| Hotline: 0983.970.780

Hiểm họa cây mai dương

Thứ Ba 09/07/2019 , 13:10 (GMT+7)

Cây mai dương, một trong những loài sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất thế giới đang xâm lấn nhanh chóng ở hầu hết các xã trong huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), nhưng các ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp tiêu diệt, còn người dân thì thờ ơ vì chưa hiểu rõ tác hại của nó.

Mọc tràn lan

Hiện cây mai dương có tốc độ phát triển chóng mặt tại các bãi đất trống ven sông, suối, bên lề đường, bờ ruộng, kênh mương, đất ven rừng và cả khu dân cư... tại nhiều xã của huyện Lộc Bình.

11-47-35_2
Cây mai dương mọc dày đặc ven suối ở xã Bằng Khánh (Lộc Bình).

Tại xã Bằng Khánh, cây mai dương phát triển với tốc độ chóng mặt. Điển hình nhất là ven suối Khuổi Tẳng, có những đoạn suối cây mọc thành từng bụi dài, cao từ 3-4m che kín không có lối đi. Anh Hoàng Thế Nguyện, thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh, cho biết: "Nhà ở cạnh suối nên tôi thấy cây này phát triển rất nhanh, cách đây 5 năm mới có vài cây mọc dải rác ven bờ suối, nay mọc thành từng bụi um tùm, gây khó khan cho việc đi lại của con người cũng như gia súc vì cây có nhiều gai nhọn".

Cũng tại xã Xuân Lễ, cây mai dương có mặt hầu hết ở các bãi đất trống ven suối, bờ mương, ven đường, khu dân cư. Anh Lý Văn Sinh, ở thôn Bản Lầy cho biết, trước năm 2010, nó mới chỉ xuất hiện rải rác vài cây ven suối. Dân trong vùng đốn làm củi hoặc trồng làm hàng rào. Nhưng vài năm trở lại đây nó mọc rất nhanh. Người dân chặt chừng nào nó lên nhiều chừng nấy, gom lại đốt cũng không hết, xịt thuốc hóa học cũng chẳng xong.

Sau những trận mưa gió lớn, hạt cây mai dương rơi xuống đất trôi theo dòng nước đọng lại khắp các con mương, ven suối, ven đường, bờ ruộng, khu dân cư. Khi bám được đất, hạt cây mai dương sẽ nảy mầm và cứ thế phát triển nhanh chóng, lan rộng với tốc độ khủng khiếp, gây cản trở việc đi lại, gây tắc nghẽn dòng nước phục vụ SX nông nghiệp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lý Quang Ngọc, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Lộc Bình cho biết, cây mai dương xuất hiện ở huyện cách đây hơn 10 năm về trước, nguyên nhân là do một số người dân sang bên Trung Quốc lao động rồi mang theo về trồng làm hàng rào.

Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về diện tích cây mai dương, tuy nhiên, hiện nay cây có mặt rải rác ở hầu hết các xã trong huyện, trong đó một số xã mọc nhiều như Bằng Khánh, Xuân Mãn, Xuân Lễ, Đông Quan, Nam Quan, Vân Mộng, Yên Khoái…

Mặc dù cây mai dương lan ra nhanh chóng, mà địa phương vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để tiêu diệt, còn người dân thì thờ ơ vì chưa hiểu rõ tác hại của nó. Thậm chí, nhiều hộ dân còn mang loại cây này về trồng làm hàng rào trước nhà, hay mang lên rừng trồng làm đường ranh giới, khiến nó càng có cơ hội phân tán rộng.
 

Ảnh hưởng nghiêm trọng hệ thực vật

Ông Ngọc cho biết, hiện chưa có tài liệu nào nghiên cứu nào về cây mai dương. Nhưng  tìm hiểu qua sách báo, mạng internet thấy cây mai dương còn có một số tên gọi khác, như cây ngưu ma vương, trinh nữ nhọn, mắc cỡ Mỹ… nguồn gốc từ Trung Mỹ.

Đây là loại cây bụi, đa niên, thường mọc ở nơi đất trống, ẩm ướt, có khả năng mọc nhanh sau khi bị chặt hạ. Cây có thể cao đến 6m, phân thành nhiều nhánh, thân và cành có nhiều gai nhọn, khi tươi rất giòn nhưng khi khô lại rất dai và cứng, khó đốt cháy. Khu vực bị cây này xâm lấn thì rất ít cây cỏ khác có thể cạnh tranh.

Cây mọc hoang dại lấn chiếm đất canh tác, cản trở việc đi lại trên đồng ruộng, ngăn cản dòng chảy, ảnh hưởng đến SX nông nghiệp, gây sát thương cho người và gia súc. Sự xâm lấn của cây mai dương đang trở thành mối nguy hại đối với những vùng đất màu ven sông, suối, lề đường, trên đồi, mà chúng mọc ở đâu thì hệ thực vật ở đó sẽ bị tiêu diệt, sâu bọ không ăn được, chim chóc không dám đậu, động vật không dám tới gần.

Bên cạnh đó, cây mai dương còn làm cho đất nghèo dinh dưỡng, ảnh hưởng xấu và nguy cơ hủy diệt hệ thực vật, động vật do cây chứa chất mimosin (loại acid amin có thể gây độc với nhiều loại thực vật). Thân cây mai dương khi chết sẽ phân hủy tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước...

Được biết, mai dương là loại cây dại, có sức sống mãnh liệt, phát tán nhanh qua hạt, đặc biệt có khả năng tái sinh bằng thân và gốc là rất lớn. Nếu người dân chặt cây mẹ đốt thì từ gốc của cây mẹ sẽ tái sinh 4- 5 chồi non, hạt nếu bị đốt sẽ nẩy mầm với mật độ từ 15-120 cây/m2.

Cây mai dương có khả năng xâm lấn mãnh liệt, đặc biệt tăng trưởng rất nhanh về chiều cao và tốc độ 1cm/ngày, có thể ra hoa đậu quả sau 6 tháng. Trung bình 1 năm, 1 cây mai dương ra hoa 12 lần, mỗi lần sản sinh từ 6.000- 9.000 hạt với cấp số nhân, tỷ lệ nảy mầm rất cao.

Hạt của cây mai dương có lớp lông để bám có thể nổi trên mặt nước, dễ lan ra trên diện tích rộng trong mùa mưa lũ, đặc biệt hạt nếu luộc sôi, hoặc đốt vẫn có thể nảy mầm, trong khoảng 20 năm vẫn mọc cây. Với những đặc tính gây hại như vậy, từ năm 2000, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã xếp cây mai dương là 1 trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại hậu quả nghiêm trọng nhất trên thế giới.

Theo ông Ngọc, với tốc độ phát triển như hiện nay, cây mai dương đang là mối đe dọa nguy hiểm đối với các hệ sinh thái, môi trường, đa dạng sinh học cũng như gây thiệt hại lớn về kinh tế. Để tiêu diệt được cây mai dương, giải pháp hữu hiệu nhất là tiêu diệt chúng ngay từ nhỏ bằng cách là chặt, đốt, nhổ cây con. Đồng thời, cần phổ biến rộng rãi cho cộng đồng biết về tác hại nguy hiểm của loại cây này.

Xem thêm
Biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn chăn nuôi chính

Thay đổi thói quen canh tác, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã biến những phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Tiêm vacxin bao vây ngăn bệnh viêm da nổi cục lây lan

Quảng Bình Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vacxin, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò lây lan.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm