| Hotline: 0983.970.780

Hậu quả mạnh ai, nấy trồng

Thứ Sáu 23/03/2012 , 11:32 (GMT+7)

Chưa có bất kỳ một quy hoạch hay chiến lược phát triển cụ thể nào. Thế nên cứ hễ sau một năm giá sắn “lên cơn sốt” thì y rằng năm sau sắn lại được trồng ào ạt, bung bét.

Là loại cây trồng có diện tích lớn nhất nhì của tỉnh, nhưng đến nay, Hòa Bình vẫn xem sắn như một loại cây trồng vô thưởng vô phạt, chưa có bất kỳ một quy hoạch hay chiến lược phát triển cụ thể nào. Thế nên cứ hễ sau một năm giá sắn “lên cơn sốt” thì y như rằng năm sau đó, cây sắn lại được ào ạt mở rộng bung bét.

>> ''Choáng'' với giá sắn
>> Sắn đồng loạt phá vỡ quy hoạch ở Miền trung - Tây nguyên

Bỏ sắn… chạy lấy người

Nông dân trồng sắn ở Hòa Bình kết thúc vụ thu hoạch sắn với nỗi buồn như… chưa bao giờ buồn hơn thế! Đến thời điểm này, mặc dù thời vụ xuống giống mới năm 2012 lẽ ra đã phải cơ bản kết thúc, tuy nhiên tại những vùng trồng sắn trọng điểm của tỉnh như Đà Bắc, Lạc Sơn…, vẫn còn rất nhiều đồi sắn trơ thân chỏng chơ, nông dân không buồn thu hoạch vì giá quá rẻ.


Sắn ngập nhà

Hỏi về cây sắn, chị Đinh Thị Khóa – Trưởng thôn Rồng (xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc) như chẳng buồn nhắc tới, kể như mếu: Năm 2010, sắn đột nhiên có giá, có khi tới gần 3.000đ/kg củ tươi nên dân ở đây đồng loạt chuyển từ trồng ngô sang trồng sắn. Oái oăm là năm nay, tới khi thu hoạch thì giá sắn chỉ còn 700 – 800đ/kg. Với giá này, nếu đi nhổ sắn một ngày, đem bán chưa bằng công lao động. Cái chết nữa là suốt vụ thu hoạch sắn từ cuối năm 2011 đến nay, thời tiết mưa dầm liên miên, sắn không bán được, nông dân có muốn xắt lát để phơi cũng không xong, đành bỏ mặc trên nương.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình, tới thời điểm này, ít nhất còn khoảng 20 – 30% diện tích sắn của tỉnh – tương đương với khoảng hơn 2.500 hecta nông dân vẫn chưa thu hoạch để giải phóng đất gieo trồng vụ mới. Trong khi đó tính đến đầu tháng 3/2012, mặc dù thời vụ gieo trồng chính đã cơ bản kết thúc, nhưng diện tích sắn trồng mới của toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 3.800 hecta – tương đương khoảng 30% kế hoạch. Tại vựa sắn lớn nhất của tỉnh Hòa Bình ở huyện Lạc Sơn, tính đến ngày 20/3/2012, diện tích trồng mới toàn huyện chỉ đạt khoảng 1.800 hecta (trong tổng số hơn 2.600 hecta theo kế hoạch). Nguyên nhân chính của tình trạng chậm chạp này, đó là sau một vụ giá sắn rơi xuống đáy, nông dân hết sức chán chường.

Bi hài kế hoạch năm sau cao hơn năm trước

Nhiều năm gần đây, diện tích sắn của tỉnh Hòa Bình luôn dao động ở mức trên dưới 10 nghìn hecta – bằng ¼ diện tích lúa, nhiều hơn diện tích mía hàng nghìn hecta và gấp hàng chục lần diện tích cam. Thực tế ở tỉnh này cho thấy, cây sắn luôn là đối thủ cạnh tranh quyết liệt với ngô và mía. Hễ năm nào diện tích sắn tăng lên, thì diện tích mía và ngô tụt xuống. Năm 2011, diện tích sắn của tỉnh Hòa Bình tăng 1.400 hecta, thì diện tích mía của tỉnh cũng đồng thời giảm đi khoảng 2.000 hecta. Mặc dù là cây trồng chính, nhưng oái oăm là cho tới nay, trong khi cây mía và cam đã được phê duyệt quy hoạch bài bản, thì cây sắn vẫn chưa hề có một quy hoạch và định hướng phát triển chi tiết nào.


