Diện tích rừng tăng lên từng năm
Ông Đoàn Ngọc Thân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang cho biết, khi mới thành lập tỉnh (năm 2004), Hậu Giang có 2.001ha rừng. Đến nay, diện tích có rừng của tỉnh là 3.794ha, tăng gần 1.800ha rừng so với cách đây gần 20 năm.
Để đạt được kết quả trên, cùng với việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch của ngành nông nghiệp, Dự án 661, Dự án Bảo vệ và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm đã kiên trì tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế lâm nghiệp. Có chính sách khuyến khích trồng cây lâm nghiệp trên đất viên lang bãi bồi, đất vườn tạp và trên diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Phát động phong trào trồng cây lâm nghiệp phân tán trên đất bờ kênh, đất công cộng, đất thổ cư… Từ đó diện tích rừng toàn tỉnh tăng lên từng năm.
Kết quả công bố hiện trạng rừng tỉnh Hậu Giang năm 2023, diện tích đất rừng của địa phương là hơn 3.244ha và diện tích đất rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 1.938ha, trong đó diện tích có rừng là gần 3.794ha. Đất rừng đặc dụng hiện có là 2.713ha, tập trung tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Rừng sản xuất là 2.350ha, trong đó diện tích rừng do nhà nước quản lý gần 412ha, diện tích rừng tổ chức khác quản lý 69ha và diện tích rừng của hộ gia đình trồng trên đất nông nghiệp 1.870ha.
Mỗi người dân trồng 10 cây phân tán
Tham gia đề án trồng 1 tỷ cây xanh do Bộ NN-PTNT triển khai trên cả nước, tỉnh Hậu Giang đã có kế hoạch trồng cây phân tán (giai đoạn 2021 - 2025) với số lượng 8,4 triệu cây các loại, tổng kinh phí hơn 27 tỷ đồng. Trong đó, trồng cây xanh đô thị là 200.000 cây và trồng cây lâm nghiệp phân tán 8,2 triệu cây. Nếu so với dân số tỉnh Hậu Giang hiện nay thì bình quân mỗi người dân sẽ trồng khoảng 10 cây xanh.
Nhằm để duy trì ổn định độ che phủ của rừng và cây phân tán đến năm 2025 đạt 3%, diện tích rừng chiếm 1,61% so với diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Qua đó, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường tự nhiên, giảm nhẹ thiên tai, hạn chế xói mòn đất, bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây xanh phân tán, trồng rừng, lợi ích của bảo vệ rừng.
Mặt khác, để góp phần đảm bảo các tiêu chí về cảnh quan nơi ở xanh - sạch - đẹp, tiêu chí về đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn thuộc Bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, việc tăng cường, nâng cao tỷ lệ hàng rào cây xanh, cây xanh bóng mát ven các tuyến đường, khu đô thị, khu dân cư, công sở, trường học, đường giao thông, đất trồng cây xanh theo các tuyến lộ giao thông nông thôn,… là rất cần thiết.
Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang còn có dự án trồng cây xanh trên địa bàn do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư, với quy mô trồng khoảng 733.000 cây xanh trên địa bàn trong thời gian từ năm 2023 - 2024.
Để đảm bảo đủ quỹ đất để trồng cây xanh các loại, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang phối hợp với chủ đầu tư dự án, UBND huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch tổ chức rà soát, xác định quỹ đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, khu dân cư, công sở, đường giao thông, đất trồng cây xanh các tuyến lộ giao thông nông thôn. Xây dựng kế hoạch cụ thể trồng cây xanh nội ô đô thị, ngoại ô đô thị, các tuyến giao thông nông thôn hàng năm trong giai đoạn 2023 - 2024.
Về vấn đề cây giống lâm nghiệp, ngành chuyên môn đã chủ động phối hợp các hợp tác xã gieo ươm cây giống trên địa bàn tỉnh kiểm tra nguồn giống, đảm bảo số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn cây trồng phù hợp điều kiện lập địa từng địa phương, ưu tiên sử dụng cây bản địa, cây gỗ lớn, cây đa tác dụng… để trồng. Cụ thể, chọn một số loài cây trồng như gõ đỏ, giáng hương, lát hoa, lim xanh, sao đen, dầu rái, bằng lăng, lộc vừng, bàng lá kim, keo lá tràm, keo lai, tràm lá dài, tràm cừ…