| Hotline: 0983.970.780

Hãy để nông dân là chủ thể thực sự

Thứ Ba 20/12/2011 , 11:14 (GMT+7)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến thăm Hà Giang mới đây một lần nữa khẳng định: "Phải phát huy tối đa sức dân, do dân làm chủ, dân giám sát trong xây dựng NTM... Trong thực tế điều này đã và đang được một số địa phương vận dụng hết sức sáng tạo...". Câu chuyện ở Sóc Sơn (Hà Nội) là một ví dụ.

GIÓ MỚI TRÀN VỀ

Người dân nô nức xuống đồng tạo nên những cánh đồng mẫu lớn

Với người nông dân, đất đai sản xuất là “máu thịt” của họ. Trong những năm gần đây, khi nền kinh tế thị trường trở nên sôi động thì những mảnh ruộng manh mún được chia theo Nghị định 64 đã trở nên lỗi thời. Xây dựng NTM là cơ hội tốt để cởi nút thắt này. Và điều ấy đã xuất hiện ở Sóc Sơn khi hàng vạn nông dân vác cuốc xuống đồng trong ngày hội tạo nên những cánh đồng mẫu lớn xây dựng NTM.

"Nông dân thấy vững tin"

Đã rất nhiều lần viết về Sóc Sơn - huyện nghèo "đội sổ" của Hà Nội từ thời Hà Nội có hơn mười quận huyện cho đến khi Hà Nội có mấy chục quận huyện thị như hiện nay, tôi chưa khen được câu nào. Sóc Sơn nghèo đến mức thành phố Hà Nội phải cứu đói; người dân cứ quẩn quanh hết năm này qua năm khác bên những mảnh ruộng bé chỉ bằng manh chiếu rách; ngày một xuất hiện nhiều bức xúc về đất đai, hộ nghèo, chính sách hỗ trợ… Trong làng ngoài ngõ người ta quá dễ để gặp những người dân lẩm bẩm, văng tục, nghẹn ngào trong nước mắt hay im lặng và vô cảm đến lạnh người.

Những ngày cuối năm, vật giá leo thang lên tận trời, tôi về huyện Sóc mang theo những ký ức buồn như thế.

Nhưng, những hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là hàng vạn nông dân đang có mặt trên các cánh đồng làm đường giao thông, làm thủy lợi và cải tạo ruộng nương của mình trong tiếng hò, tiếng hát “cây nhà lá vườn” sục sôi. Đi từ xã Trung Giã, qua Tân Hưng, đến Hồng Kỳ, sang Minh Trí… khắp nơi, từ già trẻ, gái trai đang đua nhau đặt những nhát cuốc đầu tiên lên những mảnh ruộng mẫu lớn của mình. Trên khuôn mặt của mỗi người không còn là những giọt nước mắt, những cái bặm môi chịu đựng mà là những giọt mồ hôi hạnh phúc, những nụ cười rạng rỡ niềm tin và hi vọng.

Nó thực sự làm cho những người từng chứng kiến phong trào Khoán 10 ở Vĩnh Phúc, phong trào Đại thủy nông ở Hưng Yên, phong trào 5 tấn ở Thái Bình phải bồi hồi xúc động. Điều gì đã làm hàng chục ngàn người dân Sóc Sơn chuyển hẳn từ trạng thái… đáng buồn đến một trạng thái vui sướng, sục sôi và đầy hi vọng đến thế?

"Đó là Đảng, là Nghị quyết về Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân và cụ thể hơn nữa là Chương trình xây dựng NTM. Làn gió NTM đã thổi tung những hình ảnh buồn bã, sự trì trệ và chậm chạp của nông thôn so với thành thị, đưa vào nông thôn một luồng gió mới bằng việc tạo nên những thửa ruộng mẫu lớn chứ không phải những mảnh ruộng bé chỉ bằng bàn tay; Những con đường nội đồng không phải để cho con trâu cõng cái cày đi mà là xe tải lớn; Những hệ thống thủy nông tưới ngay lập tức, tiêu ngay tức thì… Và chỉ cần có thế thôi, người dân nông thôn cảm thấy vững tin nó sẽ làm giàu cho họ, cho nông thôn rồi. Đó là nguyên nhân vì sao hàng vạn người dân từ già đến trẻ đang có mặt trên các cánh đồng kia”, Bí thư Chi bộ thôn An Lạc, xã Trung Giã Đỗ Văn Dậu giải thích.

Thôn An Lạc, xã Trung Giã có trên 1.800 khẩu, hôm nay trừ những người con làm ăn xa quê, những em bé đang nằm trong vòng tay của mẹ, những em học sinh phải đến trường, còn lại họ đều có mặt trên các cánh đồng. Có phong trào nào, có cái gì làm người dân các thế hệ ở nông thôn quan tâm đến như thế không?

“Từ ngày chia đất theo Nghị định 64 đến giờ thì đây là lần thứ hai trong đời tôi thấy sung sướng và yêu mảnh ruộng của mình đến thế. Với người dân nông thôn, mảnh ruộng cái vườn là điều chúng tôi quan tâm hơn tất cả. Nó là “máu thịt” của nông dân thì già như chúng tôi cũng phải vác cuốc ra đồng chú ạ. Ai cũng thấy vui, ai cũng thấy phấn khởi, dẫu không phải một lần nữa được chia thêm đất, nhưng nhà tôi đang có những 25-30 mảnh ruộng, có những mảnh không cấy hết một bó mạ, bỏ thì vương mà thương thì tội, nay chỉ có một mảnh nhưng cấy hết một ô tô mạ, chỉ cần tôi và bà nó ở nhà thôi cũng làm được ruộng. Ai có sức lao động, muốn làm bao nhiêu mẫu cũng được, thế chả phải là vui như một lần nữa được chia thêm ruộng đất sao?”, cụ Đỗ Văn Thơn, 73 tuổi, thôn An Lạc nói.

Thành công không ngờ

Thật ấn tượng và cảm động khi những người già, phụ nữ và cả các em học sinh - lực lượng lao động chính ở nông thôn hiện nay đều hăng say lao động trên các cánh đồng. Điều ấy chỉ có thể chứng minh rằng, những người đã bỏ ruộng thì muốn trở lại làm ruộng, những người đã chán ruộng thì thấy yêu ruộng, những người muốn làm một mẫu nay muốn làm thêm 5 mẫu. Cái nút thắt đất đai đã được cởi trói hoàn toàn.

Bên cạnh đó còn thấp thoáng những màu xanh của áo lính. Họ là những người lính đến từ khắp các vùng nông thôn trong cả nước đóng quân tại các xã thuộc huyện Sóc Sơn và sẽ trở về nông thôn dựng nghiệp khi hết nghĩa vụ. “Tham gia cùng bà con trên địa bàn đóng quân xây dựng NTM, chúng em coi như đang xây dựng NTM ở làng, xã mình. Em hi vọng mỗi chiến sĩ đang đóng quân ở khắp các vùng nông thôn của cả nước hãy nghĩ như em, góp sức của mình, tô đẹp thêm tình quân dân như cá với nước trong phong trào xây dựng NTM", anh Đỗ Văn Nam, chỉ huy tiểu đoàn D16, Sư đoàn 312 tâm sự.

Huyện Sóc Sơn có chính sách hỗ trợ phần lớn kinh phí làm đường giao thông rộng từ 6-10 mét và kênh mương nội đồng. Đồng thời hỗ trợ như với GPMB đối với việc quy tập mồ mả, xây dựng lại nghĩa trang của các thôn theo tiêu chí của NTM, di chuyển cây hàng năm và lâu năm, với quyết tâm là tạo ra cho được những cánh đồng mẫu lớn thông thoáng nhất, thuận lợi nhất để bất kỳ một loại máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại nào cũng có thể áp dụng được, là tiền đề là cơ sở để thực hiện các tiêu chí NTM tiếp theo. Đó chính là chất xúc tác quan trọng để người dân đồng ý xóa đi những bờ vùng bờ thửa hiện tại, lập lên những cách đồng mẫu lớn chuyên canh.

Đến thời điểm này việc quy hoạch lại sử dụng ruộng đất trên địa bàn toàn huyện Sóc Sơn đã thực hiện xong. Hiện đang có 22/25 xã của huyện đang thực hiện việc đào đắp đường giao thôn, kênh mương nội đồng và chia lại ruộng cho dân. Mỗi ngày trên các cách đồng của huyện có khoảng 10.000 lao động cùng hàng chục máy xúc máy ủi làm việc.

Ở Sóc Sơn, từ ngày Khoán 10 đến nay chưa có một phong trào nào thu hút được đông đảo người dân tham gia đến như thế. Và cũng cho đến thời điểm này, chưa có huyện nào trong cả nước triển khai xây dựng NTM trên toàn huyện như ở Sóc Sơn bằng sức dân, bằng nội lực của mình.

Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Ngô Đại Ngọc cho biết, đất sản xuất ở Sóc Sơn chỗ bạc màu, chỗ cao, chỗ thấp, chỗ úng, chỗ khô cằn, cũng vì thế mà ngày chia đất theo Nghị định 64, mỗi hộ có quá nhiều mảnh, có xã trung bình mỗi hộ có tới 25-30 mảnh. Khắp nơi xuất hiện người dân chán ruộng, bỏ ruộng để cỏ mọc. Việc chia đất theo Nghị định 64 đã không còn phù hợp với phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất già nua như hiện nay. Vì thế, có thể nói việc quy hoạch và chia lại đất đai để mỗi người dân có những mẫu ruộng lớn, để việc chuyển nhượng, tích tụ đất đai cho những người có nguồn lực thực sự là một sự cởi trói cho người dân.

“Nhưng thú thực là, khi triển khai chúng tôi cũng không hình dung được phong trào lại có sức lan tỏa mạnh mẽ đến thế. Đầu tiên dự định mỗi xã sẽ thực hiện 1-2 thôn, sau đó rút kinh nghiệm mới làm tiếp, nhưng nay thì thôn nào cũng muốn làm. Chẳng hạn như xã Bắc Sơn, Bắc Phú, lúc đầu không dám làm vì nó động chạm đến quyền lợi máu thịt của người dân, sợ thất bại, mất uy tín, thế nhưng nhờ sự hứng khởi của người dân mà đến nay hai xã này đã hoàn thành ở tất cả các thôn. Còn ở những thôn chưa làm, người dân đang nóng lòng chờ đợi phong trào tràn về thôn mình. Lãnh đạo xã nói, người dân ở những thôn chưa làm ngày nào cũng sang thôn làm rồi hỏi cho… đỡ thèm và liên tục giục thôn xã cho thực hiện, để ngay vụ sau được cày cấy trên những cánh đồng mẫu lớn", ông Ngọc tâm sự.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất