| Hotline: 0983.970.780

Hiến kế gỡ khó nền kinh tế

Thứ Hai 04/11/2013 , 09:57 (GMT+7)

Đa số ý kiến cho rằng cần đầu tư trọng điểm vào nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy chính quyền và phải gắn cương vị, quyền hạn với nghĩa vụ, trách nhiệm nhiều hơn nữa...

Tâm huyết, trăn trở tìm lối ra cho nền kinh tế, nhiều đại biểu QH đóng góp giải pháp tháo gỡ khó khăn cùng Chính phủ. Đa số ý kiến cho rằng cần đầu tư trọng điểm vào nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy chính quyền và phải gắn cương vị, quyền hạn với nghĩa vụ, trách nhiệm nhiều hơn nữa…

Kỷ cương hành chính chưa nghiêm

Lo lắng trước những hạn chế yếu kém của bộ máy chính quyền, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đặt vấn đề tại sao cùng một tác động của môi trường quốc tế như nhau nhưng kết quả khắc phục suy thoái kinh tế ở một số nước trong khu vực lại tích cực hơn Việt Nam.

Ví dụ, dự báo tốc độ tăng trưởng của Indonesia là 5,7% trong khi lạm phát của họ dự báo 4,7%. Philippines dự báo tốc độ tăng trưởng 7% nhưng lạm phát chỉ có 3%. Như vậy, các điều kiện khách quan gần tương tự nhau, vấn đề là những nguyên nhân chủ quan.

"Kỷ cương hành chính chưa nghiêm, công tác kiểm tra, giám sát còn nhiều yếu kém, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành. Một bộ phận cán bộ, công chức suy thoái không làm tròn trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân". Ông Hùng nói.

Cụ thể về hiệu quả quản lý của ngành Ngân hàng, ông Hùng dẫn chứng Báo cáo của Viện kiểm sát đề cập khá nhiều vụ án ở lĩnh vực này. Nợ xấu cơ bản vẫn còn bởi theo thông tin của báo chí trong thời gian vừa qua chỉ có 5 ngân hàng giảm được nợ xấu còn lại nợ xấu vẫn tăng và tốc độ tăng của nợ xấu cao hơn nhiều so với tăng của mức tăng tín dụng. Ngoài ra, trong nhóm tăng nợ xấu nhóm 5 là nhóm không có khả năng hoàn vốn lại là nhóm cao nhất.

Sự ra đời của công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng gọi tắt là VAMC, được ví von như một bác sĩ chữa bệnh nhưng quá đông bệnh nhân. Quá tải nợ xấu khiến ĐB Hùng phải băn khoăn: “Chúng ta mua nợ xấu, mà chưa rõ sẽ bán như thế nào”.

Để tháo gỡ nút thắt hiệu lực quản lý, ĐB Hùng đề xuất: Thứ nhất, là phải nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy bằng cách gắn cương vị quyền hạn với trách nhiệm, nghĩa vụ. Thứ hai, cần đổi mới công tác cán bộ, tuyển dụng người có năng lực, có đạo đức. Thứ ba, cần phải tiếp tục thực hiện Nghị Quyết 35 của QH về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

“Kỳ họp trước chúng ta đã lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, cử tri đánh giá rất cao và cũng đặt niềm tin. Tôi nghĩ chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu để thực hiện một cách có hiệu quả hơn”.

Cần nâng tổng vốn đầu tư xã hội

Đồng thuận với nhóm giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện 3 đột phá chiến lược của Chính phủ, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục ổn định lạm phát ở mức thấp, bởi niềm tin không chỉ xây dựng trong 1 hay 2 năm mà phải trong nhiều năm.

Để làm được điều đó Chính phủ phải chặt chẽ trong chính sách tài khóa, thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi tiêu thường xuyên và chi tiêu dùng nhiều hơn nữa để có tiền chi cho đầu tư phát triển. Nhưng, cũng theo ông Ngân, điều quan trọng nhất là phải nâng được tổng vốn đầu tư ngoài xã hội.

Như kế hoạch của Chính phủ đưa ra là để đạt được tốc độ tăng trưởng 5,8% trong năm 2014, sẽ phải huy động được tổng vốn đầu tư xã hội là 1.240.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thứ nhất là nguồn vốn đầu tư nước ngoài 270.000 tỷ, là nguồn vốn khả thi bởi vì trong những năm qua chúng ta liên tục giải ngân được ở mức 11, 12 tỷ đô la.

Nguồn vốn thứ hai khoảng 450.000 tỷ từ khu vực nhà nước, khu vực công, nguồn vốn này cũng khả thi khi thông qua kế hoạch ngân sách năm 2014 và kế hoạch phát hành trái phiếu 170.000 tỷ cho 3 năm.

Riêng nguồn vốn thứ ba từ khu vực dân doanh, theo kế hoạch phải huy động được 520.000 tỷ đồng, đây là một con số rất cao bởi vì 3 năm qua chúng ta chỉ huy động được 400.000 tỷ.

“Làm sao huy động được nguồn vốn 520.000 tỷ tại khu vực nhân dân. Tôi nghĩ con số này rất khó, do đó tôi rất mong Chính phủ đặc biệt quan tâm đến những giải pháp một cách căn cơ, cụ thể hơn, có thể có một nghị quyết để ngăn chặn đà suy giảm”, ông Ngân kiến nghị.

Tín dụng cho doanh nghiệp nông nghiệp

Cùng ý tưởng phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, huy động vốn đầu tư xã hội, nhiều ĐB khác cho rằng 9 tháng đầu năm 2013, các doanh nghiệp đang đối mặt nhiều khó khăn hơn mặc dù tăng trưởng tín dụng tăng 6,8% và lãi suất vay có giảm.


