| Hotline: 0983.970.780

Hãy một lần đi bộ từ đầu làng đến cuối làng

Thứ Hai 31/01/2011 , 10:38 (GMT+7)

Hầu như ai cũng có một làng quê. Ai cũng đã đi hàng ngàn lượt đoạn đường từ đầu làng đến cuối làng. Nhưng hầu hết chúng ta đi mà ít để ý về chuyến đi ấy.

Hầu như ai cũng có một làng quê. Ai cũng đã đi hàng ngàn lượt đoạn đường từ đầu làng đến cuối làng. Nhưng hầu hết chúng ta đi mà ít để ý về chuyến đi ấy. Một ngày cuối năm, ý nghĩ về một chuyến đi như thế nẩy trong đầu tôi. Và tôi đã trở về làng để thực hiện chuyến đi ấy. Vì sao lại phải thực hiện một chuyến đi như vậy?

Sau hơn một nửa thế kỷ, người làng tôi mới thực hiện được ước mơ dựng lại cổng làng đã bị phá với một lý do thuở ấy nghe có vẻ có lý nhưng lại mắc một sai lầm quá lớn. Đó là, cái cổng làng uy nghi rêu phong, cổ kính bị phá đi với lý do để mở rộng đường cho máy cày, máy gặt, xe tải chở lúa ngô... Nhưng cổng làng thì mất mà máy cày, máy gặt, xe này xe nọ cũng chẳng thấy đâu. Cổng làng theo tôi, là cổng để đi vào một vùng văn hóa như cái vùng văn hóa của làng tôi có lịch sử khoảng 400 năm. Sau này, người ta mới hiểu sự nông cạn của mình. Không ai phá đi một nền tảng văn hóa để phát triển đất nước cho dù người ta thay vào đó bằng bất cứ cái nền tảng nào.

 Người làng tôi dựng lại cái cổng làng không phải là phục chế lại một công trình kiến trúc mà chỉ nhằm một việc là dựng lại bốn chữ trên cổng làng xưa mà thôi. Bốn chữ ấy dịch nôm ra có nghĩa là: Nhìn chữ để biết việc ra vào. Và cá nhân tôi hiểu CHỮ kia là Văn hóa. Chỉ có Văn hóa mới chỉ cho người ta biết hành xử như thế nào với cuộc đời. Tôi giống như một kẻ ngây thơ tự đặt câu hỏi: không có con đường của Văn hóa thì cái máy cày, máy gặt, xe tải, xe hơi… kia sẽ chạy đi đâu? Những thứ đó sẽ chỉ đưa chúng ta về một nơi vô vọng.

Làng tôi cũng như vô vàn cái làng đã khác xưa quá nhiều. Nhưng có lẽ phải nói chính xác làng đã mất đi quá nhiều. Những nét đẹp văn hóa mất đi, lối sống nghiêm minh mất đi và mất đi một thiên nhiên làm nên thôn quê Việt Nam. Ở làng tôi, người làng vẫn cố giữ lại một vài phong tục đẹp đẽ như những báu vật còn lại cuối cùng, chẳng hạn tục khám đàng vào ngày mồng 5 Tết. Đàng ở đây nghĩa là đường làng. Đi đầu đoàn khám đàng là một bô lão, tay xách một chiếc chiêng đồng, vừa đi vừa đánh ba tiếng một. Sau đó là hai thanh niên đi ở hai mép đường làng và trên tay họ giữ chung một chiếc sào tre. Độ dài của chiếc sào tre này chính là chiều rộng của đường làng cộng với hai phần đất lưu không ở hai bên đường làng. Đi sau hai thanh niên giữ sào để "cầm cân nẩy mực" là một vài cụ bô lão và đại diện của chính quyền thôn. Sau cùng là những thanh niên khoẻ mạnh mang theo cuốc xẻng, búa tạ và dao chặt cây.

Đoàn khám đàng đi từ đầu làng đến cuối làng. Hễ một trong hai đầu cây sào tre chạm vào bất cứ một vật cản nào thì đều bị xử lý như cổng ngõ, tường nhà, chuồng trâu bò, lợn gà, cây cối và những thứ khác. Khi một đầu sào chạm vào những thứ nói trên thì nghĩa là chủ sở hữu của thứ đó đã vi phạm lệ làng. Nghĩa là họ đã chiếm dụng phần đất lưu không của làng để phục vụ lợi ích cá nhân của họ. Và lệ làng là: hễ một trong hai đầu cây sào chạm vào tường thì phá tường, chạm vào cổng ngõ thì dỡ cổng ngõ, chạm vào chuồng trâu thì dẹp chuồng châu, chạm vào cây thì chặt cây...

Những người làng nào cố tình vi phạm hay chống đối những lệ đó sẽ không được cộng đồng chấp nhận. Một cộng đồng sống có luật, có lệ vì những lợi ích của cộng đồng. Nhưng bây giờ, người ta ngang nhiên ăn cắp của công, phá hoại tài sản của đất nước, lấn chiếm đất đai… mà không hề thấy hổ nhục và luật pháp lại như trở nên bất lực. Đấy chính là cái chết của nhân tính. Cái chết này càng ngày càng tăng lên mà xã hội vẫn có vẻ bình thản và nói những lời hoa mỹ ở mọi nơi mọi lúc.

