| Hotline: 0983.970.780

Hết cứu chuối, giờ lại cứu đường

Thứ Năm 01/03/2018 , 10:05 (GMT+7)

Thời điểm này cuối tháng 2 năm ngoái, nhiều ban ngành tổ chức xã hội phía Nam chung tay “giải cứu” mua chuối cho nông dân do giá xuống đáy còn 1.000 - 1.500 đồng, và bất ngờ lần này là “giải cứu” cho nhà máy đường.

Trách ai bây giờ?

Hiện nay, ở một số nơi ở miền Tây đang kêu gọi “giải cứu” cho nhà máy đường (NMĐ) bằng cách vận động CBCNV mua đường nhằm giải phóng hàng tồn kho, bởi dù giá đường giảm sâu còn 12.000 đồng/kg nhưng vẫn không bán được. Trong đó, Cty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) tồn kho khoảng 30.000 tấn vừa được tỉnh Hậu Giang kêu gọi CBCNV và nhân dân trong tỉnh mua "giải cứu" lượng đường tồn kho của Casuco.

13-39-04_1
Mặc dù giá mía xuống thấp nhưng nông dân Tây Ninh vẫn chưa “bỏ mía trồng mì” bởi cây nào cũng đang gặp “nạn”

Ông Nguyễn Văn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường VN cho biết lượng đường tồn kho trong cả nước hiện đã trên 300 ngàn tấn. Nguyên nhân chính là cạnh tranh không lại đường nhập lậu. Mặt khác, thời gian này được cho là buổi “giao thời” về hội nhập ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN) mà thuế suất nhập khẩu đường từ ASEAN về Việt Nam xuống còn 0%, nên tâm lý của các nhà phân phối e ngại không dám tích trữ hàng vì lo sợ đường ngoại có giá rẻ sắp tới đổ về Việt Nam.

“Giá đường bán cao thì nông dân có thu nhập nhưng người thu lợi chính là nhà máy; còn giá đường xuống thấp thì nông dân không chỉ bị “ép” giá nguyên liệu mà cả chữ đường (CCS), bởi nhà máy luôn ở thế nắm đằng chuôi. Tuy nhiên, bây giờ mà bỏ mía như các năm trước rất khó, bởi chưa có cây trồng nào khả dĩ thay thế nó được", ông Trung chia sẻ.

Điều đáng nói, “căn bệnh” kinh niên đường lậu từ cả chục năm nay không có thuốc chữa, vô hình trung đã làm cho việc tiêu thụ đường trong nước ngày càng tê liệt, bởi đường Thái Lan bán ngoài thị trường rẻ hơn đường nội ít nhất là 1.000 đồng/kg.

"Chúng tôi kiến nghị rất nhiều năm nay và phối hợp với nhiều cơ quan chức năng của nhà nước nhưng vẫn không dẹp được đường lậu. Giá đường xuống thấp thì tất nhiên nhà máy đường mua mía giá thấp cho nông dân, từ đó nông dân có tâm lý chuyển đất trồng mía sang các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn", ông Hải nói.
 

Cứu đường chưa đủ

Do giá đường rớt đáy nên hiện nay các nhà máy đường mua mía của nông dân chỉ còn 800.000 - 900.000 đồng/tấn (trong khi cách đây 3 năm giá mua mía nguyên liệu đã trên 1.000.000 đồng). Tại tỉnh Tây Ninh, nơi được coi là “vương quốc” mía đường với khoảng 15.000ha, hiện nông dân cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Triển ở ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành cho biết, ông thuê đất bên Campuchia trồng 170ha ở huyện Xoài Tiệp, tỉnh Xoài Riêng. Năm nay người dân có hợp đồng trồng mía bên Campuchia phần lớn bỏ mía do giá thu mua mía thấp, trong khi năng suất mía trồng cao nhất cũng chỉ mức 65 tấn/ha.

13-39-04_2
Nông dân trồng mía đang đối mặt khó khăn

Ngoài ra, bên cạnh chi phí đầu tư, chăm sóc, công thu hoạch, người trồng mía ở đất bạn còn phải chịu thêm các khoản chi phí khác như tiền thuê đất, phí kiểm dịch thực vật, kiểm dịch y tế, phí làm thủ tục hải quan... khi đưa mía về Việt Nam; nhưng khi bán thì chữ đường thấp (bình quân chất lượng mía chỉ đạt 8,5 CCS). Tính ra, sau khi trừ chi phí, người trồng mía từ hòa vốn đến lỗ.

“Sau vụ thu hoạch này, tôi sẽ chuyển 20ha đất sang trồng cây khác, số còn lại sẽ để sang mùa thứ tư vì chi phí đầu tư ít”, ông Triển chia sẻ.

Ông Hà Thành Trung, ấp Phước Trung, xã Phước Đồng, huyện Gò Dầu trồng 9ha mía, đã thu hoạch được 4ha, năng suất đạt 70 tấn/ha, nhưng với giá mua của nhà máy hiện chỉ còn 900.000 đồng/tấn (10 CCS), sau khi tính toán trừ chi phí, ông Trung huề vốn thậm chí bị lỗ.

Theo ông Lâm Văn Tính, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Tây Ninh, mía vốn là cây truyền thống của địa phương, trước đây theo quy hoạch phát triển 30.000ha, kế hoạch hiện nay dừng ở mức 20.000ha, năm rồi phát triển hơn 14.000ha, năm 2018 lên gần 15.000ha.

Mì cũng là cây truyền thống lại đang bị dịch bệnh khảm lá phá hại nghiêm trọng, tổng diện tích gần 60.000ha đã chết mất 6.000ha (bệnh khảm lá không có thuốc xử lý). Vụ ĐX 2017 - 2018 (từ giữa tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau), cả tỉnh trồng được 22.000ha thì bị thiệt hại do bệnh khảm lên đến 6.000 - 7.000ha rồi. “Vì vậy, ở địa phương trước mắt dù giá mía xuống thấp nhưng chưa thấy ai phá mía trồng mì cả”, ông Tính nhấn mạnh.

“Giá đường thấp thì cả nông dân và NMĐ đều gặp khó như nhau, vì vậy “giải cứu” cho ngành chế biến đường thôi thì chưa đủ. Bởi, nếu dựa vào giá thu mua nguyên liệu hiện tại, năng suất mía phải đạt 80 tấn/ha trở lên và chữ đường cũng đạt từ 10-11 CCS, chi phí trồng mía giảm từ 500 ngàn đồng/tấn mía cây so với hiện tại, lúc đó người trồng mía mới có lời. Nghĩa là, phải “cứu” thế nào để đưa tiến bộ kỹ thuật mới thì nông dân và NMĐ mới có lợi nhuận vì chạy được nhiều đường với chi phí thấp", ông Võ Đức Trong, GĐ Sở NN-PTNT Tây Ninh.

 

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất