| Hotline: 0983.970.780

Hệ thống thủy lợi tứ giác Long Xuyên: Hiệu quả và những bất cập

Thứ Hai 01/08/2016 , 08:18 (GMT+7)

Vừa qua, tại TP Rạch Giá, Kiên Giang, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị Hội đồng Quản lý hệ thống thủy lợi tứ giác Long Xuyên (TGLX) năm 2016.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, Viện Kỹ thuật biển, đại diện Sở NN-PTNT các tỉnh Kiên Giang, An Giang, TP Cần Thơ và lãnh đạo các địa phương trong vùng.

Vùng TGLX được giới hạn bởi kênh Vĩnh Tế, sông Hậu, Quốc lộ 80 và kênh Rạch Giá - Hà Tiên, với diện tích tự nhiên rộng 498.141ha, thuộc địa bàn các tỉnh An Giang (245.084ha), Kiên Giang (237.879ha) và TP Cần Thơ (15.178ha).

Hàng chục năm qua, Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các địa phương trong vùng đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư nhằm khai hoang, phục hóa vùng đất giàu tiềm năng này, trong đó nổi bật là hệ thống kênh đào và các công trình thủy lợi thoát lũ ra biển Tây, ngăn mặn, giữ ngọt phát triển sản xuất.

Đến năm 2016, diện tích gieo trồng lúa toàn vùng TGLX đạt khoảng 878.832ha, sản lượng hơn 5 triệu tấn/năm, diện tích sản xuất rau màu đạt 18.900ha.

Theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội nghị, hệ thống thủy lợi vùng TGLX thời gian qua đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính là đảm bảo sản xuất an toàn vụ lúa hè thu hàng năm; tăng lượng phù sa vào trong đồng, tăng độ phì cho đất và cải tạo đồng ruộng, tạo nguồn nước tưới tiêu, ngăn mặn giữ ngọt, thâm canh tăng vụ. Giảm độ ngập sâu trong nội đồng vào thời gian lũ đầu vụ, vào mùa kiệt ngăn mặn xâm nhập sâu và tạo nguồn nước tưới tiêu cho nội đồng.

Hệ thống còn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất vụ lúa thu đông (kế hoạch năm 2016 đạt khoảng 174.000ha), góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân, kết hợp hệ thống đê bao tạo cơ sở hạ tầng đầu tư giao thông nông thôn liên hoàn giữa khu vực các huyện và tỉnh, phát triển cụm, tuyến dân cư tránh lũ; cơ sở hạ tầng khác phát triển theo, dẫn đến thuận lợi cho công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai…

Hệ thống thủy lợi TLX gồm rất nhiều công trình, trong đó quan trọng nhất là vận hành hai đập cao su Tha La, Trà Sư (An Giang) và hệ thống cống thoát lũ ra biển Tây (Kiên Giang). Việc vận hành các công trình này lệ thuộc rất nhiều vào diễn biến thời tiết, tình hình thủy văn, nhất là nguồn nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ĐBSCL hằng năm.

Theo TS Lương Quang Xô, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, qua quan trắc nhiều năm cho thấy, nước lũ (còn gọi là mùa nước nổi) ở ĐBSCL lớn hay nhỏ lệ thuộc vào lượng mưa trên thượng nguồn sông Mê Kông, nhất là số cơn bão trong năm. Thông thường những năm có từ 6 - 8 cơn bão, năm nhiều lên tới 12 cơn bão thì nước lũ sẽ lớn; còn ngược lại 3 - 4 cơn bão thì lũ nhỏ. Ông Xô dự báo, lũ năm 2016 ở ĐBSCL sẽ lớn hơn so với năm 2015, nên việc bố trí thời vụ sản xuất, vận hành đóng, mở các cống, đập cần phải tính toán kỹ.

07-43-11_2-hoi-nghi-hoi-dong-qun-ly-he-thong-thuy-loi-tu-gic-long-xuyen
Hội nghị Hội đồng Quản lý hệ thống thủy lợi tứ giác Long Xuyên

 

Tại hội nghị, các đại biểu cũng kiến nghị các cơ quan chuyên môn cần xem xét, đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh cho khu vực ĐBSCL trong bối cảnh khô hạn ngày càng gay gắt như hiện nay. Đồng thời, cần củng cố lại Hội đồng Quản lý hệ thống thủy lợi TGLX, xây dựng quy chế hoạt động cụ thể và phải có nguồn kinh phí để hoạt động.

Mặc dù hệ thống thủy lợi TGLX đã phát huy hiệu quả, mang lại những lợi ích to lớn. Tuy nhiên, tại hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra những bất cập cần khắc phục để phục vụ sản xuất và dân sinh tốt hơn, nhất là trong bối cảnh thời tiết ngày càng cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu.

Ông Cao Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết, tỉnh có tuyến đê biển dài khoảng 200 km với rất nhiều kênh thoát ra biển nhưng do hệ thống cống ven biển chưa được đầu tư đồng bộ, khép kín nên nước mặn vẫn theo các tuyến kênh rạch lấn sâu vào nội đồng.

Cụ thể là đợt khô hạn vừa qua, tỉnh đã phải chật vật đối phó, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng, hàng trăm ngàn hộ dân bị ảnh do thiếu nước sinh hoạt, nhất là khu vực ven biển và TP Rạch Giá. Tỉnh đã phải khẩn cấp chi tiền triển khai đắp 4 đập lớn ngăn sông (bằng cừ Larsen) và đắp 1 đập bằng đất, đá để khắc phục tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn kéo dài.

Đồng thời lắp đặt 27 máy bơm loại lớn (1.500 m3/máy/giờ) để bơm thoát mặn, rút nước ngọt từ thượng nguồn về và giảm ô nhiễm gần khu vực các đập. Ngoài ra, các địa phương ven biển cũng tiến hành đắp hàng chục đập tạm để ngăn mặn, giữ ngọt.

Việc đóng các của cống nhằm ngăn mặn, giữ ngọt là rất cần thiết, tuy nhiên đóng lâu ngày, nước không lưu thông dẫn đến ô nhiễm môi trường. Khi có mưa lại gây ngập úng cụ bộ, làm thiệt hại sản xuất. Khi mở cống, nguồn nước ô nhiễm thoát ra biển gây thiệt hại cho nguồn lợi thủy sản ven biển.

Hơn nữa, hệ thống cống ven biển trên đại bàn tỉnh Kiên Giang là cống van một chiều, việc đóng, mở lệ thuộc vào thủy triều, gây khó khăn cho việc vận hành. Về lâu dài, cần thay bằng cửa đóng mở cưỡng bức mới đáp ứng được yêu cầu.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang Lữ Cẩm Khường cho rằng, đập cao su Tha La, Trà Sư đầu tư đã lâu, hiện đang tiến tới giai đoạn cuối của tuổi thọ. Theo đánh giá của các chuyên gia Nhật (thuộc Cty Bridgestone), phần cao su của đập có nguy cơ gặp sự cố cao (xuất hiện vết nứt trên thân đập) không còn an toàn trong quá trình vận hành đóng đập.

Vì vậy, các địa phương đề nghị Bộ NN-PTNT cần sớm bố trí vốn xây cống thay thế hai đập cao su Tha La, Trà Sư. Trước mắt, Tổng cục Thủy lợi cần có giải pháp tạm thời trong trường hợp hai đập này xảy ra sự cố, nhằm bảo vệ diện tích sản xuất lúa thu đông 2016 trên 174.000ha trong khu vực.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Bình luận mới nhất