| Hotline: 0983.970.780

Hãy biết nghĩ cho con

Thứ Tư 16/04/2014 , 16:24 (GMT+7)

Cháu vẫn còn muốn chồng hối hận và sửa chữa mà, đúng không? Con còn quá nhỏ, đừng đòi ly thân rồi ly hôn, không nên chút nào cả.

Cô kính mến!

Thật sự hiện tại cháu rất stress mà không ai làm chỗ dựa cho cháu lúc này. Cháu nghĩ tới cô như người mẹ chung cho nhiều bạn trẻ, mong nhận được một lời khuyên chân thành cô nhé.

Thư lần trước lên báo ngày 24/3. Cháu là cô gái 28 tuổi, con còn nhỏ, chồng hay cáu, có lúc đi không về. Từ khi có được những lời cô khuyên, cháu cũng cố gắng sống thay đổi để bảo vệ được hạnh phúc này nhưng cô ơi sự việc lại không như cháu mong đợi.

Thư này cháu nói kỹ hơn để cô không trách cứ cháu mà thông cảm và khuyên rõ cháu nên như thế nào.

Vào ngày 10/3 ấy, cháu có về nhà với đứa con 6 tháng tuổi. Do con bé lạ nhà nên nó khóc suốt, cháu đặt nó xuống mấy lần không được. Lúc ấy cháu mới cho nó bú, chồng quát “nó có bú đâu mà cho nó bú”.

Cháu không nói gì, cháu chỉ bước từ trên giường xuống và bảo với chồng cháu, “đây, anh bảo nó không bú thì anh dỗ nó đi”. Chồng cháu đón lấy con từ tay cháu và nhìn thẳng vào mặt cháu nói: “Tao tát cho mày một cái giờ".

Cháu tiếp tục không nói gì. Chồng cháu bế con đi rong nhưng con bé không chịu, lúc ấy cháu mới bảo "anh đưa con cho em bế". Anh đưa con cho cháu, cháu nói thêm "anh chỉ quát người ta thì giỏi thôi”, thế là chồng cháu xông vào tát cháu cô ạ. Tát xong anh đi ra ngoài, lại còn bảo cháu lườm anh, thế rồi quay vào đánh cháu tiếp. Cháu không nói gì cả và chỉ im lặng.

Hôm sau chồng cháu đưa cháu và con đến cơ quan cháu để cháu đi làm (vì bé nhà cháu đau mắt, cháu phải ôm theo). Cháu có nói với chồng “tình cảm của bố mẹ dành cho em thế nào em xin đền đáp nhưng em không thể sống lẫn lộn được, tình cảm nào ra tình cảm đó. Em sẽ không vì giận anh mà đối xử không tốt với bố mẹ chồng. Bố mẹ là bố mẹ, còn anh là chồng, anh đối xử với em như thế nào thì em sẽ đối xử lại vậy thôi, còn cảm thấy không sống được với nhau thì ly thân đi, từ giờ trở đi em không thể có thằng chồng khốn nạn như anh, em có phải con chó đâu mà thích đánh thì đánh”.

Cháu xin nói thêm, chồng cháu đánh cháu lần này lần thứ hai và có rất nhiều lần xúc phạm cháu cô ạ, có những lần hai vợ chồng cháu đi ăn sáng, vì hiểu lầm mà anh cầm cả đĩa bánh của cháu đang ăn hất ra ngoài sân trong khi cửa hàng có bao nhiêu người ngồi đó.

Cháu không biết cuộc sống này kéo dài tới khi nào nhưng cháu cảm thấy mệt mỏi quá cô ạ. Và bây giờ tình yêu dành cho chồng cháu cũng không có nữa, bây giờ làm gì còn có cái kiểu phụ nữ phải sống trong bạo lực gia đình như thế phải không cô?

Sao cuộc đời lại oan trái tới như vậy, đây chả phải là cuộc sống tồi tệ nhất mà người ta thường nói chỉ có ở thế kỷ mười chín mới như vậy thôi sao? Cháu không biết chồng cháu còn theo dõi cháu hay không, nhưng nếu anh đọc được thư này thì cũng tốt để anh còn phải thay đổi cách sống đúng không cô?

Cô giữ kín địa chỉ email cho cháu.

--------------------

Cháu thân mến!

Lá thư lần trước cháu tố chồng gia trưởng, có xu hướng bạo hành và cũng cho thấy cháu cũng trả miếng không kém, nhất là khi có mẹ chồng ở đó. Cô đã trách cháu nhiều, cô nói cháu 28 tuổi mà thiếu kỹ năng mềm của người ngấp nghé ba mươi.

Thư này cháu nói lại cho rõ. Để làm gì? Để cô ít trách đi ư?

Cô vẫn trách ở chỗ con 6 tháng, cháu đi đâu đó về không rõ (từ nhà mẹ đẻ mình chăng?) và con bé lạ nhà, không nín khóc. Đúng, con bé đi đường, mệt, lạ nhà, nó sẽ không dễ nín khóc. Cháu dỗ con bằng cách cho bú, nó không bú, nó mệt và dỗi (con gái dù bé tí cũng hay dỗi), nên nó khóc già. Thế là vợ chồng chuyền nhau đứa bé ngằn ngặt khóc và đấu khẩu nhau.

Cô trách cháu ở chỗ, cháu phải biết con nó khóc vì sao. Cháu chưa có kinh nghiệm vì con đầu mà, cô biết chứ. Trẻ con đau bụng, khóc, mệt, khóc, quá giấc ngủ, khóc, khát nước, càng khóc. Rất nhiều nguyên do một đứa bé từ chỗ quen nhà đến đi đường và vào chỗ lạ.

Khi ấy mẹ không thể giao con cho ai mà chính mình phải xem, phải nghe con và phải ru, phải ôm, phải dỗ. Cháu đẩy ngay nó cho chồng, còn khích, giỏi thì dỗ đi.

Đó là chuyện tiểu tiết, không quan trọng mấy. Cái chính là khi con còn quá nhỏ, cả hai đều bỡ ngỡ với sinh linh ấy, cả hai đều rối bời khi nó khóc không dỗ được. Biết bao nhiêu đôi vợ chồng chửi nhau như cơm bữa ở giai đoạn này. Có mẹ ruột hay mẹ chồng chỉ dẫn đỡ đần thì đỡ rối, nhưng nếu mẹ chồng can thiệp quá hay lóng ngóng hay áp đặt quá, lại càng rối thêm.

Dĩ nhiên chồng cháu có tính gia trưởng nặng và có khuynh hướng sử dụng nắm đấm để giải quyết vấn đề. Cô thấy chuyện không có gì lắm mà chồng đã hai lần đánh vợ. Cô cũng thấy các cháu không muốn làm lành hay sao ấy. Gặp phải tay hay bạo lực thì chuyện bạo hành sẽ bắt đầu sớm sau khi cưới. Cô cũng không biết làm sao khi ông chồng chuyên chế và có tính khùng.

Như cháu thú nhận, cháu không còn yêu chồng thì chuyện chồng phải thay đổi để làm gì. Những câu các cháu quăng bắt cho nhau là bề nổi của những cảm nhận từ bên trong của cả hai, điều đó cho thấy các cháu không kiên nhẫn, không thiện chí và cũng không hòa hợp dù giữa hai người là đứa con giờ là 7 tháng tuổi.

Cháu hãy suy nghĩ kỹ về tình cảm vợ chồng. Tránh những câu khiêu khích để chồng động tay động chân rồi thương tích, khổ ra. Yêu nhau cũng sẽ cực để kiến tạo, xây dựng, không yêu nữa cũng có cái cực là phải chia tay để đường ai nấy đi. Cô biết cháu sợ chồng hung hăng nhưng cũng nên “cơm sôi thì nhỏ lửa”. Cháu vẫn còn muốn chồng hối hận và sửa chữa mà, đúng không?

Con còn quá nhỏ, đừng đòi ly thân rồi ly hôn, không nên chút nào cả.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.