Vốn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hiện rất khó khăn (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khó tiếp cận vốn vay do không đáp ứng được quy định về tài sản bảo đảm. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp nông nghiệp, như sản xuất cá tra ở ĐBSCL, một ngành sản xuất quan trọng đóng góp chính vào ngân sách địa phương và giải quyết phần lớn lao động, hiện nay đã rơi vào tình hình ngày càng khó khăn hơn lại thêm gánh nặng lãi suất các năm qua kéo dài.

Nông nghiệp được xem cứu cánh nền kinh tế nhưng cũng là lĩnh vực mang tính rủi ro cao, đòi hỏi Chính phủ có chính sách phù hợp để thu hút vốn doanh nghiệp tích cực tham gia ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp cũng như chính sách đối với nông dân tham gia. Theo ĐB Trần Văn Quý (Nghệ An), ngoài việc hỗ trợ tín dụng cần tăng thêm các biện pháp đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp như:

- Tạo rào cản kỹ thuật phù hợp với quy định của quốc tế để các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều điều kiện tham gia cạnh tranh trên thị trường. Có nhiều cơ hội thắng thầu trong các dự án, công trình có vốn ngoại.

- Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc liên doanh để thực hiện các dự án, công trình lớn, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, tạo nhiều việc làm cho người lao động.

- Thành lập Hội nội địa hóa để tạo ra sự liên kết các nhà sản xuất trong nước chế tạo, cạnh tranh với thị trường nước ngoài, tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động trong nước.

- Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp có đủ điều kiện, thế mạnh để đầu tư xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Nhưng nhà nước cần yêu cầu một số doanh nghiệp trong nước đột phá trong các khâu mà nền kinh tế đang cần như sản xuất, thiết bị phụ trợ, hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ để tiến tới làm chủ công nghệ từ sản xuất và cung cấp ra thị trường trong nước phải xuất khẩu.

Ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư: Báo cáo của Chính phủ không tô hồng

Về cách tính GDP,đại biểu Lê Bá Thuyền cho rằng, dự báo GDP của năm 2013 tăng 5,4% là màu hồng quá. Tôi có thể khẳng định con số này là dự báo của cả năm 2013 nhưng đến hết tháng 9/2013 theo công bố số liệu thống kê chúng ta đạt 5,14%, như vậy cao hơn một chút so với 9 tháng năm 2012 (5,1%).

Tôi cho rằng con số này là khiêm tốn và hoàn toàn có căn cứ đạt được dù đây là thách thức đối với điều hành của Chính phủ cũng như nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương. Nếu các chính sách của chúng ta tốt, đi vào cuộc sống và hoạt động có hiệu quả thì chúng ta có thể đạt 5,4%. 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Nợ xấu đã giảm

Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các tổ chức tín dụng có cơ chế mới trong việc cơ cấu lại các khoản nợ. Đến nay tổng số nợ mà các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại cho các khách hàng vay đã lên tới trên 300.000 tỷ đồng. Nói một cách khác chiếm cỡ khoảng hơn 10% tổng dư nợ.

Trong số này có tới khoảng 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại nợ thì đã trở thành nợ xấu. Nếu chúng ta không cơ cấu lại nợ cho các tổ chức tín dụng theo phương án và cơ chế Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thì nợ xấu của chúng ta đã tăng thêm trên 6%.

Trong năm 2012 toàn hệ thống ngân hàng đã trích lập và xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro là khoảng 70.000 tỷ. Trong 9 tháng đầu năm nay đã trích lập và xử lý nợ xấu thêm 32.000 tỷ nữa, theo kế hoạch trong năm nay chúng tôi cũng sẽ trích lập và xử lý nợ xấu bằng nguồn này khoảng 70.000 tỷ. Như vậy nếu căn cứ vào các con số mà chúng ta đã tiến hành xử lý nợ xấu trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013 xấp xỉ 100.000 tỷ.

Đến nay, từ khi bắt tay chính thức vào mua nợ xấu thì công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC đã mua được 10.000 tỷ nợ xấu. Như vậy, cộng lại tất cả những con số mà chúng ta đã triển khai có thể thấy rằng nếu như chúng ta không triển khai các giải pháp nêu trên thì nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã tăng thêm khoảng 10%.

Với việc mua bán nợ của công ty VAMC thì trực tiếp chúng ta không có sử dụng tiền ngân sách. Thông qua hoạt động của VAMC thì thứ nhất các doanh nghiệp cũng sẽ có điều kiện thuận lợi hơn, tất cả các khoản nợ được VAMC mua lại đều không tính thành nợ xấu cho doanh nghiệp. Do vậy doanh nghiệp có điều kiện để tiếp cận được với nguồn vốn mới của các tổ chức tín dụng.

Đến nay bằng việc mua nợ xấu thông qua việc phát hành trái phiếu đặc biệt thì các trái phiếu đặc biệt này các tổ chức tín dụng có thể tái chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước, để có thể thu được tối đa đến 70% giá trị của khoản nợ, có thêm nguồn vốn phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước.

Về mặt vĩ mô chúng tôi cho rằng quy mô hoạt động của công ty VAMC sẽ cố gắng phấn đấu để trong năm nay mua được cỡ khoảng 30 - 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Và trong cả năm 2014 con số này có thể lên đến 100 - 150 nghìn tỷ. Khi có một thị trường mua bán nợ xấu tập trung như vậy sẽ tạo ra hoạt động của thị trường tốt hơn.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm