| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 30/05/2019 , 08:46 (GMT+7)

08:46 - 30/05/2019

Hết lụy phà Vàm Cống lại lụy trạm T2

Thông xe cầu Vàm Cống là một sự kiện lớn của người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đây, muốn qua sông Hậu đoạn giữa hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang phải mất cả giờ đồng hồ để chờ phà. Bây giờ, xe cộ bon bon chừng mười phút là đã từ bờ bên nọ sang bờ bên kia.

Thế nhưng, niềm vui ấy mới thắp lên thì lại xuất hiện nỗi buồn khác: Trạm thu phí T2 án ngữ ngay dưới chân cầu Vàm Cống. Người đi đường chỉ rẽ một đoạn 300 mét để vào thành phố Long Xuyên hoặc chạy thêm một đoạn ngắn vào ngã ba Lộ Tẻ để xuống Kiêng Giang theo quốc lộ 80, thì phải trả phí cho cả… dự án cải tạo quốc lộ 91.

Trạm thu phí T2.

Từ khi thu phí vào tháng 3-2016 đến nay, trạm T2 đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của cộng đồng. Quốc lộ 91 nối Cần Thơ và An Giang có hai trạm thu phí, trạm T1 chỉ cách trạm T2 không tới 35 km. Do không đồng ý về vị trí đặt trạm T2, giới tài xế thường xuyên không chấp nhận mua vé, khiến ách tắc thường xuyên xảy ra. Sau khi có cầu Vàm Cống thì sự phi lý của trạm T2 càng trở nên nóng bỏng hơn.

Sử dụng một đoạn đường 300 mét mà phải trả phí cho cả con đường 43 km thì mấy ai có thể vui vẻ chấp nhận. Để giải quyết trạm T2, Sở GTVT các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang đã có nhiều cuộc họp với nhà đầu tư dự án cải tại quốc lộ 91 nhằm tìm giải pháp khả thi nhất. Có hai phương án được đưa ra.

Thứ nhất, những xe từ hướng Kiên Giang, từ cầu Vàm Cống rẽ xuống để vào An Giang sẽ được phát thẻ. Đến trạm T2 trả thẻ và mua vé 2000 đồng để qua trạm, tương đương 300m đường của dự án quốc lộ 91. Còn các xe từ An Giang qua trạm T2 sẽ mua vé 2000 đồng, nếu đi lên cầu Vàm Cống hoặc về Kiên Giang thì không cần phải chi thêm tiền, còn xuống trạm T1 thì tiếp tục mua vé 33000 đồng.

Thứ hai, tất cả xe của tỉnh An Giang khi qua trạm T2 đều mua vé 35.000 đồng, nhưng nếu xe nào rẽ về Kiên Giang hoặc lên cầu Vàm Cống thì chủ đầu tư sẽ tổ chức trả lại 33000 đồng.

Người tham gia giao thông mong muốn “đi bao nhiêu mét đường thì trả bấy nhiêu tiền” còn lãnh đạo các tỉnh xung quanh trạm T2 hướng đến mục tiêu “không gây sự bất ổn, xáo trộn ở địa phương". Tuy nhiên, giải pháp dời trạm T2 đến vị trí thích hợp hơn thì lại…không đề cập đến. Nếu dời trạm T2 tốn kém cho nhà đầu tư, thì không lẽ hai phương án bán vé 2000 đồng hoặc thối lại 33000 đồng lại không cần xây trạm mà cho nhân viên đứng bán dạo cho khách đi đường?

Miền Tây Nam bộ chằng chịu sông ngòi, cản trở không ít cho quá trình phát triển. Lần lượt cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên… được đưa vào sử dụng, đã tạo đột phá về giao thông cho vùng kênh rạch Cửu Long. Cầu Vàm Cống là một dấu son nữa cho hành trình đánh thức giá trị mảnh đất phù sa giàu tiềm năng, lẽ nào hết lụy phà lại phải lụy… trạm T2?