| Hotline: 0983.970.780

Heo giống vẫn ế ẩm

Thứ Sáu 02/11/2012 , 13:27 (GMT+7)

Dù đang là thời điểm đẩy mạnh chăn nuôi phục vụ thị trường Tết Nguyên đán nhưng nhiều chuồng nuôi heo vẫn còn bỏ trống.

Các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp là những địa phương có phong trào chăn nuôi heo khá mạnh của tỉnh Kiên Giang. Dù đang là thời điểm đẩy mạnh chăn nuôi phục vụ thị trường Tết Nguyên đán nhưng nhiều chuồng nuôi heo vẫn còn bỏ trống.

Những hộ nuôi heo nái để bán con giống đều không cảm thấy vui khi giá con giống năm nay rất thấp và khá ế ẩm. Bà Trần Thị Sửu, ở xã Tân An, Tân Hiệp đang có 5 - 6 đàn heo con với gần 70 con giống nói giọng buồn so: “Mọi năm, thời điểm này heo đẻ ra bao nhiêu là có người đến đặt cọc chờ đủ ngày đủ tháng là bắt. Nhưng năm nay ế ẩm quá. Heo giống khoảng 1 tháng tuổi (hơn 10 kg/con) nếu người dân mua về nuôi thì được 750.000 - 800.000 đ/con. Đó là heo tuyển (lựa con tốt), còn bắt cả bày chỉ khoảng 700.000 đ/con.

Thấy rẻ, tôi gọi thương lái (người buôn heo giống) vào bán họ chỉ trả có 550.000 - 600.000 đ/con. Giá này chưa bằng 2/3 so với lúc cao điểm. Mà đắt rẻ gì thì cũng phải bán, giá cả bây giờ nuôi gần chục con heo nái đã thấy oải lắm rồi chứ đừng nói nuôi heo thịt”.

Tìm đến nhà vợ chồng anh Hồ Văn Kỷ ở xã Long Thạnh, Giồng Riềng, tôi thấy trong chuồng lúc nhúc hơn 20 con heo lứa. Hỏi ra mới biết đây là heo nhà sinh sản ra, bán không được nên đành để lại nuôi. Anh Kỷ cho biết: “Trước giờ vợ chồng tui chỉ nuôi heo nái để bán con giống, không có kinh nghiệm nuôi heo thịt. Nhưng do năm nay giá heo con rẻ quá, lại khó bán nên đành để lại nuôi bán vào dịp tết.

Chăn nuôi chủ yếu lấy công làm lời

Giờ phải mua cám gạo cho ăn độn thêm, chứ với giá thức ăn công nghiệp tăng cao liên tục mà giá heo hơi cứ cầm chừng như hiện nay (khoảng 3,5 triệu đ/tạ) thì khó mà có lãi. Nhờ con giống nhà có sẵn nên cũng đỡ, chứ phải đi mua nữa thì càng mở rộng chăn nuôi càng chết”.

Ông Trương Quốc Anh, PGĐ Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang cho biết, năm nay trung tâm không bán heo giống cho dân nuôi thương phẩm mà chủ yếu tập trung bán con giống để phát triển đàn bố mẹ. Từ mạng lưới này các gia trại mới nhân giống để bán nuôi heo thương phẩm. Những hộ dân tham gia sẽ được hỗ trợ 750.000 đ/con giống heo cái, còn con đực giống là 900.000 đ/con.

Tuy nhiên, do tình hình người chăn nuôi đang gặp khó, giá cả không ổn định nên cũng không có nhiều nông dân tham gia. Từ đầu năm đến nay trung tâm mới cung cấp được 295 con heo giống, trong đó 283 con cái. Số lượng này thấp hơn nhiều so với những năm trước.

"Để hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn, chúng tôi đang đẩy mạnh công tác phòng chống dịch như tiêm phòng, phun hóa chất tiêu độc sát trùng, hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại. Đồng thời, tăng cường kiểm tra khâu vận chuyển gia súc, gia cầm, giết mổ và buôn bán, không để phát sinh và lây lan các ổ dịch, nhằm giúp người chăn nuôi yên tâm SX và đảm bảo nguồn thực phẩm phục vụ thị trường tết", ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Kiên Giang.

Theo những người có kinh nghiệm về chăn nuôi thì thời điểm này là thích hợp nhất trong năm để tái đàn. Tuy nhiên, phần lớn những người nuôi heo hiện nay không xuất phát từ nhu cầu thật sự, do rủi ro cao. Hộ thì không bán được con giống nên để nuôi, hộ thì đã lỡ đầu tư chuồng trại nên không thể bỏ trống. Còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ 1-2 con thì chủ yếu lấy công làm lời, tận dụng bã rượu, cơm thừa thì mới mong có lãi chút ít.

Ông Trần Văn Khương ở xã Tân Thành, Tân Hiệp đầu tư hơn 200 triệu đồng để làm chuồng nuôi heo tâm sự: “Tôi vừa xuất bán hơn 3 tấn heo hơi, giá 36.000 đ/kg, tính ra mỗi con heo lỗ khoảng 300.000 đ. Chẳng lẽ làm chuồng giờ lại bỏ không chứ thật sự đầu tư nuôi heo tiếp cũng ngán. Đã leo lưng cọp thì đãnh phải chịu, nuôi cầm chừng hy vọng dịp tết giá cả sẽ được cải thiện để người chăn nuôi bớt khổ”.

Theo Phòng Nông nghiệp- Sở NN-PTNT Kiên Giang, tình hình chăn nuôi hiện nay của tỉnh không phát triển và không có tính ổn định, số lượng tổng đàn sụt giảm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do giá thức ăn chăn nuôi lên tục biến động tăng, trong khi đó đầu ra của sản phẩm chăn nuôi lại không ổn định và luôn ở mức thấp. Phần lớn người chăn nuôi đều ở dạng quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát, tiềm lực tài chính yếu nên không trụ được khi thị trường có biến động lớn.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất