| Hotline: 0983.970.780

Hạt muối cũng không còn

Thứ Sáu 22/10/2010 , 09:23 (GMT+7)

Đó là thực trạng của rất nhiều hộ dân ở rốn lũ Vũ Quang (Hà Tĩnh) mà PV NNVN đã chứng kiến khi ngược sông Ngàn Sâu.

Trắng tay vì lũ
Đó là thực trạng của rất nhiều hộ dân ở rốn lũ Vũ Quang (Hà Tĩnh) mà PV NNVN đã chứng kiến khi ngược sông Ngàn Sâu.

Lũ cướp hết rồi

Dù đã nâng giá lên 800 ngàn đồng nhưng Thủy, tay lái đò ở xã Đức Bồng vẫn chần chừ. Bởi lão bảo rằng ngược dòng Ngàn Sâu thời điểm này chẳng khác nào đánh đùa với tính mạng. Sông Ngàn Sâu chảy qua các xã Đức Liên, Đức Hương đến xã Đức Ân không thể xác định đâu là bờ và ranh giới giữa các xã bây giờ cũng chỉ toàn là nước. Chỗ thấp thì chìm nghỉm, chỗ cao là những mảng sạt lở toang hoác.

Chiếc xuồng máy 12 mã lực rướn hết sức nhưng vẫn phải men theo bờ lần vào xã Đức Bồng. Một biển nước mà ở đó sự mất mát chưa thể thống kê vì như lời Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quốc Hùng thì họ không tiếp cận được. Những ngôi nhà vẫn còn chìm nghỉm, một vài căn nhà khác ở vùng cao đã trồi nền đất, minh chứng cho sự kinh hoàng của trận lũ lớn nhất trong vòng 100 năm qua ở vùng đất này. Nước bắt đầu rút, cây cối, nhà cửa ngoi lên nhuốm một màu bùn bạc thếch.

Vừa lái thuyền, Thủy vừa kể những câu chuyện về mất mát trong cơn lũ dữ mà sau đó tôi kiểm chứng đúng là thật. Chuyện về ông Hào ở xã Đức Liên dắt bò đi chạy lũ trong đêm mưa đến lúc sáng ra thì chỉ thấy bò đứng chơ vơ ở mép đồi còn ông không về nữa. Chuyện về chị Minh ở xã Đức Hương trong cơn lũ được lực lượng cứu hộ đưa đi khỏi nhà khi nước ngập tận mái đến khi trở về thì nhà chỉ còn nền đất hoang. Chuyện anh Thắng ở xã Đức Liên dù đã nài xe máy vào cột nhà nhưng giờ chỉ còn dây…

Vừa trở về nhà sau gần một tuần chạy lũ, anh Nguyễn Đình Bính ở xóm Bồng Thắng, xã Đức Bồng vẫn chưa dám vào nhà bởi nước còn ngập quá nửa. Vẻ mặt thất thần, giọng kể đứt nghẹn vì xót xa, anh vẫn không tin chỉ trong mấy ngày mà nhà mình thành ra như thế. “Nước lên nhanh quá nên vợ chồng con cái dắt díu nhau chạy trối chết. Bây giờ anh xem đi. Thóc lúa nước ngâm thối rữa, vật dụng sinh hoạt nước cuốn đi. Không trắng tay thì là gì”. Lũ đã rút, mỳ tôm cũng đã ngán, cả nhà vét gạo làm định làm một bữa cơm nhưng loay hoay mãi không biết tìm đâu ra muối. “Nấu được nồi cơm là quý lắm rồi. Còn bao nhiêu nhà khác muốn ăn cũng chịu vì không gạo, không lửa”-Vợ chồng con cái nhà Bính tự động viên nhau.

Không riêng gia đình anh Bính mà hàng trăm hộ khác ở xóm Bồng Thắng cũng chung cảnh ngộ. Cả xóm ở gần sông nên nước lên nhanh, chỉ chạy được người, đến khi quay về may mà nhà không trôi mất. Xã Đức Bồng vẫn bị chia cắt thành nhiều vùng. Một số xóm các đoàn cứu trợ có muốn vào cũng chịu vì nước chảy xiết quá. Đường sá chưa nhìn thấy nhưng chắc chắn đã tan hoang...

 Lấy gì để sống?

 Rời xã Đức Bồng, chúng tôi ngược lên xã Đức Giang, nơi mà bộ đội biên phòng chở xuồng đi cứu trợ nói với rằng cẩn thận kẻo thuyền vướng vào…dây điện. Quả thế thật, để vào được trung tâm xã phải mất hàng chục lần kéo dây điện đứt chằng chịt trôi trên mặt nước. 

Chưa có thống kê nào ở Vũ Quang về nhà cửa bởi nước lũ đang rút chậm. Nhưng chắc chắn một điều là phần lớn nông dân ở vùng lũ này trắng tay sau khi cơn lũ lịch sử đi qua. Một viễn cảnh ảm đạm đang dần hiện hữu.
Anh Trần Quốc Sự, Phó Bí thư Đảng ủy xã ngồi trầm ngâm trước căn nhà ngập nước mà không thể hẹn gặp ở ủy ban vì nơi đó cũng đang ngập. Cạnh nhà anh là trạm y tế xã chỉ còn trơ phần móng, trường học đang xây dở dang chỉ còn thấy mấy cột bê tông nằm chơ vơ. Lên thuyền, vừa chỉ tay anh vừa bảo rằng muốn biết lũ kinh hoàng đến thế nào thì phải vào các xóm “nhai mỳ tôm”. Thì ra cụm từ là lạ đó dùng để chỉ các xóm Văn Giang, Cẩm Trang, Hợp Phát… những ốc đảo của xã Đức Giang mà người dân chỉ có mỳ tôm là cứu cánh trong đợt lũ này.

Gia đình chị Lê Thị Tuyết ở xóm Hợp Phát là một hộ “nhai mỳ tôm” như thế. Chồng mất sớm, nghe có thông báo lũ  chị mang con cái đi sơ tán rồi quay về một mình trông nhà. Nhưng sức lực người đàn bà lam lũ ấy không địch được sức thiên tai. Khi nước ngập đến mái chị không còn cách nào khác là leo xuồng đi trốn. Bốn năm ngày lũ quần là chừng ấy thời gian chị cùng gia đình chỉ biết ăn mỳ tôm. Thấy nước lũ rút, mẹ con lục đục chèo thuyền về xem nhà cửa thế nào thì mảnh vườn “đi gần một nửa”.

Dù mất tất cả nhưng nhà chị Tuyết thuộc dạng mất ít vì là hộ nghèo. Nỗi xót xa bao trùm gần hết các xóm ở Đức Giang. Người mất trâu bò, lợn gà, người trôi vật dụng sinh hoạt. Chứng kiến cảnh dân tình trong xã gạo ngô mốc meo, cày bừa trôi hết anh Sự ngán ngẩm: “Lũ chẳng chừa ai. Mất hết thế này rồi đây không biêt dân tôi lấy gì mà sống”? Chập tối, chúng tôi xuôi thuyền, hai bờ Ngàn Sâu chìm trong mịt mù. Mất điện vì lũ, ánh sáng khả thi nhất bây giờ là đèn thì người dân cũng không kiếm nổi một giọt dầu.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất