| Hotline: 0983.970.780

Hệ lụy khôn lường xuất khẩu lao động chui

Thứ Năm 20/03/2014 , 10:57 (GMT+7)

Với rất nhiều người dân xứ Thanh, đi XKLĐ là để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Thế nhưng, không ít trường hợp phải gánh hệ lụy đau lòng chỉ vì "xuất ngoại" chui.

Anh em lao động chui ở Thái trong một lần hiếm hoi chụp ảnh kỉ niệm cùng nhau

Miền Tây đi Thái, miền biển đi Tàu

Đã từ lâu, XKLĐ trở thành chiếc phao cứu sinh cho nhiều lao động tại các vùng quê tỉnh Thanh Hóa. Thế nhưng để có một số tiền lớn chi phí đi XKLĐ thì không phải ai cũng có. Chính vì vậy, cách mà người dân các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa như Nông Cống, Như Thanh, Như Xuân… lựa chọn nhiều nhất là làm hộ chiếu đi du lịch Thái Lan rồi trốn ở lại làm việc chui.

Anh Nguyễn Văn Phượng, 28 tuổi, ở huyện Như Xuân vừa trở về từ Thái Lan cho biết, anh đã có 2 năm làm phụ bếp trong một nhà ăn của một công ty nhỏ tại khu Công nghiệp Lotzana, huyện Kanham (tỉnh Ayutthaya). "Thủ tục xuất ngoại chỉ cần một hộ chiếu du lịch và tốn kém khoảng 3,5 đến 5 triệu đồng tiền phí cho người dẫn đường và xin việc hộ là có thể sang Thái làm việc”, anh Phượng nói.

Còn anh Nguyễn Văn Nghị, 30 tuổi, ở huyện Nông Cống tâm sự, vì ở quê chỉ có 2 sào ruộng, làm không nuôi nổi gia đình nên anh đành theo bạn bè sang Thái rửa bát thuê cho một nhà hàng. Ngoài chi phí ăn ở mỗi ngày, anh được trả thêm 300 bath (tương đương hơn 100 ngàn VNĐ). Tính ra mỗi tháng cũng gửi về nhà được 3 triệu đồng nuôi vợ con.

Được biết, hầu hết người dân đi XKLĐ chui đều là những hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo hoặc không có nghề phụ. Vì cuộc sống, họ sẵn sàng chịu khổ cực để kiếm tiền. Cách họ sang được Thái Lan cũng thật dễ dàng, chỉ một người qua bên đó làm ăn, rồi dần dần kéo thêm người nhà sang, cũng theo kiểu làm hộ chiếu đi du lịch rồi trốn ở lại kiếm việc làm chui mà không cần tới người môi giới.

 “Vì không có giấy tờ hợp pháp nên mỗi lần công an khu vực mở đợt truy quét là chúng tôi phải bỏ trốn lên rừng, cực khổ không kể xiết, không những thế lại còn thường xuyên bị chủ lao động tìm đủ mọi lí do để trừ lương. Lao động Việt Nam bên đó rất đông, chỉ cần tính sơ sơ, xã Quảng Nham chúng tôi đã có trên 600 người đang làm việc chui bên đó”, anh Đặng Văn Phương cho biết thêm.

Khác hơn một chút so với con đường sang Thái bằng hộ chiếu du lịch, một bộ phận không nhỏ người dân các huyện ven biển như Quảng Xương, Hậu Lộc, Tĩnh Gia lại trốn sang Trung Quốc theo con đường vượt biên trái phép. Nơi họ sẽ làm việc chủ yếu là các cơ sở sản xuất mặt hàng thủ công nhỏ lẻ, như làm ví da, xoong nồi, bốc vác, làm công nhân, thôi thì đủ loại ngành nghề. Hầu hết chỉ ở quy mô hộ gia đình, trên địa bàn các tỉnh giáp gianh với Việt Nam.

Anh Đặng Văn Phương, thôn Đông, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương cho biết, để sang được nơi làm việc như thỏa thuận, họ phải qua một chặng đường khá vất vả, vượt đèo, vượt dốc, băng rừng cùng với người dẫn đường vượt biên. Giá đưa cho người môi giới sang đến Trung Quốc là 10 triệu đồng. Sang đó làm việc với mức lương thỏa thuận, thời gian làm việc thông thường là 12 tiếng/ngày.

Nguy hiểm, rủi ro luôn rình rập

Theo tìm hiểu của NNVN, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lao động xuất cảnh trái phép. Trước hết là do đời sống của người dân các vùng quê mấy năm gần đây gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm. Thứ hai, nguồn lao động ở địa phương khá dồi dào, nhưng phần lớn vẫn là lao động phổ thông, chất lượng lao động thấp nên chỉ đáp ứng được trong điều kiện làm việc giản đơn.

14-45-36_a2
Anh Đặng Văn Phương, một lao động “chui” từ Trung Quốc trở về kể lại những ngày tháng mưu sinh khổ cực nơi xứ người

Hơn nữa, người lao động khó đáp ứng nổi các điều kiện nếu đi bằng con đường XKLĐ chính ngạch: Phải đóng mức chi phí cao, đòi hỏi phải có trình độ ngoại ngữ, tay nghề chuyên môn theo yêu cầu của người sử dụng lao động, nghiêm ngặt về giờ giấc, đi lại…

Việc "xuất ngoại" chui không chỉ khiến người lao động luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ mà còn gây ra không ít hệ lụy đau lòng. Điển hình là trường hợp của chị Đặng Thị D, ở thôn Trung, xã Quảng Nham (Quảng Xương). Trong một lần chạy trốn cơ quan an ninh kiểm tra, chị D đã bị ngã chết trên đất khách quê người.

Chị Nguyệt (28 tuổi), quê ở huyện Nông Cống vừa từ Thái Lan trở về kể lại, những ngày đầu mới sang Thái chị bị sốt cao gần 40 độ nhưng nhiều đồng hương của chị không ai dám ra ngoài mua thuốc vì chưa thạo tiếng, thạo đường và sợ bị công an phát hiện. Sau 3 ngày nằm liệt, phải nhờ bà chủ người Thái mua thuốc về điều trị chị mới qua khỏi cơn nguy hiểm.

Chị Nguyệt cũng cho biết thêm, đã có một số trường hợp sang Thái làm việc bị ốm nhưng không mua thuốc kịp thời đành bỏ mạng nơi xứ người...

Ông Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Việc làm và an toàn lao động, (Sở LĐTB&XH Thanh Hóa) cho biết: Trong nhiều năm qua, tình trạng lao động xuất cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phức tạp, đặc biệt là thời gian gần đây. Lao động ở các huyện ven biển như: Hậu Lộc, Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia... thì tìm cách trốn sang Trung Quốc làm thuê; một bộ phận không nhỏ khác ở các huyện Như Thanh, Như Xuân, Nông Cống… thì kéo nhau sang Thái làm việc trái phép. "Chúng tôi đã kiến nghị lên UBND tỉnh để có phương hướng xử lý, kêu gọi người dân đi làm việc trái phép về nước, song tình hình cũng chưa cải thiện được bao nhiêu”, ông Tùng nhấn mạnh.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.