| Hotline: 0983.970.780

Hạt ngọc của bài chòi cổ Bình Định

Thứ Ba 15/05/2018 , 08:23 (GMT+7)

Trong suốt gần 80 năm theo đuổi nghệ thuật bài chòi, nghệ nhân ưu tú Lê Thị Đào đã có công không ít trong việc “truyền lửa nghề” cho những thế hệ hậu bối.

11-53-20_1
Mẹ con cụ Đào người đàn người hát

Đến năm 80 tuổi, “hạt ngọc” của bài chòi cổ ở Bình Định mới chính thức “giải nghệ”.
 

Đau đáu

Những năm của thập niên 90 (thế kỷ 20), nghệ nhân Lê Thị Đào gia nhập CLB bài chòi cổ dân gian Bình Định do cố nghệ sĩ ưu tú Phan Ngạn làm Chủ nhiệm.

Cụ Đào còn nhớ như in, ngày nghệ sĩ Phan Ngạn tìm tới nhà bà, biếu bà 2 hộp sữa bò, 1 xấp lá trầu, buồng cau, mời bà tham gia vào hội bài chòi cổ dân gian. Từ lâu đã nghe danh tiếng nghệ sĩ Phan Ngạn, tuổi tác trạc nhau, nhưng khi ấy cụ Đào gọi ông là thầy và hứa “trao truyền” chút hiểu biết về hô hát, đánh bài chòi cho lớp trẻ.

Lòng đắm đuối với những điệu hát, da diết nhớ hào quang sân khấu, khiến cụ như thoát ra khỏi quy luật của tuổi tác, sinh lão. Những khi trở trời, mệt trong người không hát được, bà sai cháu nội mở đĩa ghi hình các trích đoạn mà bà và những nghệ nhân Hồ Ngọc Tùng, Nguyễn Thị Minh Liễu, Nguyễn Thị Đức… biểu diễn xem cho đỡ nhớ. Ông Nguyễn Thanh Hòa, con trai cụ Đào, kể: “Những năm mẹ đã cận kề tuổi 90, nhưng mỗi dịp lễ, tết có tổ chức hát bài chòi là Sở Văn hóa cho xe lên rước mẹ xuống diễn. Mỗi lần như thế mẹ vui lắm, về nhà tâm trạng phấn chấn hẳn lên. Mấy năm nay vì thấy mẹ già yếu quá họ không dám mời đi hát nữa, mẹ lại tự ái, nói: “Nẫu (người ta) chê tao già hổng kêu tao đi hô bài chòi, tao hô còn ngon chớ bộ bở (dở) na bay!”.

11-53-20_2
Vừa hát, cụ bà 93 tuổi nghệ nhân Lê Thị Đào vừa gõ song loan rất điệu nghệ

Năm 2007 cụ Đào được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng Danh hiệu Nghệ nhân dân gian và trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian. Cuối năm 2015, cụ được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
 

Có cho tui hát không?

Hôm tôi tìm đến nhà nghệ nhân Lê Thị Đào, cụ đang ngủ, nhưng khi nghe ông Nguyễn Thanh Hòa (63 tuổi), con trai cụ Đào, bảo có khách đến hỏi về bài chòi, cụ liền tỉnh giấc. Trước khi tiếp khách, cụ ra sau nhà rửa mặt, rồi quấn chiếc khăn xanh lên đầu rất phong thái.

Cuộc trò chuyện của tôi và cụ Đào liên tục có những khoảng lặng, đó là những lúc cụ Đào phải ngẫm nghĩ thật lâu mới nhớ ra những điều cần kể. “Vài ba năm gần đây mẹ tôi thường có chứng hay quên. Đã 93 tuổi rồi mà! Nhưng đặc biệt, khi hát bà nhớ tuồng tích vanh vách, hát có ngọn có ngành không lẫn. Thuở sinh thời, ba tôi hay khen ưu điểm của mẹ tôi là vừa có thanh vừa có sắc, hội đủ tố chất của nghề diễn”, ông Hòa tâm sự.

Như để minh họa cho điều mình vừa nói, ông Hòa đứng dậy lục chiếc đĩa trích đoạn tuồng hát của cụ Đào lúc cụ đã hơn 80 tuổi mà Sở Văn hóa Bình Định ghi lại để làm tư liệu. Cụ ngồi trên giường, mắt nhìn chăm chăm vào màn hình tivi, lắng nghe giọng hát của chính mình. Bất chợt, cụ Đào hát theo, giọng hát trên miệng cụ so với giọng hát trong tivi tuy có yếu hơn, nhưng “lửa” trong chất giọng không hề mất đi. Cụ còn vỗ nhịp 2 bàn tay vào nhau theo lời hát rất điệu nghệ.

11-53-20_3
Cụ Đào hỏi anh cán bộ văn hóa tỉnh: “Đi dự lễ thì đi, nhưng có cho tui hát mấy câu không?”

Thấy mẹ hưng phấn, ông Hòa cầm đàn ra, ngồi lên giường bên cạnh cụ và bảo: “Con rao (dạo) đàn mẹ hát nhé!”. Cụ cười móm mém, bỗng đứng lên đi về phía nhà trên. Tôi sợ mất cơ hội được nghe cụ Đào hát, tôi vội vã dìu cụ ngồi xuống thì cụ bảo: “Tui đi lấy cái song loan. Hát phải có song loan gõ nhịp chớ!”.

Giọng hát của cụ chẳng những có nhịp phách chắc nịch, mà còn rất diễn cảm: “Con rắn không có chưn (chân) nó bò qua năm rừng bảy rú, con gà không có dú (vú) nó nuôi được chín mừ (mười) con…”, nghe mà thấm từng chữ.

Màn “độc diễn” của nghệ nhân Lê Thị Đào vừa dứt thì trước nhà cụ có tiếng ô tô xịch đỗ. Thì ra anh cán bộ của Sở Văn hóa Bình Định trịnh trọng đến nhà gửi cho cụ cái giấy mời tham dự buổi Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại diễn ra vào ngày 5/5. Sau khi nghe anh cán bộ Sở Văn hóa nói rõ nội dung của giấy mời, cụ thốt hỏi: “Đi dự lễ thì đi nhưng dẫy rầu (vậy rồi) có cho tui hát mấy câu không. Dự lễ phải cho tui hát chớ!”.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.