| Hotline: 0983.970.780

Héo ruột vì nước thải

Thứ Tư 12/10/2011 , 12:46 (GMT+7)

Hồ nước thải của nhà máy bốc muồi hôi ô nhiễm
Trong những ngày qua, nhiều hộ dân ở xã Suối Ngô, Suối Dây, huyện Tân Châu (Tây Ninh) liên tục kêu than vì tình trạng ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải của một số nhà máy chế biến khoai mì (sắn) trên địa bàn.

Né đền bù

Chúng tôi tìm đến xã Suối Ngô (địa bàn giáp biên giới Campuchia) để tìm hiểu sự việc. Một trong những nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn nước thải của Nhà máy Chế biến khoai mì thuộc Cty TNHH Hùng Duy là hộ bà Trần Thị Mộng Thu có vườn cao su 5 ha ở ấp 6.

Gặp chúng tôi, bà Thu dẫn thẳng vào xem thực tế vườn cây cao su của gia đình bà đang có hiện tượng héo chết dần do bị nhiễm nguồn nước thải trong hồ chứa. "Chẳng hiểu người ta nói xử lý nguồn nước thải “đạt chuẩn công nghệ” kiểu gì mà giờ gây ô nhiễm môi trường và làm chết cả cây cối của dân xung quanh thế này. Nhìn hồ chứa nước thải của “ông nhà máy” ngày càng phình ra, mực nước trong hồ dâng cao ngập đầu người khiến bà con chúng tôi ngày đêm héo ruột", bà Thu phản ánh.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ trước đến nay vườn cao su nhà bà Thu cho sản lượng mủ ổn định và cây cao su phát triển rất tốt. Tuy nhiên, đến khoảng tháng 4/2010, khi Nhà máy mì Hùng Duy đào mở rộng thêm một hồ chứa nước thải (khoảng 6ha, gồm nhiều hố nhỏ thông nhau) nằm sát bên vườn, khiến những cây cao su của gia đình bà Thu ở khu vực giáp ranh giới với hồ nước thải bắt đầu có hiện tượng lá vàng úa, rụng dần và ngọn cây héo khô.

Bà Thu đã tìm gặp Ban lãnh đão Nhà máy mì Hùng Duy để thông báo sự việc, đồng thời yêu cầu phía nhà máy xuống kiểm tra thực tế hiện trạng để xem xét giải quyết bồi thường thiệt hại.

Qua kiểm tra thực tế, ông Liêm (chủ nhà máy Hùng Duy) đã thừa nhận số cây cao su chết là do ảnh hưởng của hồ chứa nước thải của nhà máy, đồng thời hứa tìm cách khắc phục và bồi thường diện tích cao su của gia đình bà Thu. Thế nhưng “chờ mãi cũng chẳng thấy tin tức hồi âm, gia đình tôi đã liên tục liên lạc với ông Liêm nhưng ông ấy cố tình “né”. Đến nay vẫn không có động tĩnh gì", bà Thu cho biết.

Hôi thối khó chịu

Ông Cao Văn Thanh, ấp 7, xã Suối Dây than thở: "Nhiều năm nay chúng tôi khốn khổ vì nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, bà con phải đi mua nước bình về dùng". Theo ông Thanh, trước kia tất cả những giếng khoan sâu 20 mét đều không sử dụng được, sau phải khoan sâu thêm đến 40 mét nhưng đến nay cũng trùm mền.

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ký quyết định đình chỉ hoạt động 2 nhà máy chế biến tinh bột khoai mì đặt tại huyện Tân Châu vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gồm: Cơ sở sản xuất bột mì Phước Vân và Nhà máy chế biến khoai mì thuộc Cty TNHH Sản xuất TM-XNK Kim Yến. Từ đầu năm đến nay, ít nhất có gần 10 cơ sở sản xuất tinh bột mì tại tỉnh Tây Ninh bị ngừng hoạt động, do không bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường.

Còn ông Lâm Văn Ba, Tổ trưởng tổ tự quản (tổ 5, tổ 6 thuộc ấp 1, xã Suối Ngô) cho hay, từ khi các nhà máy mì mọc lên khiến nguồn nước mặt bị ô nhiễm nặng, giếng khoan sâu nhưng bơm nước lên toàn màu vàng, đóng màng khiến không ai dám ăn uống, thậm chí giặt đồ cũng có mùi. Trước tình trạng này, năm trước các hộ dân đã nhiều lần làm đơn kiện nhà máy nhưng vẫn không được phía nhà máy quan tâm giải quyết.

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Quang Lệ, Phó Chủ tịch HĐND xã Suối Ngô, cho biết: Tại địa phương hiện có 8 cơ sở chế biến khoai mì của 5 Cty TNHH và 3 doanh nghiệp tư nhân. Thực tế nguồn nước thải từ các nhà máy gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân, nguồn nước sinh hoạt và một số loại cây trồng. Hiện tượng cây cao su bị vàng lá, héo úa là có thật. Tuy nhiên, đến nay cũng chưa thể kết luận chính xác cây cao su bị héo chết do “nhiễm” nguồn nước thải của nhà máy hay do bị bệnh.

Mới đây các ngành chức năng cũng đã xuống kiểm tra và tiến hành lấy mẫu phân tích để có kết quả chính xác mới can thiệp giải quyết.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất