Bây giờ, Hà Tiên là một thành phố nhỏ nằm ở cực Nam Tổ quốc (tỉnh Kiên Giang), giáp với biên giới Campuchia qua cửa khẩu Xà Xía. Bây giờ, dù đường sá đã được nâng cấp, thì từ thành phố Rạch Giá muốn đến Hà Tiên cũng phải mất hai giờ lái xe. Thế nhưng, cách đây 100 năm, vùng đất hẻo lánh ấy đã có một người ôm ấp giấc mộng phát triển ngôn ngữ Việt và văn hóa Việt, đó là danh nhân Đông Hồ - Lâm Tấn Phác.
Đất đai Hà Tiên do Mạc Cửu khai phá, còn văn hóa Hà Tiên do con trai Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích khơi mở. Năm 1736, Mạc Thiên Tích đã lập ra Chiêu Anh Các, tổ chức văn học đầu tiên của miền Nam và là tổ chức văn học thứ hai của Việt Nam (sau hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông ra đời năm 1495). Tinh thần của Mạc Thiên Tích được bồi đắp và thăng hoa bởi hậu sinh Lâm Tấn Phác, với bút danh Đông Hồ.
Mồ côi từ rất nhỏ, Đông Hồ được người bác Hữu Lân nuôi nấng và dạy dỗ. Năm 1924, tròn 18 tuổi, Đông Hồ bắt đầu đi dạy tiểu học. Lúc ấy, người Pháp cai trị khắp Đông Dương, trường tiểu học ở Hà Tiên cũng chỉ dạy tiếng Pháp, còn tiếng Việt xem như môn phụ. Thầy giáo Đông Hồ băn khoăn lắm, tại sao trẻ em Việt lại phải học ngôn ngữ chính là tiếng Pháp, tại sao những mầm non nước Việt lại phải tụng ca “tổ tiên chúng ta là người Gaulois”?
Vài lần lén lút tăng giờ học tiếng Việt, thầy giáo Đông Hồ bị quản lý trường tiểu học cảnh cáo. Không chịu khuất phục, ngày 30/10/1926, thầy giáo Đông Hồ tự mở Trí Đức Học Xá ngay tại nhà mình. Chương trình của Trí Đức Học Xá dạy toàn tiếng Việt, cho bất kỳ ai muốn học tiếng Việt. Lấy tên gọi cũ của Hà Tiên là Phương Thành, Đông Hồ có bài thơ náo nức về sự ra đời cơ sở giáo dục đặc biệt của mình: “Vườn Trí Đức thành Phương ngõ rộng/ Hạt quốc văn gieo giống tinh hoa/ Trải bao gió lộng sương pha/ Tốt tươi hồng hạnh, rườm rà quế lan”.
Nếu chọn một bài thơ tiêu biểu cho Đông Hồ, chắc chắn đó là bài “Mua áo”. Được in trong tập “Cô gái xuân” vào năm 1935, vẫn là cách kể chuyện giống như những nhà thơ cùng thời, nhưng bài “Mua áo” của Đông Hồ có hai câu kết xuất thần: “Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó/ Ngắn dài người mới tựa bên vai”. Người yêu đi mua áo cho người yêu, thì số đo không cần dùng đến thước tấc. Ý niệm ấy đến hôm nay vẫn còn hiện đại. Và nếu dịch sang tiếng nước ngoài, thì “Mua áo” không thua kém bất kỳ bài thơ tình nào trên thế giới!
Tạp chí Nam Phong số 115, phát hành tháng 3/1927, đã in trọn vẹn bài diễn văn khai giảng Trí Đức Học Xá của Đông Hồ, nhấn mạnh mục đích dùng tiếng Việt để khai trí tiến đức!
Tiếng lành đồn xa, ngôi trường duy nhất lấy tiếng Việt để giảng dạy ở miền Nam, làm nức lòng nức dạ những kẻ hiếu học khắp nơi. Tại Hà Nội, học giả Dương Quảng Hàm viết bài “Việc giáo dục ở Phương Thành” in trên Nguyệt Báo của Nha Học Chính, để cổ vũ Đông Hồ. Còn học giả Phạm Quỳnh trên tờ tạp chí Nam Phong khen ngợi Đông Hồ: “Trí Đức Học Xá muốn bày tỏ cho thiên hạ biết rằng, tiếng nước nhà có thể dạy con em nước nhà, bất tất phải mượn đến tiếng ngoại quốc. Dùng quốc văn để dạy con trẻ biết yêu nước nhà, còn cách giáo dục nào đích đáng bằng”.
Học trò từ Biên Hòa, Tây Ninh, Sài Gòn, Mỹ Tho, Đồng Tháp… đã lặn lội về Hà Tiên để ghi danh vào Trí Đức Học Xá. Có những học trò còn lớn hơn cả thầy giáo tuổi hai mươi Đông Hồ. Bài tập đọc nhập môn mà thầy giáo Đông Hồ đưa ra cho học trò là bài văn vần do chính ông sáng tác: “Ríu rít đàn chim kêu/ Cha truyền, con nối theo/ Huống là tiếng mẹ đẻ/ Ta lẽ nào không yêu?”.
Sự ngạo nghễ của Trí Đức Học Xá, tất nhiên làm ngứa mắt giới cầm quyền đương thời. Năm 1931, sau nhiều lần bị bạo lực dồn ép, Trí Đức Học Xá phải đóng cửa.
Không còn Trí Đức Học Xá là một niềm cay đắng của Đông Hồ. Nhân dịp học trò cũ là Thạch San in tập sách “Bông hoa cuối mùa”, Đông Hồ đã viết lời tựa đau đáu: “Thôi đành chịu người thua cảnh ngộ/ Cảnh không may thực khó mà nên/ Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên/ Năm năm ba bận tình duyên lỡ làng”.
“Năm năm” là khoảng thời gian tồn tại của Trí Đức Học Xá, còn “ba bận” phải hiểu thế nào? “Ba bận” là ba kỳ khai giảng niên khóa mới của Trí Đức Học Xá, hay “ba bận” là ba lần bị đe dọa, trấn áp phải dẹp bỏ Trí Đức Học Xá? Dù hiểu thế nào, thì “ba bận” cũng không thể nào làm mất đi ước vọng “Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên” mà Đông Hồ theo đuổi suốt đời.
Hàn Thuyên là danh sĩ dưới triều vua Trần Nhân Tông. Hàn Thuyên chủ trương dùng chữ Nôm thay cho chữ Hán. Noi gương tiền nhân, “giọng Hàn Thuyên” của Đông Hồ là khao khát dùng tiếng Việt thay cho tiếng Pháp trong thời đại mình đang sống. Trong nhiều bài thơ của Đông Hồ, tiếp tục trào dâng cảm hứng ấy. Ví dụ, bài “Xuân phong ngâm” viết năm 1965: “Duyên gặp gỡ tương tri thuở nọ/ Khúc nam huân ngọn gió khéo đưa/ Cung đàn dìu dặt tiếng tơ/ Hàn Thuyên Đại Việt hồn xưa bàng hoàng”, hoặc bài “Tiếng Việt huy hoàng” viết năm 1967: “Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên/ Nền móng văn chương cổ điển/ Đặt đây viên đá đầu tiên/ Xây dựng tương lai còn hẹn”.
Để thực hiện ước mơ về một “đất nước nghìn năm văn hiến/ lâu đài tiếng Việt huy hoàng”, Đông Hồ cũng dấn thân đi làm báo. Năm 1935, Đông Hồ lên Sài Gòn thành lập tuần báo “Sống”. Dù chỉ phát hành được ba mươi số, nhưng tuần báo Sống được học giả Nguyễn Hiến Lê ghi nhận “báo viết kỹ, in kỹ, đã đánh dấu được một tiến bộ trong ngành: tờ đó là tờ đầu tiên ở Nam bộ in trúng dấu hỏi, dấu ngã”. Năm 1953, Đông Hồ lại xuất bản tờ Nhân Loại. Có số phận cũng ngắn ngủi như tuần báo Sống, nhưng tờ Nhân Loại nổi tiếng với mục “Chữ và nghĩa” do Đông Hồ chấp bút, ký tên Đồ Mọt Sách bàn về những điều lý thú của tiếng Việt.
Tình yêu tiếng Việt của Đông Hồ còn phô diễn ở một lĩnh vực khác là nghiên cứu văn hóa. Cùng với người bạn đời Mộng Tuyết, Đông Hồ đã lập ra nhà xuất bản Bốn Phương, và cho in hai cuốn sách tạ ơn mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình là “Hà Tiên thập cảnh và đường vào Hà Tiên” và “Văn học Hà Tiên”. Bằng quan sát và trải nghiệm, Đông Hồ nêu bật nét riêng của Hà Tiên: “Ở đây không có một cảnh nào to lớn đầy đủ. Ở đây chỉ nhỏ nhắn, xinh xinh mà cảnh nào cũng có… Có một ít hang sâu động hiểm của Lạng Sơn. Có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long. Có một ít núi vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất sơn môn của Hương Tích. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, lăng tẩm của Thuận Hóa. Có một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng. Có một ít Nha Trang, Long Hải”.
Khi viết về văn học Hà Tiên, Đông Hồ cũng bày tỏ sự thao thức khôn nguôi với tiếng Việt: “Đọc những sách báo quốc ngữ miền Nam xuất bản khoảng từ 1900 đến 1920, chúng ta thấy có một lối viết lỏng lẻo, hời hợt, mất hẳn văn hóa cố hữu, tế nhị, cổ truyền của hai miền Trung, Bắc… Và từ năm 1925 về sau, có những nhà thơ, nhà văn từ miền Bắc, miền Trung vào làm báo ở Sài Gòn như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ, Thiếu Sơn… Chính họ là sứ giả văn hóa cho thời kỳ này. Từ đó văn học miền Nam dần dần khởi sắc và cũng từ đó mất dần tính cách đặc thù địa phương mà hòa đồng, thống nhất với văn học dân tộc”.
Nặng lòng với tiếng Việt, dù tự nhủ “trời đất to rộng quá, một tấm lòng lẻ loi”, Đông Hồ vẫn miệt mài chữ nghĩa đến tận giây phút cuối cùng. Ngày 23/5/1969, khi đang ngâm bài thơ “Trưng Nữ Vương” của Ngân Giang, Đông Hồ đột quỵ trên giảng đường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Đông Hồ rời khỏi nhân gian trong vòng tay học trò. Di sản Đông Hồ gửi lại tiếng Việt có không ít câu thơ hay, như “Một sợi tóc tơ huyền đủ buộc/ Nghìn năm người thực với chiêm bao” hoặc “Làm chi năm một lần khai bút/ Bút đã khai từ thiên địa khai”.