| Hotline: 0983.970.780

Hiểm nguy nghề đào giếng thuê

Thứ Ba 12/05/2020 , 09:15 (GMT+7)

Chỉ với những dụng cụ thô sơ, làm việc dưới độ sâu vài chục mét trong lòng đất, thợ đào giếng phải đối mặt với vô vàn nguy hiểm...

Nghề đào giếng vất vả, nguy hiểm nhưng thu nhập cũng không đáng là bao.

Nghề đào giếng vất vả, nguy hiểm nhưng thu nhập cũng không đáng là bao.

Chỉ với những dụng cụ thô sơ, làm việc dưới độ sâu vài chục mét trong lòng đất, thợ đào giếng phải đối mặt với vô vàn nguy hiểm như đứt dây tời, sỏi đá rơi, ngạt thở, sập đất vùi thân bất cứ lúc nào. Biết vậy, nhưng vì miếng cơm manh áo, vì cái nghiệp đã bám vào thân nên phải theo nghề, không dứt ra được.

Nghề của lòng can đảm

Khoảng gần hai tháng trở lại đây, Tây Nguyên bước vào mùa hạn hán. Năm nay hạn hán nặng hơn mọi năm, thế nên hàng chục ngàn hộ dân trồng cây công nghiệp ở khắp Tây Nguyên lao đao vất vả để có nước tưới. Một trong những cách làm đều đặn như mọi năm là đào thêm giếng mới, hoặc vét sâu thêm giếng cũ lấy nước.

Chính vì thế, đào giếng tuy là nghề thời vụ đem lại thu nhập chút đỉnh, nhưng rất vất vả và nguy hiểm. “Đào giếng nguy hiểm lắm, mỗi lần xuống đáy giếng là mỗi lần rủi ro cao, sự sống và cái chết gần như nhau, chỉ khi nào lên mặt đất mới chắc mình sống”, ông Rơ Châm Keh (52 tuổi, đang đào giếng nước tại làng Mơ Ra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) vốn là một thợ đào giếng chuyên nghiệp với gần 30 năm kinh nghiệm bộc bạch.

Ông Keh cùng 4 anh em khác đã vào mùa đào giếng gần tháng nay. Một tuần ông cùng nhóm thợ đào giếng vật lộn với độ sâu gần 30 mét mà chưa thấy nước nên công việc vẫn phải tiếp tục dù ai cũng cảm thấy mệt mỏi. Từ lúc bắt tay vào làm nghề đến nay, ông Keh đã đào gần 200 cái giếng ở khắp các huyện Chư Sê, Chư Păh, Đăk Đoa, Ia Grai…

Bắt đầu đào giếng, người thợ trong nhóm đào giếng của ông Keh sẽ khoanh tròn để xác định khung giếng và đào.

Bắt đầu đào giếng, người thợ trong nhóm đào giếng của ông Keh sẽ khoanh tròn để xác định khung giếng và đào.

Dưới cái nắng gay gắt, những người thợ đào giếng hì hục đào từng mét đất. Làm việc từ sáng sớm đến 11 giờ trưa, một người thợ mới lên mặt đất để lấy sức và uống ngụm nước trước khi trở lại lòng đất. Đồ nghề vỏn vẹn có một bộ tời quay bằng tay, vài chiếc thùng bằng sắt đựng đất đá để kéo lên, một chiếc quạt để thổi không khí xuống, xà beng, búa, đục và cái xẻng.

Ông Keh cho biết, thông thường những thợ đào giếng thường tập trung lại thành tổ mỗi tổ từ 3- 5 người với hai thợ chính thay nhau lên xuống dưới đào đất, những người còn lại dùng tời quay lấy đất từ dưới giếng lên.

Anh Siu Phơn (35 tuổi), một người thợ đào giếng cho biết: “Nghề đào giếng này cực nhọc, vất vả lắm, cứ mỗi lần đu dây từ dưới giếng lên tôi cứ nghĩ quẩn chẳng may đứt dây rơi xuống thì chỉ có mất mạng, nghề này không giành cho người hậu đậu, yếu tim mà phả có lòng can đảm và sự liều lĩnh cần thiết”.

Sau khi đào được một phần giếng, cần đóng cổ giếng để đất trên miệng giếng không sụp xuống bất ngờ.

Sau khi đào được một phần giếng, cần đóng cổ giếng để đất trên miệng giếng không sụp xuống bất ngờ.

Trung bình thời gian hoàn thành một cái giếng mất từ 12 đến 15 ngày, tiến độ nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào độ cứng hay mềm của đất, đá lẫn địa hình.

May mắn gặp chỗ đất mềm, thì mỗi ngày đào được hơn 4 mét. Mỗi mét sâu tính 700.000 đồng, còn địa hình đá nhiều thì 1.000.000 đồng. Với mức giá đó, mỗi ngày 2 người đào giếng có thể kiếm gần 3 triệu đồng.

Gặp nơi toàn đá xanh, đá tảng, loại đất xen đá thì hết sức vất vả, người thợ có đục đẽo cả ngày cũng chỉ được chừng 1 – 2 m. Nếu đào xuống 25 – 30 m vẫn chưa có nước thì phải khoan ngang để tìm mạch. Mặc dù đào giếng là công việc thu nhập khá cao, giải quyết được công ăn việc làm nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và còn lắm gian nan.

Sinh tử vì nghề

Gần nửa cuộc đời đào giếng, ông Keh đã tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm và luôn dùng kinh nghiệm của mình tư vấn chọn vị trí đào tốt nhất để có nguồn nước.

Ông cho biết, nghề này cực kỳ nguy hiểm, không cẩn trọng là tai nạn thường xuyên xảy ra. Những người thợ đào giếng phải làm việc sâu dưới lòng đất tăm tối, khí hiếm ngột ngạt, tính mạng của họ như “sợi chỉ treo chuông”.

Những người thợ đào giếng phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy.

Những người thợ đào giếng phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy.

Đồ bảo hộ là những manh áo vải, những chiếc mũ vành hoặc may mắn hơn là chiếc mũ bảo hộ của công nhân xây dựng.

“Bảo hộ kiểu nào cũng nằm gọn trong lòng giếng chứ tránh đi đâu được. Đất đá khi bị bung khỏi sọt hay đứt dây thì chỉ biết co người hứng chịu. Để tránh những chấn thương không đáng có hay những nguy hiểm như sụt đất, đá, sập giếng thì không bảo hộ nào hơn là hãy làm một cách cẩn thận và tỉ mẩn”, ông Keh bộc bạch.

Nhiều thợ đào giếng chia sẻ nỗi cực nhọc, vất vả của nghề này, xuống dưới thì nóng như lò thiêu, cứ mỗi lần đu dây xuống đáy là lo ngay ngáy, chẳng may đứt dây rơi xuống thì chỉ có mất mạng. Cái nghề làm việc trần gian, ăn cơm âm phủ này không dành cho người yếu tim. Nhưng trong vòng xoáy mưu sinh thì những thợ đào giếng bất chấp nguy hiểm để mò xuống “âm phủ”  kiếm cơm.

Giếng cũ thường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến với người đào giếng thuê.

Giếng cũ thường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến với người đào giếng thuê.

Những tai nạn của nghề có hàng trăm hàng ngàn kiểu, có những trường hợp người đào giếng chỉ bị một viên đá nhỏ rơi từ trên cao xuống trúng đầu mà bị chấn thương nặng, thậm chí có người đã tử vong. Có người thì trong khi leo xuống giếng bị trượt chân rơi giữa chừng đã trở nên tàn phế, phải ngồi xe lăn.

Ngoài việc xảy ra do đất đá rơi trúng, thợ đào giếng còn có thể gặp các rủi ro khác như giếng bị lở và bị đất đá vùi lấp. Trước đây, thợ đào giếng còn bị ngạt khi leo xuống giếng do thiếu không khí. Hiện nay, hầu hết thợ đào giếng chuyên nghiệp đều “thủ sẵn” máy bơm ôxi mỗi khi xuống giếng nên hạn chế được rủi ro. Không ít lần ông Keh cũng chứng kiến những tai nạn thương tâm của thợ đào giếng.

Bữa cơm đạm bạc đẫm nhọc nhằn của những người thợ đào giếng.

Bữa cơm đạm bạc đẫm nhọc nhằn của những người thợ đào giếng.

Để đảm bảo an toàn, có một nguyên tắc mà bất kỳ người thợ đào giếng thuê nào cũng phải luôn ghi nhớ, đó chính là sự cẩn trọng từ khâu chuẩn bị đến khi hoàn tất công việc.

Đặc biệt, những người thợ đào giếng như ông Keh rất ngại khi nhận đào lại những cái giếng cũ bởi có thể bị lở và đất đá vùi lấp. “Lớp đất quanh những cái giếng cũ thường bị ngâm nước quá lâu nên nhão. Nếu đào không cẩn thận thì người thợ sẽ trả giá bằng cả sinh mạng!”, ông Nguyên cho hay.

Ông Keh cho biết để giữ chất lượng giếng không bị sụt lún, ông không có bí quyết gì đặc sắc nhưng cách ông làm luôn hiệu quả. Cách đáy giếng khoảng 2m, ông đào cái miệng hẹp dần theo chiều đi xuống đáy.

Ở tầng đất thịt như ở các vùng đồng bằng, đất có độ dính cao nên chu vi vành ngoài tính từ trên xuống đáy luôn bằng nhau. Ở vùng đất đá sỏi trộn lẫn này, kết cấu đất rời rạc nên chu vi đáy luôn phải nhỏ hơn chu vi miệng giếng. Sau đó, cần phải dầm mạnh nền đáy để tạo thành cái vách vững chắc giữ cho đất khỏi sụt gây lở làm mất nước.

Gần nửa cuộc đời đào giếng thuê, ông Keh đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm và luôn dùng kinh nghiệm của mình tư vấn chọn vị trí đào tốt nhất để có nguồn nước. Suốt 27 năm đào giếng thuê, gia sản mà ông có được cũng chỉ là những đứa con đã trưởng thành. Ông Keh dự định: “Khi nào con gái út của tôi học ra trường, thì tôi sẽ quyết định không làm nghề đào giếng nữa!”.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.