Thủy điện Bản Rạ thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh do Cty CP Đông Bắc đầu tư. Được khởi công xây dựng vào năm 2007, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2012, doanh nghiệp cam kết nhà máy hoạt động sẽ không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nếu có sẽ đền bù thỏa đáng.
Thủy điện Bản Rạ ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh |
Nhưng thực tế, kể từ khi nhà máy hoạt động, nhiều hộ tại các xóm Bản Dít, Đồng Tâm, Bản Rạ, Bản Mom, Bản Gun, Khuổi Ky, Cô Muông, Bản Giốc bị thiếu nước sản xuất nông nghiệp, thậm chí không có nước canh tác. Nhà máy hoạt động làm hư hỏng cầu dân sinh Bản Mom, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và hạn chế trao đổi hàng hóa nhân dân. Tuy nhiên doanh nghiệp chối bỏ trách nhiệm. Trải qua nhiều năm, nhân dân và chính quyền địa phương kiến nghị lên các cấp, báo chí phản ánh liên tục, mãi đến năm 2016, Cty Đông Bắc mới đền bù thiệt hại cho người dân, đến tháng 6/2018 mới xây hoàn trả cầu dân sinh Bản Mom.
Nhưng nghiêm trọng nhất, thủy điện Bản Rạ được xây dựng ngay phía đầu nguồn Thác Bản Giốc. Theo đại diện Sở NN-PTNT Cao Bằng, cần phải rút giấy phép hoạt động nhà máy thủy điện Bản Rạ để trả lại cảnh quan cho danh thắng Quốc gia Thác Bản Giốc.
Hình ảnh trái ngược của danh thắng Quốc gia Thác Bản Giốc khi nước chảy và khi bị thủy điện Bản Rạ chặn dòng |
Một dự án thủy điện tai tiếng khác, là thủy điện Hoa Thám nằm trên sông Hiến, thuộc địa bàn xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, do Cty TNHH ĐT&PT năng lượng Đông Bắc làm chủ đầu tư. Được triển khai xây dựng từ năm 2006 trên diện tích được thu hồi là 156ha. Điều đáng nói toàn bộ diện tích để thu hồi làm dự án đều là rừng phòng hộ đã được giao cho 47 hộ dân quản lý. Sau 12 năm triển khai, thủy điện này chỉ thi công mỗi đập ngăn nước và cũng chưa hoàn thiện. Thậm chí bị bỏ hoang 6 năm từ 2012 - 2018. Nhưng tỉnh Cao Bằng vẫn gia hạn đầu tư cho dự án này.
Thủy điện Hoa Thám (huyện Nguyên Bình) sau 12 năm vẫn chưa làm xong thân đập, bỏ hoang 6 năm vẫn được gia hạn đầu tư |
Theo đại diện Sở Công thương Cao Bằng, Sở được giao quản lý, giám sát tiến độ thực hiện dự án và nhận thấy năng lực của chủ đầu tư là Cty Đông Bắc quá yếu kém nên mới xảy ra tình trạng kéo dài như vậy. Sở đã báo cáo thường xuyên, thậm chí hàng tháng về tiến độ chậm trễ của dự án này. Còn việc gia hạn là thẩm quyền của Sở Kế hoạch Đầu tư; cũng không hiểu vì sao thủy điện Hoa Thám vẫn được tiếp tục thực hiện.
Từ năm 2007 đến nay, tỉnh Cao Bằng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 24 dự án thủy điện. Nhiều dự án không nằm trong quy hoạch vẫn được cấp phép như thủy điện Thân Giáp (Trùng Khánh - Hạ Lang), Bản Rạ (Trùng Khánh), Khuổi Ru (Bảo Lạc), Nà Tầu (Quảng Uyên), Pác Mãi (Thạch An) và Nà Pài (Trùng Khánh). Cấp phép đầu tư nhiều như vậy, nhưng chỉ có 6 dự án hoàn thành đi vào hoạt động và 6 dự án đang thi công. Có đến 11 dự án đã bị rút giấy phép đầu tư.
Những dự án tỉnh Cao Bằng cấp chứng nhận đầu tư trước, quy hoạch sau |
Rõ ràng Cao Bằng quá dễ dãi trong việc cấp phép các dự án thủy điện, vào cả đất rừng đầu nguồn, cấp phép cho doanh nghiệp không có năng lực và không trong quy hoạch đang gây ra những hệ lụy và hậu quả hết sức nặng nề cho tỉnh vùng cao này.
Vậy trách nhiệm thuộc về ai?