| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang chuyển biến tích cực

Thứ Sáu 07/06/2013 , 11:04 (GMT+7)

Qua gần 3 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, đặc biệt là trong 2 năm 2011, 2012, nông thôn Hậu Giang đã có sự chuyển biến tích cực cả về chất và lượng...

Qua gần 3 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, đặc biệt là trong 2 năm 2011, 2012, nông thôn Hậu Giang đã có sự chuyển biến tích cực cả về chất và lượng, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Trao đổi với NNVN xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đồng (ảnh), GĐ Sở NN-PTNT, Phó Trưởng ban BCĐ Chương trình MTQG xây dựng NTM Hậu Giang, cho biết:

Tỉnh Hậu Giang hiện có 54 xã, trong đó có 11 xã được BCĐ tham mưu cho UBND tỉnh chọn làm xã điểm để chỉ đạo đến năm 2015 đạt 19/19 tiêu chí NTM. Để Chương trình xây dựng NTM của tỉnh triển khai có hiệu quả, ngay từ khi mới bắt tay vào thực hiện, BCĐ đã tập trung quyết liệt cho công tác tuyền truyền theo cả chiều rộng và chiều sâu trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành 90.000 tài liệu hỏi đáp và pano, áp phích về NTM.

Đặc biệt, đã tổ chức trực tiếp các hội thi, hội diễn, hội thảo, tọa đàm cho gần 270.000 lượt người tham dự, có thể nói bước đầu tạo được sự chuyển về nhận thức trong nội bộ và quần chúng nhân dân.

Công tác đào tạo, tập huấn cán bộ được chú trọng, qua 2 năm đã mở được 51 lớp với 3.116 học viên từ tỉnh đến cơ sở tham gia. Từ đó, đã hình thành được một đội ngũ cán bộ tác nghiệp trực tiếp cho chương trình được chuyên môn hơn, hiệu quả hơn.

Về công tác quy hoạch, xây dựng đề án xã NTM được tỉnh xác định là công việc hết sức quan trọng, là tiền đề để cụ thể hóa chủ trương và định hướng cho nội dung Chương trình MTQG về xây dựng NTM.

Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt nên đến tháng 10/2011 Hậu Giang có 54/54 xã (100%) hoàn thành xong đề án quy hoạch và tiếp theo đến tháng 6/2012 hoàn thành đề án xã NTM. Nội dung đề án quy hoạch và đề án xã NTM đều được công bố rộng rãi ra dân, đồng thời làm cơ sở để xây dựng kế hoạch hàng năm.

Nhu cầu vốn cho xây dựng NTM rất lớn, vậy Hậu Giang đã triển khai vấn đề này như thế nào?

Để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu triển khai các chương trình, kế hoạch, Hậu Giang chọn giải pháp huy động từ nhiều nguồn, gắn kết lồng ghép các chương trình, dự án trên tất cả các lĩnh vực kinh tế và các phong trào thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng…


Giao thông nông thôn ở Hậu Giang ngày càng được nâng cấp

Qua 2 năm, tổng hợp từ các Sở, ngành và địa phương cho thấy, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM cho 54 xã trong toàn tỉnh là rất lớn, lên đến 12.130 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách là 1.789 tỷ đồng, còn lại là vốn tín dụng, doanh nghiệp và đóng góp của người dân…

Việc tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án mang lại hiệu quả cao, được người dân đồng tình ủng hộ (thông qua việc tự nguyện hiến đất, ngày công lao động…). Điển hình như trên lĩnh vực kinh tế đã huy động lồng ghép tổng lực đầu tư cho nông thôn chiếm tỷ trọng khá cao (11.903/21.281 tỷ đồng đầu tư toàn xã hội).

Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng khu dân cư gắn với NTM”; phong trào xóa đói giảm nghèo, các phong trào của cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ, thanh niên… đều gắn kết với xây dựng NTM. Qua đó, đã có nhiều mô hình hay, sáng tạo thuộc nhiều lĩnh vực phục vụ nông thôn, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng NTM.

Những kết quả mà Hậu Giang đã đạt được trong những năm qua là gì?

Những kết quả bước đầu mà Hậu Giang đã đạt được là rất khả quan. Hiệu quả từ các chương trình, dự án đã làm cho bộ mặt nông thôn của tỉnh có những chuyển biến rất mạnh mẽ, có sự thay đổi cơ bản cả về chất và lượng.

Đối với 11 xã điểm, xuất phát điểm bình quân đạt 5/19 tiêu chí, đến cuối năm 2012 đạt bình quân 10 tiêu chí; 43 xã còn lại xuất phát điểm bình quân 2 tiêu chí, nay tăng lên 4 tiêu chí.

Kết quả khỏa sát, đánh giá theo nhóm tiêu chí của tỉnh như sau: Nhóm biểu thị cho tiêu chí về cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông thôn, bao gồm 9 tiêu chí (tiêu chí 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 15) đến nay có 27,16% số xã đạt yêu cầu.

Thông qua Chiến dịch thủy lợi - giao thông nông thôn mùa khô và chỉnh trang đô thị hằng năm, đã đào đắp gần 5,7 triệu m3 đất, xây dựng 298 vùng thủy lợi khép kín với tổng diện tích 46.000 ha. Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 139 tuyến đường GTNT (222 km), trong đó có 51 tuyến đạt chuẩn NTM, trồng trên 300 ngàn cây xanh ở các tuyến đường…

Nhóm biểu thị cho việc nâng cao đời sống người dân nông thôn, bao gồm 7 tiêu chí (tiêu chí 9, 10, 11, 12, 13, 14, 16), đến nay có 30,16% số xã đạt yêu cầu. Trong 2 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh những năm qua đều đạt cao trên 14%.

Đặc biệt năm 2012 với bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng Hậu Giang vẫn đạt và vượt 19/19 tiêu chí đề ra, đưa giá trị gia tăng bình quân đầu người đạt 23,64 triệu đồng/người/năm (tăng 4 triệu đồng so với năm 2011). Sản lượng lương thực năm qua đạt trên 1,2 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 24%, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 21% và là năm đầu tiên đạt kim ngạch xuất khẩu 240 triệu USD, tăng 11%. Tài chính, tín dụng lành mạnh, các chính sách xã hội được quan tâm, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 28%, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 17,11%.

Nhóm biểu thị đặc trưng cho môi trường nông thôn, bao gồm 3 tiêu chí (tiêu chí 17, 18, 19) có nhiều chuyển biến tích cực, hiện có 21% số xã đạt yêu cầu. Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương đã phát động nhiều phong trào thiết thực, tạo sinh khí mới cho nông dân, phong trào thi đua đã phát huy được hiệu quả thiết thực với nhiều mô hình mới, cách làm hay cần phát huy nhân rộng.

Từ thực tế triển khai, Hậu Giang đã tích lũy được những kinh nghiệm gì? Ông có kiến nghị gì với cấp trên?

Hậu Giang quyết tâm phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 11 xã (100% xã điểm) đạt chuẩn NTM. Trong đó, năm 2013 có 3 xã gồm: Tân Tiến (TP Vị Thanh), Vị Thanh (huyện Vị Thủy) và Đại Thành (TX Ngã Bảy); năm 2014 có thêm 4 xã là: Đông Thạnh (Châu Thành), Nhơn Nghĩa A (Châu Thành A), Vị Tân (TP Vị Thanh), Vĩnh Viễn (Long Mỹ) và năm 2015 với 4 xã còn lại là: Thạnh Hòa (Phụng Hiệp), Trường Long Tây (Châu Thành A), Thuận Hưng (Long Mỹ), Vị Thủy (huyện Vị Thủy).

Trước hết là sự kế thừa và phát huy rất nhiều bài học kinh nghiệm thành công từ các chương trình mục tiêu, các phong trào quần chúng trước đây để vận dụng sáng tạo vào xây dựng NTM. Trong đó, bài học xuyên suốt đó là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Trong quá trình thực hiện, cần tập trung quyết liệt cho các tiêu chí bức xúc của người dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, vừa tạo khí thế phấn khởi cho dân vừa nuôi dưỡng sức dân, từ đó khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.

Đoàn kết tốt nội bộ, thực tế cho thấy, ở địa phương đơn vị nào đoàn kết tốt, Đảng bộ trong sạch vững mạnh, người đứng đầu quyết liệt vào cuộc bằng “cái tâm, cái tầm” của mình thì nơi đó có phong trào xây dựng NTM tốt nhất.

Công cuộc xây dựng NTM là cả một quá trình lâu dài, tổng hòa nhiều mối quan hệ và chưa có trong tiền lệ, do đó ngay từ bây giờ cần phải tăng cường đào tạo tập huấn để chuẩn bị lực lượng chuyên sâu, trong quá trình tổ chức thực hiện không chủ quan, nóng vội, vừa làm vừa học tập tích lũy kinh nghiệm, đúc kết thực tiễn.

Tuy nhiên, bất kỳ lúc nào cũng phải vào cuộc thật quyết liệt thì mới có thành công.

Xin cảm ơn ông!

"Về kiến nghị, đề nghị Bộ Nội vụ sớm nghiên cứu hoàn thành “Đề án nhân sự chuyên trách cho xây dựng NTM các cấp” nhằm giúp địa phương có điều kiện tốt hơn trong triển khai chương trình. Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương ngoài việc bố trí vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, cần quan tâm bố trí vốn trực tiếp cho Chương trình MTQG về xây dựng NTM giúp địa phương thực hiện cơ bản hoàn thành các công trình, dự án trọng yếu theo kế hoạch.

Các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành hướng dẫn với những tiêu chí sửa đổi Bộ tiêu chí quốc gia về NTM của Chính phủ để địa phương chủ động thực hiện", ông Nguyễn Văn Đồng.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.