Không cần biết thị trường, giá cả sẽ ra sao, nhiều địa phương ở Hòa Bình 
vẫn đặt chỉ tiêu tiếp tục tăng diện tích sắn.

Ông Phạm Văn Cẩn, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Hòa Bình (đơn vị được giao kiêm phụ trách ngành trồng trọt của tỉnh) lí giải, sở dĩ cây mía và cam đã sớm có quy hoạch phát triển là bởi đây là hai loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có NM chế chiến và thị trường tiêu thụ rõ ràng. Còn cây sắn, đến nay trên toàn tỉnh vẫn chưa có một DN hay NM nào tiêu thụ sản phẩm có quy mô. Vì thế, về tinh thần chung thì quan điểm của tỉnh vẫn coi sắn là cây trồng của người nghèo, và định hướng chung là quy hoạch đến năm 2020, diện tích sắn giữ ở mức 10 – 12 nghìn hecta.

Chính vì không có quy hoạch, định hướng và chiến lược dài hơi mang tính bền vững cho cây sắn, mà ở nhiều nơi trong tỉnh, cứ sau một vụ sắn sốt giá, nông dân lại ào ạt mở rộng diện tích một cách vô tội vạ theo kiểu “mạnh ai nấy trồng”. Thậm chí có nơi, cây sắn còn được hoan nghênh mở rộng.

Chưa có năm nào, diện tích sắn ở tỉnh Hòa Bình lại tăng vọt một cách đột biến như năm 2011, tổng diện tích sắn của tỉnh đã lên tới 12.648 hecta – tăng hơn 1.400 hecta so với năm 2010. Diện tích tăng thêm này tương đương với tổng diện tích sắn hiện nay của cả huyện Mai Châu (đứng thứ 3 về diện tích sắn trong tỉnh). Trong đó, chỉ riêng vựa sắn của huyện Lạc Sơn, năm 2011 diện tích đã lên tới 2.760 hecta – cao hơn năm 2010 tới gần 500 hecta.

Có một điều lạ, là trong khi “tinh thần chung” của tỉnh không mở rộng diện tích sắn, thì ở những địa phương mà chúng tôi đến, ngay cả năm giá sắn rớt thảm hại như năm nay, địa phương nào cũng ra kế hoạch tiếp tục… mở rộng diện tích sắn, năm sau cao hơn năm trước, nếu không cũng phải bằng! Vụ sắn này, nông dân thiệt hại ê chề, nhưng huyện Lạc Sơn năm 2012 vẫn tiếp tục đặt chỉ tiêu phấn đấu nâng diện tích sắn lên mức 2.600 hecta – gần bằng diện tích năm 2011.

 

 

Năm 2012, mặc cho nông dân đã phát ngán vì sắn, nhưng huyện Đà Bắc vẫn giao chỉ tiêu cho xã Hiền Lương phải nâng diện tích sắn lên 150 hecta – cao hơn năm 2011 trên 30 hecta. Ông Xa Văn Chinh – Chủ tịch UBND xã Hiền Lương thú thực: Cây mía hiện nay là cây chủ lực của xã, xã đã có quy hoạch hẳn hoi, lại có NM đường Hòa Bình hợp đồng SX, bao tiêu sản phẩm đảm bảo nông dân có lãi. Còn cây sắn thì cứ như đánh bạc, dân đã quá quen với chuyện năm này được giá, năm sau rớt giá. “Chẳng biết sang năm, giá sắn sẽ thế nào. Nhưng Huyện giao chỉ tiêu thì chúng tôi phải cố vận động người dân mở rộng diện tích để hoàn thành. Nói thực, lâu nay với cây sắn thì năm nào huyện cũng giao chỉ tiêu cao hơn năm trước. Nhưng chưa bao giờ đề cập xem sẽ tiêu thụ ra sao”.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất