| Hotline: 0983.970.780

Hết nạn nọ, đến nạn kia

Thứ Ba 14/08/2012 , 09:06 (GMT+7)

Sự kiện nhà máy chế biến bột cá Thuỵ Hải (huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình) bị đổ bê tông chắn cổng chưa kịp lắng thì lại đến việc Cty TNHH Nhà nước MTV dệt 19/5 tại thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội bị dân dựng barie chắn đường không cho SX. Vì sao?

Sự kiện người dân xã Thuỵ Hải (huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình) đổ bê tông chắn hai cổng, dựng lều ngay tại cổng không cho nhà máy chế biến bột cá Thuỵ Hải (thuộc Cty TNHH Chế biến Thuỷ sản Thuỵ Hải) sản xuất, khiến Cty thiệt hại hàng tỷ đồng, đến nay chưa kịp lắng xuống, thì cơ sở tẩy nhuộm của Cty TNHH Nhà nước một thành viên dệt 19/5 tại thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội lại bị người dân dựng barie chắn đường không cho sản xuất. Vì sao như vậy?

Hết nạn nọ, đến nạn kia

Năm 1997, Cty TNHH dệt nhuộm Trung Thư (Hà Nam) được UBND TP Hà Nội cho thuê một lô đất sát khu dân cư tại thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì để xây dựng nhà máy dệt nhuộm.

Năm 1998, nhà máy bắt đầu hoạt động, và ngay lập tức người dân thôn Văn và dân xã Thanh Liệt cũng như các xã lân cận được “ban phát” hậu quả. Nước thải không qua xử lý của nhà máy chảy xối xả suốt 24/24 giờ (nhà máy sản xuất 3 ca/ngày đêm) xuống sông Tô Lịch, môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Bà Nghiêm Thị Nụ, hiện là Phó thôn Văn, nhớ lại:

- Một thứ mùi không thể tả được bao trùm khắp làng khiến không ai chịu nổi. Nước sông Tô Lịch đặc quánh, đen ngòm, hôi thối khủng khiếp. Nước đó ngấm xuống các tầng sâu, nhiễm vào các giếng khoan của các gia đình làm bệnh tật tăng lên bất thường, số người chết vì ung thư tăng cao hẳn so với những năm chưa có nhà máy. Có nhà cả hai vợ chồng đều chết vì ung thư ở tuổi chỉ trên 40 như vợ chồng chị Nguyễn Thị Thiêm - anh Đỗ Ngọc Thắm. Từ đầu năm 2012 đến giờ, tôi biết có 7 người thôn này đã chết vì ung thư, còn 1 người nữa cũng mắc ung thư đang nằm chờ chết, tất cả đều chỉ ở tuổi trên dưới 50, những “ca” ung thư đó, rất có thể là hậu quả do nhà máy dệt nhuộm Trung Thư để lại.


Nước thải chưa qua xử lý do dây chuyền tẩy nhuộm của Cty 19/5 
xả thẳng ra sông Tô Lịch

Do sự phản ứng quyết liệt của người dân thôn Văn và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, nên Cty TNHH dệt nhuộm Trung Thư đã buộc phải di dời nhà máy dệt nhuộm đi nơi khác. Ngày nhà máy ngừng hoạt động để di dời, cả làng ăn mừng, ai cũng thấy như cất đi được một gánh nặng. Nào ngờ...

Cuối năm 2011, người dân thôn Văn lại thấy một Cty tổ chức lễ động thổ. Hỏi ra mới biết đó là Cty TNHH Nhà nước một thành viên dệt 19/5 Hà Nội (gọi tắt là Cty 19/5). Cty này được UBND TP Hà Nội cho thuê 12.756 m2 đất tại chính chỗ mà trước đây Cty Trung Thư đã xây dựng nhà máy dệt nhuộm. Sau lễ động thổ, việc xây dựng được tiến hành rất khẩn trương. Chị Nguyễn Thị Loan, cán bộ mặt trận thôn Văn, cho chúng tôi biết:

- Chúng tôi hỏi họ xây dựng cái gì, nhưng lúc thì họ nói là xây dựng cơ sở sửa chữa thoi dệt, làm khung dệt, lúc lại nói là xây dựng khu chung cư... Chúng tôi nghe cũng thấy yên tâm, vì trước đây thành phố đã cho di dời một nhà máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đi rồi, thì nay có cho công ty nào xây dựng nhà máy, chắc thành phố cũng rút kinh nghiệm, không thể cho một nhà máy có khả năng gây ô nhiêm khác xây dựng tại đó nữa.

Nhưng đến trung tuần tháng 5/2012, khi nhà máy của Cty 19/5 bắt đầu sản xuất, thì người dân mới ngã ngửa ra, đó lại cũng là một dây chuyền tẩy nhuộm. Và chỉ sau mươi ngày dây chuyền tẩy nhuộm của nhà máy hoạt động, một thứ mùi, như bà Nụ mô tả, là “giống như mùi thuốc trừ sâu ủ lâu” tràn ngập làng, cứ đặc quánh lại khiến rất nhiều người bị ngạt mũi, tức thở, nhức đầu, váng vất. Đường làng vắng hẳn đi bởi chẳng ai dám ở lâu ngoài đường, và về đến nhà là người ta phải đóng kín các cửa lại ngay, vậy mà nhiều hôm vẫn không ngăn nổi thứ mùi khủng khiếp ấy. Nhà trẻ và trường mầm non với gần 700 cháu nằm cách tường nhà máy chỉ dăm mét, đã phải cho bịt hết các cửa thoáng.


Bể xử lý nước thải không có nắp đậy, mùi tự do bốc lên

Nhiều nhà đã phải mang con đi gửi nhà bà con ở nơi khác do các cháu không chịu nổi mùi thuốc tẩy, thuốc nhuộm, đâm ươn người quấy khóc suốt ngày đêm. Nước thải chưa qua xử lý lại xả thẳng xuống sông Tô Lịch khiến con sông trở thành một dòng nước đặc quánh, hôi thối. Ông đặng Đình Thuỷ, một người dân thôn Văn, cho biết:

- Mỗi ngày sông Tô Lịch có một màu nước khác nhau, cứ hôm nào nhà máy nhuộm vải màu gì thì hôm ấy nước sông có màu đó. Nhà máy có hệ thống bể xử lý nước thải nhưng nước thải vào bể xử lý không đáng kể, còn chủ yếu là xả ra sông. Cứ những lúc mưa, lúc trưa vắng hay quãng 1-2 giờ sáng, khi người dân đã ngủ say là họ xả nước thải trực tiếp ra sông. Những lúc đó người dân lại bị đánh thức bởi mùi xộc vào nặng quá, nhiều người phải dậy đeo khẩu trang mới chịu nổi. Bể xử lý nước thải có nhiều ngăn, nhưng chẳng ngăn nào có nắp đậy. Và chúng tôi thấy nước ở ngăn đầu tiên màu gì, mùi gì thì nước ở ngăn cuối cùng cũng màu ấy, mùi ấy, nghĩa là họ chẳng xử lý gì cả. Đó là chưa kể hàng trăm thùng thuốc nhuộm, thuốc tẩy cả những thùng dùng rồi, vẫn còn dư lượng thuốc lẫn thùng chưa dùng, đều vứt lăn lóc chẳng có gì che đậy cả. Nhãn hiệu in trên các thùng đều nhoè nhoẹt, chẳng ai đọc ra chữ gì nên không ai biết nó có nguồn gốc, xuất xứ từ đâu. Chúng tôi chỉ đoán có lẽ đó là thuốc tẩy, thuốc nhuộm của Trung Quốc.

Một người dân khác của làng Văn cho biết thêm:

- Mỗi ngày dây chuyền tẩy nhuộm của Cty 19/5 đốt hết một xe Ka Mát than, ước khoảng 30 tấn. Xe chở than chạy đến, trút thẳng than vào lò. Chỉ riêng lượng khói than ấy thôi, chúng tôi đã chết sặc rồi, huống chi lại còn cả những mùi kia...

Làng Văn cũng như cả xã Thanh Liệt chưa có nước sạch, tất cả từ nước ăn đến nước sinh hoạt đều dùng nước giếng khoan. Và từ ngày nhà máy tẩy nhuộm của Cty 19/5 hoạt động, nước thải từ nhà máy thải ra lại ngấm xuống các tầng đất sâu, tình trạng các giếng khoan nhiễm bẩn lại xuất hiện, y như lúc nhà máy dệt nhuộm của Cty Trung Thư còn tồn tại.


Bà con làng Văn bức xúc khi phản ánh nạn ô nhiễm môi trường với PV báo NNVN

Chưa hết, khi xây dựng nhà máy tẩy nhuộm, Cty 19/5 đã không quy hoạch khu vực rác thải, từ khi hoạt động đến nay cũng không có hợp đồng thu gom rác thải. Trước sự bức xúc của người dân, Trung tâm quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường đã tiến hành lấy mẫu nước thải do nhà máy tẩy nhuộm của Cty 19/5 thải ra để kiểm định. Kết quả cho thấy, có 3 chỉ tiêu vượt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 40:2011/BTNMT (cột B) là: Màu vượt 90,71 lần; COD (lượng ô xy cần thiết để ô xy hoá các hợp chất hoá học trong nước, bao gồm cả vô cơ và hữu cơ) vượt 30,3 lần; TSS (chất rắn không tan) vượt 13,97 lần.

Phản ánh với chúng tôi, hầu hết người dân làng Văn đều nêu một thắc mắc:

- Không hiểu sao mà cơ quan có thẩm quyền của TP Hà Nội lại cấp giấy phép để Cty 19/5 có thể xây dựng một dây chuyền sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến thế ngay sát khu dân cư? (Còn nữa)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm