta chửi giáo dục, người ta bàn về giáo dục thật ra mà nói là không đúng. Báo chí viết nhiều về yếu kém của giáo dục nhưng là gặp đâu nói đấy, chưa có hệ thống gì cả. Dù có nhiều ý kiến bổ ích, nhưng làm gì cũng thế, trước hết phải biết được chúng ta đang ở trạng thái nào.

Theo GS, lối ra cho nền giáo dục của đất nước hiện nay nên bắt đầu từ đâu?

Chúng ta đang thiếu một chỗ bắt đầu cho lối ra, phải cần có một cuộc đại phẫu. Rõ ràng, mối quan hệ giữa giáo dục và xã hội là mối quan hệ hữu cơ. Muốn cải tạo giáo dục thì phải cải tạo được xã hội. Khoa học xã hội nhân văn trong nhà trường hiện nay có những bộ môn dạy những điều rất vu vơ, rất mâu thuẫn với cuộc sống, xa lạ với cuộc sống.


Chân dung cô giáo "Bọ Cạp" - Lê Na khiến cư dân mạng "nổi sóng" những ngày qua

Tất nhiên bây giờ vẫn phải cố gắng mà cứu vãn thôi, còn có được hay không lại là chuyện khác. Báo chí phải có sự cổ động, phải cứu vãn, chứ không thể buông xuôi được. Buông xuôi thì nguy hiểm lắm. Chuyện mà phải uốn nắn, phải động viên lại, phải giáo dục lại thì nhất định là phải làm, chúng ta không thể không làm được.

Nói cho công bằng thì trong cuộc sống hằng ngày vẫn còn nhiều thầy cô giáo tốt chứ. Học sinh, sinh viên ngoan ngoãn vẫn có nhiều chứ. Hiện nay, cái thiện và cái ác đang tranh chấp nhau. Có điều là cái thiện chưa thể đè bẹp được cái ác xuống. Nhưng cái thiện vẫn là chủ công đấy chứ. Thầy cô giáo bây giờ, vẫn còn nhiều những người thầy cô giáo tốt.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của GS!

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất