| Hotline: 0983.970.780

Hiến đất, xây cầu ở Hậu Thạnh Đông

Thứ Sáu 01/08/2014 , 08:15 (GMT+7)

Do đặc thù của xã thuộc vùng Đồng Tháp Mười, hằng năm thường xuyên bị ngập lũ nên cơ sở vật chất về cầu đường giao thông không đảm bảo theo yêu cầu đặt ra.

Xã Hậu Thạnh Đông (huyện Tân Thạnh, Long An) là một trong những xã thuộc vùng Đồng Tháp Mười, hằng năm thường xuyên bị ngập lũ nên cơ sở vật chất về cầu đường giao thông không đảm bảo theo tiêu chí Chương trình NTM đặt ra. Thế nhưng mới đây, Hậu Thạnh Đông đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM.

KHÔNG TIẾC ĐẤT

Nói đến những khó khăn trong việc xây dựng NTM ở Hậu Thạnh Đông thì không thể không nhắc đến việc xây dựng tiêu chí giao thông. Do đặc thù của xã thuộc vùng Đồng Tháp Mười, hằng năm thường xuyên bị ngập lũ nên cơ sở vật chất về cầu đường giao thông không đảm bảo theo yêu cầu đặt ra.

Trước tình hình này, tỉnh Long An đã ban hành Quyết định 68/2012QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ vốn ngân sách cho các công trình xây dựng đường liên ấp, liên xã. Theo đó, ngân sách cấp 49%, số còn lại vận động người dân đóng góp.

Năm 2013, xã Hậu Thạnh Đông được cấp kinh phí 7 tỷ đồng cho các công trình cầu đường, số cần vận động dân đóng góp là 8 tỷ đồng (bao gồm cả hiến đất, ngày công…).

Nhờ vận động tốt, nhiều người dân ở Hậu Thạnh Đông đã tích cực tham gia hiến đất làm đường. Tiêu biểu như bà Lê Thị Mành (ấp Hoàng Mai), người đã hai lần hiến đất cho địa phương để thực hiện các công trình dân sinh trong xã.

Vào những năm 2000, khi xã có chủ trương xây dựng tuyến kênh nội đồng phục vụ nhu cầu tưới tiêu trong xã, gia đình bà đã hiến gần 5.000 m2 đất để tuyến kênh được khơi thông. Đến năm 2014, chủ trương đắp đê xây dựng đường giao thông liên ấp, một lần nữa gia đình bà lại được vận động hiến đất để mở đường.

Bà Mành tâm sự: "Toàn bộ ruộng lúa nhà tôi chạy song song với con đường nên diện tích đất bị mất cộng lại tới 3.000 m2, nhưng xã lại khó khăn không có kinh phí để đền bù. Khi bắt đầu làm đường, nghĩ tới số đất bị mất tôi cũng nóng ruột lắm, định không cho làm nữa.

Nhưng rồi mấy anh con trai trong nhà động viên nên tôi đã đồng ý. Bây giờ, con đường đã hoàn thành, tận mắt mỗi ngày nhìn các cháu học sinh đi học về, bà con đi lại dễ dàng, xe mua lúa cho nhà tôi cũng đậu sát ruộng nên tôi không hối tiếc với quyết định của mình".

Đặc biệt ở Hậu Thạnh Đông, câu chuyện những người nông dân không bị mất đất tự nguyện góp tiền lại để hỗ trợ một phần thiệt hại cho những hộ mất đất là việc chưa có tiền lệ. Ở ấp Hoàng Mai nếu như người dân nào thuộc khu vực làm đường, đắp đê nằm trong diện phải hiến đất có diện tích lớn thì sẽ được các hộ dân có quyền lợi trực tiếp trong khu vực đứng ra chia sẻ, đền bù. 

Ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch UBND xã Hậu Thạnh Đông, cho biết, tùy theo diện tích được nằm trong khu vực hưởng lợi từ công trình mà mỗi hộ đóng góp, tính ra bình quân từ 200.000 - 300.000 đồng/hộ.

Chính những hành động cụ thể và thiết thực trên đã thể hiện sự đồng lòng, chung tay góp sức của nhân dân với chính quyền địa phương trong việc xây dựng NTM.

CHUNG SỨC XÂY CẦU

Không chỉ thực hiện tốt việc hiến đất làm đường, người dân xã Hậu Thạnh Đông còn nhiệt tình tham gia đóng góp vật tư, công sức cùng chính quyền địa phương trong việc xây những cây cầu kiên cố.

Cây cầu treo Hậu Thạnh Đông được thực hiện với tổng vốn hơn 1,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 735 triệu đồng, còn lại là nguồn vốn huy động trong dân cùng với các nhà hảo tâm đóng góp.

Ngoài ra, người dân còn đóng góp hàng nghìn ngày công lao động vào việc xây cầu ròng rã hơn 2 tháng. Ngày cây cầu được khánh thành cũng là ngày người dân sống trong niềm hân hoan, lạc quan về một diện mạo quê hương mới.

Để có được những kết quả và sự thuận lợi như trên, ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ: Các chủ trương, chính sách liên quan đến xây dựng NTM đều được phổ biến sâu rộng trong cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân thông qua các cuộc họp dân ở các ấp, cũng như qua hệ thống loa truyền thanh trên địa bàn xã.

Việc triển khai xây dựng NTM được chính quyền và các đoàn thể lồng ghép trong tất cả các cuộc họp dân ở các ấp. Thông qua đó người dân nắm bắt được Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã và cùng thảo luận, bàn bạc để cùng nhau thực hiện. Kể từ đó người dân tham gia rất nhiệt tình và có nhiều sáng kiến, đóng góp cho chính quyền cùng thực hiện tốt chương trình này.

Đến thời điểm hiện tại, Hậu Thạnh Đông đã hoàn thành 19 tiêu chí, trở thành 1 trong 8 xã đầu tiên đạt chuẩn NTM của tỉnh Long An.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Ninh Bình phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Bình luận mới nhất