Dọc đường làng, mỗi bước đi tôi lại nhận ra làng đang mất đi một điều quý giá mà không biết đến bao giờ mới tìm lại được. Vẻ đẹp của những ngõ quê, của những ngôi nhà và những khu vườn với những bờ dào cây xanh mướt đã bị lối kiến trúc thời thượng bê tông thống trị. Đến một ngày nào đó, những công dân mới của các làng quê sẽ phá đi tất cả những ngôi nhà chúng ta đã và đang xây trong khoảng mười năm trở lại đây và đang tiếp tục xây như thế để dựng lên những ngôi nhà mới. Đó là những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi nhưng vẫn chứa đựng phong vị nông thôn truyền thống Việt Nam. Vẫn từng đó tiền, từng đó công sức, từng đó yêu cầu sử dụng… nhưng họ đã dựng lên trên làng quê của họ những khối bê tông vô cảm và xa lạ.

Ai có lỗi trong chuyện này? Không phải những người thôn quê mặc dù chính họ quyết định xây nó. Nhưng những người thôn quê mà hầu hết là nông dân không nhận thức được và có ý thức được việc đó. Chúng ta, những người quản lý nông thôn và những người liên quan, là những người có lỗi duy nhất. Chúng ta được trả lương và được tạo những điều kiện tốt nhất để làm việc đó. Nhưng chúng ta đã không có một lời nói nào. Bởi chúng ta vừa thiếu hiểu biết vừa thiếu trách nhiệm. Chúng ta không có nổi một cái nhìn văn hoá và chiến lược lâu dài. Chúng ta đang đua nhau lao vào một công cuộc “trọc phú hóa”.

Nếu những người quản lý có một cái nhìn đúng và xã hội có một luật pháp nghiêm minh thì những người thôn quê sẽ chấp hành kể cả sự hy sinh như họ đã từng hy sinh quá lớn cho dân tộc chứ đâu là việc xây một ngôi nhà đẹp theo quy hoạch. Tôi đứng nhìn một bức tường cao cắm đầy mảnh thủy tinh sắc nhọn bao quanh ngôi nhà mà thương nhớ những hàng dào cây duối, dâm bụt, khúc tần, cây găng, hoa bìm...Bức tường cắm đầy mảnh thủy tinh kia gửi cho chúng ta hai bản thông điệp. Bản thông điệp thứ nhất với nội dung về lòng tin về con người đã mất và sự ngờ vực đã tràn lan. Bản thông điệp thứ hai với nội dung về sự tàn phá thiên nhiên và sự vô cảm với vẻ đẹp ấy. Cả hai bản thông điệp này cho thấy sự sụp đổ ở một mức độ đáng báo động cái kết cấu văn hóa và nhân tính của xã hội truyền thống Việt Nam vốn bền vững hàng ngàn năm nay.

Làng tôi bây giờ ở đâu? Biết bao nhiêu người đã đứng lặng và cất lên câu hỏi đó. Làng ở đây chính là hồn vía, là văn hoá chứ không phải cây đa, bến đò, không phải mái nhà tranh, không phải bếp tro, bếp trấu… Hồn vía của làng đang bỏ cái làng địa lý ra đi giống một linh hồn đã rời bỏ thể xác. Điều tôi nói đây không phải là một dự báo mà là một hiện thực. Khi chúng ta đánh mất hồn vía của làng là chúng ta mất làng. Và nói rộng hơn là chúng ta đánh mất văn hoá. Khi văn hoá không còn thì chúng ta chẳng còn gì nữa ngoài một thân xác không hơn không kém suốt đời lần mò bằng mọi cách kiếm tìm những thứ để ăn cho dù đó là những món ăn sơn hào hải vị.

Tôi đã đi qua những vùng nông thôn của khá nhiều nước trên thế giới như Úc, Mỹ, Na-uy, Thụy Điển, Ai-len, Hàn Quốc, Pakistan…Và tôi thấy họ vẫn giữ được những làng quê đặc trưng của họ cho dù đất nước họ là một đất nước phát triển cao. Họ thực sự là những người hiểu văn hóa, hiểu giá trị thật của đời sống và biết hưởng thụ. Họ thực sự là những người đang được sống đúng nhất với nghĩa một con người.

Tôi ghé vào một ngôi nhà bên đường. Đó là một gia đình trong họ Nguyễn của tôi. Tôi đứng mãi trên chiếc sân láng bê tông và trong đầu vang lên nhiều câu hỏi. Nhưng bao trùm lên những câu hỏi ấy là một nỗi buồn tiếc nuối. Những vẻ đẹp giản dị và sâu thẳm của làng quê giờ đã đi đâu. Một ngôi nhà được xây với kiểu kiến trúc thô thiển và nhạt nhẽo. Ngôi nhà đó tràn ngập sự vô cảm. Tất cả những vẻ đẹp kỳ diệu của làng quê Việt Nam đã rời xa chính vương quốc mà nó đã trú ngụ cả ngàn đời. Và những con người thôn quê chất phác và giàu lòng thương người bước vào những ngôi nhà như một kẻ lạ mặt đó và họ đã bị một mụ phù thủy nào đó biến thành một người khác.

Những chiếc giếng làng xưa đã mất, những đầm sen đã chết, những đầm ấm của thôn quê đang dần nguội lạnh. Xin hãy trở về làng quê để đi một chuyến đi từ đầu làng đến cuối làng. Con đường từ đầu làng đến cuối làng chính là con đường của những vẻ đẹp văn hóa Việt. Con đường văn hóa ấy đã phải mất hàng trăm năm, ngàn năm con người mới làm lên. Nhưng con đường ấy đang đứng trước nguy cơ trở thành một con đường cho những chiếc xe máy nhấn ga trong mười phút. Chúng ta đang đi tắt để đến với hạnh phúc và những giá trị sống thực sự bằng thời gian ngắn ngủi của một chiếc xe máy tăng ga. Nhưng chúng ta đã lạc đường.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất