| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang đi lên bằng “5 cây-5 con” chủ lực

Thứ Tư 26/01/2011 , 11:02 (GMT+7)

Ông Nguyễn Văn Sơn, GĐ Trung tâm KNKN Hậu Giang đã khẳng định như vậy với NNVN khi trao đổi về chiến lược phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Văn Sơn, GĐ Trung tâm KNKN Hậu Giang đã khẳng định như vậy với NNVN khi trao đổi về chiến lược phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh nhà. Ông Sơn cho biết:

Hậu Giang có tổng diện tích tự nhiên 160.733 ha, trong đó diện tích trồng cây hằng năm 106.764 ha và 30.921 ha trồng cây lâu năm. Mục tiêu đặt ra (2005-2010) là xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, bền vững dựa trên cơ sở ứng dụng những thành tựu KHKT, công nghệ tiên tiến. Trong đó, tập trung đầu tư thâm canh “5 cây- 5 con” chủ lực của tỉnh nhà gồm: lúa, mía, khóm, cây ăn trái, rau màu – trâu, bò, heo, gia cầm, cá. Cây lúa tập trung đầu tư hoàn chỉnh vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao xuất khẩu 70.000 ha và 10.000 ha lúa đặc sản Hậu Giang (giống HG 2).

Đã sử dụng trên 80% giống lúa cấp xác nhận trong vùng lúa chất lượng cao vào năm 2010, nhờ đó tăng thêm trên 20% giá trị chất lượng gạo. Vùng mía nguyên liệu 15.000 ha, 100% giống mía có chữ đường và năng suất cao đạt năng suất bình quân trên 100 tấn/ha và chữ đường từ 10 CCS trở lên. Đầu tư phục tráng để hoàn chỉnh vùng khóm Cầu Đúc diện tích 3.500 ha đảm bảo thương hiệu truyền thống của Hậu Giang theo hình thức chuyên canh, năng suất bình quân trên 25 tấn/ha. Thâm canh diện tích cây ăn trái toàn tỉnh 22.000 ha theo hướng chuyên canh, chất lượng cao có thương hiệu, với 5 loại cây chủ lực gồm: bưởi Năm Roi Phú Hữu, cam, quýt, măng cụt, xoài. Mở rộng cây rau, đậu và hoa màu khoảng 20.000ha, trong đó có 5.000 ha chuyên canh, còn lại luân canh.

Đối với 5 con: Tập trung phát triển đàn bò thịt lai Sind từ 2.486 con (năm 2005) tăng lên 10.000 con (năm 2010). Phục hồi lại đàn trâu của tỉnh từ 1.250 con lên 5.000 con. Đàn heo từ 175.000 con tăng lên 350.000 con. Gia cầm từ 2 triệu con lên 3,5 triệu, chủ yếu phát triển đàn gà, vịt nuôi theo trang trại (60-70%), đảm bảo an toàn sinh học, kết hợp vệ sinh an toàn thực phẩm. Mở rộng khai thác tiềm năng mặt nước nuôi thủy sản còn rất lớn của Hậu Giang khoảng 54.000ha, trong đó chủ yếu tập trung vào các đối tượng nuôi như: tôm càng xanh, cá thát lát, cá đồng có giá trị kinh tế cao (rô đồng, sặc rằn, lóc, bống tượng…).

- Được biết, thời gian qua Hậu Giang đã triển khai nhiều mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, hiệu quả của những mô hình này như thế nào?

Hiện nay, Trung tâm đang thực hiện 3 mô hình sản xuất theo hướng VietGAP gồm cây khóm (qui mô 9 ha), cây bưởi (12 ha) và sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP (80 ha). Ngoài ra, còn tham gia tư vấn cho một HTX triển khai sản xuất chanh không hạt theo qui trình VietGAP tại huyện Châu Thành. Đến nay nông dân tham gia mô hình đã được trang bị kiến thức cơ bản về qui trình sản xuất và được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành nội dung IPM, an toàn lao động và sơ cấp cứu. Riêng đối với cây khóm, đã hoàn thành các tiêu chí nội dung qui trình sản xuất. Trong năm 2011, Trung tâm tiếp tục xây dựng dự án hỗ trợ nâng cao kiến thức và mời chuyên gia Viện cây ăn quả miền Nam đánh giá thử để tiến tới cấp giấy chứng nhận VietGAP cho mô hình này. Đối với cây bưởi, năm 2010 Cty TNHH THE FRUIT REPUBLIC (Hà Lan) đến tiếp tục đầu tư xây dựng vùng sản xuất lên 52 ha, nâng lên theo tiêu chuẩn GlobalGAP và bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, Cty này đang tiếp tục tập huấn cho các hộ tham sản xuất để tiến tới kiểm tra đánh giá cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Nhìn chung, mô hình sản xuất theo hướng VietGAP đã tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, năng suất có tăng hơn so với sản xuất truyền thống, sản phẩm có thị trường tiêu thụ và người sản xuất đạt lợi nhuận cao hơn.

- Còn các chương trình khuyến nông mà ngành đang hợp tác với Viện, Trường thực hiện?

Năm 2008-2010, Trung tâm, Hội Nông dân và Hội Phụ nữ phối hợp với Chương trình Khuyến nông có sự tham gia (Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL – Đại học Cần Thơ) triển khai một số chương trình. Chương trình này đã giúp đội ngũ cán bộ khuyến nông nâng cao được kỹ năng khuyến nông thông qua các lớp tập huấn, tham quan. Đặc biệt đã đào tạo được 11 cán bộ khuyến nông có khả năng đứng lớp (giáo viên ToT) về phương pháp khuyến nông có sự tham gia. Ngoài ra, Chương trình còn phối hợp với địa phương tập huấn cho Ban chủ nhiệm 14 CLB khuyến nông về cách quản lí và điều hành, xây dựng kế hoạch hoạt động… cũng như tham quan và thử nghiệm các ý tưởng của riêng họ. Tôi đánh giá cao tính hiệu quả của chương trình này vì nó giúp cho Ban chủ nhiệm CLB tự tin hơn trong cách quản lí và điều hành, biết tự mình đưa ra các đề xuất và phương hướng mới.

- Hoạt động trọng tâm trong năm nay mà Trung tâm hướng tới?

Hoạt động trọng tâm vẫn là tiếp tục bồi dưỡng và đào tạo cán bộ, nâng dần kỹ năng khuyến nông nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Hướng dẫn, tập huấn nông dân sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua các dự án/mô hình sản xuất theo hướng VietGAP. Cụ thể là tập trung vào “5 cây-5 con” đã được tỉnh lựa chọn.

- Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân được mùa lớn, giá cao chưa từng thấy, nông dân vui phơi phới

Nông dân Phú Yên đang thu hoạch lúa đông xuân trong niềm vui lớn khi lúa vừa được mùa, giá lại cao chưa từng thấy.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.