| Hotline: 0983.970.780

Hệ thống thủy lợi Nghệ An: Nhan nhản vi phạm, gian nan xử lý

Thứ Bảy 07/12/2019 , 10:34 (GMT+7)

Năm 2018 toàn tỉnh xảy ra 2.227 vụ vi phạm, lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nhưng cơ quan chuyên ngành chỉ tiến hành xử lý được phạm vi nhỏ.

Tại xã Nam Lĩnh (Nam Đàn) vẫn tồn tại tình trạng trồng cây lấn chiếm bờ kênh. Ảnh: Việt Khánh.

Diễn biến năm nay có chuyển biến nhất định, tuy nhiên công tác quản lý vẫn đối diện với muôn vàn khốn khó.

Hiện trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 7 Công ty TNHH MTV thuỷ lợi (Bắc, Nam, Thanh Chương, Tây Bắc, Tây Nam, Tân Kỳ, Phủ Quỳ) đảm nhiệm việc quản lý vận hành, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi lớn và vừa.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị do UBND cấp huyện quản lý, bao gồm UBND cấp xã, các HTX, tổ đội thuỷ nông cũng được giao phân công theo dõi, giám sát các hệ thống độc lập và diện tích kênh mương nội đồng ngoài phần của các doanh nghiệp thuỷ nông.

Để triển khai chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về thi hành hệ thống luật pháp liên quan đến công tác thủy lợi, đồng thời thực hiện Công văn số 1583/TCTL-QLCT ngày 31/10/2018 của Tổng cục Thủy lợi về báo cáo tình hình vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi, Sở NN-PTNT đã ban hành Công văn số 2921/SNN-CCTL ngày 19/11/2018 đề nghị các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện.

Có sự vào cuộc kịp thời, sâu sát nên tình hình chung có những chuyển biến nhất định, tuy nhiên tổng thể vẫn tồn tại nhiều vướng mắc chưa tìm ra phương án xử lý thấu đáo. Gian nan nhất là nội dung vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ hệ thống công trình.

Theo số liệu thống kê năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận tổng cộng 2.227 vụ vi phạm, lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, điều đáng nói cơ quan chuyên ngành chỉ tiến hành xử lý được 280 vụ.

Việc xâm lấn xuất hiện nhan nhản tại khu vực cầu Cửa Tiền, TP Vinh. Ảnh: Việt Khánh.

Hành vi chủ yếu là trồng cây, dựng cột điện, làm hàng rào, xây nhà, lều quán, đổ rác thải, nước thải vào địa phận công trình. Sai phạm xuất hiện nhan nhản, muôn hình vạn trạng cách thức không biết đường nào mà lần.

Ví dụ, qua rà soát tại lòng hồ Cầu Cau (huyện Thanh Chương) phát hiện đến 39 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động tàu thuyền dịch vụ chở khách du lịch nhưng chưa được cấp phép. Hay như tại kênh Hữu Văn, xã Châu Kim xảy ra đến 31 vụ vi phạm, bao gồm hành vi thả gỗ gây cản trở dòng chảy cùng hàng loạt trường hợp xây tường kè, nhà ở trong phạm vi hành lang kênh mương…

Hiện tại Cty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý vận hành 36 trạm bơm, 13 hồ chứa và các tuyến kênh dẫn trong toàn hệ thống Nam Nghệ An để phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống lụt bão, tiêu thoát lũ và phục vụ nước dân sinh cho các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thành phố Vinh và thị xã Cửa lò.

Những năm gần đây, các công trình do Công ty quản lý thường xuyên bị lấn chiếm hành lang thủy lợi. Trưởng phòng Kỹ thuật của Cty, bà Nguyễn Thị Hương cho biết: “Nhằm giảm thiểu tình trạng vi phạm, đơn vị thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại của hành vi lấn chiếm, đồng thời đấu mối với chính quyền địa phương nơi xảy ra vi phạm để cùng phối hợp thực hiện.

Điển hình trong tháng 10/2019, Xí nghiệp Thủy lợi Nam Đàn (đơn vị trực thuộc) cùng với UBND xã Nam Lĩnh đã tiến hành giải tỏa một phần cây cối, lều quán lấn chiếm bờ kênh. Tương tự, phối hợp với UBND xã Kim Liên giải tỏa hơn 20/65 hộ vi phạm”.

Phương án xử lý đã được đưa ra nhưng phần đa các vụ việc diễn ra từ lâu nên quá trình xử lý không hề đơn giản, nếu không muốn nói chỉ như muối bỏ bể. Đáng lo ngại hơn, diễn biến tại Cty TNHH MTV Thủy lợi Nam cũng chính là thực trạng chung toàn tỉnh Nghệ An lúc này.

Hoạt động du lịch ở hồ Cầu Cau chưa đảm bảo theo quy định. Ảnh: Việt Khánh.

Hàng loạt nguyên nhân dẫn đến hành vi. Thứ nhất là việc cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo Pháp lệnh số 32/PL-UBTVQH10 ngày 04/4/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (hiện nay là Luật thủy lợi Số 08/2017/QH14) còn nhiều hạn chế.

Kế đó là công tác chỉ đạo, tuyên truyền của các cấp chính quyền ở một số nơi thiếu quyết liệt, kéo theo hiệu quả đạt được không cao. Hiện lực lượng quản lý, khai thác công trình thủy lợi do xã, HTX quản lý phần lớn chưa qua đào tạo bài bản khiến việc quản lý, vận hành công trình còn gặp nhiều khó khăn.

Tiếp nữa là kinh phí hạn hẹp của các nguồn hỗ trợ dịch vụ công ích và khoản thu về từ giá trị sản phẩm thủy lợi khác, nhìn chung nguồn này chưa đáp ứng đủ để đảm bảo chi phí tái sản xuất thông qua công tác kiểm định an toàn đập, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước hay lắp đặt thiết bị quan trắc chuyên dụng.

Ngành nông nghiệp Nghệ An nhận định thêm, bên cạnh yếu tố chủ quan thì nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm hàng loạt trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình thủy lợi là do đã được chính quyền địa phương cấp quyền sử dụng đất, hoặc đất đã được sử dụng ổn định từ trước (?!).

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.