| Hotline: 0983.970.780

Hiến kế hạ nhiệt giá thực phẩm

Thứ Ba 19/07/2011 , 08:49 (GMT+7)

Chiều qua (18/7), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp bàn biện pháp kéo giá nông sản xuống, đặc biệt là giá thực phẩm, vốn đã tăng mạnh trong thời gian qua.

* Ngân hàng "ngại" cho vay nông nghiệp

Chiều qua (18/7), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp bàn biện pháp kéo giá nông sản xuống, đặc biệt là giá thực phẩm, vốn đã tăng mạnh trong thời gian qua.

Tháng 8 trở đi, giá thực phẩm sẽ hạ 10- 15%

Theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), tổng sản lượng thịt hơi các loại SX trong cả nước 6 tháng đầu năm đạt khoảng 2,46 triệu tấn, tương đương với 1,68 triệu tấn thịt xẻ, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2010. Về mặt lý thuyết, ông Giao cho rằng, nguồn cung như vậy là cân đối với lượng tiêu thụ, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, cũng theo người đứng đầu ngành chăn nuôi, giá các sản phẩm chăn nuôi nói chung, đặc biệt là giá thịt lợn, có sự biến động lớn. “Giá liên tục tăng và tăng cao” là cụm từ mà ông Giao sử dụng để nói về sự biến động lớn với mức tăng từ 54% đến 71% trong thời gian vừa qua. Nguyên nhân của việc tăng giá, cũng theo lý giải của lãnh đạo Cục Chăn nuôi, là do cung không đủ cầu, chứ không như tin đồn ban đầu là do Trung Quốc thu mua ồ ạt.

Ngoài ra, ngành chăn nuôi trong nước cũng liên tiếp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tai xanh giữa năm 2010, LMLM đầu năm 2011 dẫn đến số lượng đầu lợn giảm 3,7%, đặc biệt đàn lợn nái giảm đến gần 9%. Thêm nữa, chăn nuôi giữa các vùng không đồng đều, các hộ nhỏ lẻ “treo” chuồng vì tâm lý lo ngại dịch bệnh, đầu ra không ổn định, giá nhân công, thức ăn chăn nuôi và giá giống tăng vọt cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung bị hạn chế. “Một vấn đề quan trọng nữa là nông dân khó tiếp cận với vốn vay của các tổ chức tín dụng, sự chênh lệch lớn về giá giữa nơi SX và khâu lưu thông khiến cho chăn nuôi bị hạn chế và giá bị đẩy lên cao”, ông Giao nói.

Tuy vậy, theo dự báo của ngành chăn nuôi, với nhu cầu thực phẩm của các tháng cuối năm khoảng 2,5 triệu tấn, thì nguồn cung trong nước chắc chắn sẽ đảm bảo. Cụ thể là nguồn cung thịt và trứng gia cầm tương đối dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Nguồn cung thịt lợn sẽ tăng khoảng 5- 6% bởi vì trong 2 tháng gần đây, lợn giống cung ứng ra thị trường tăng 15-17%. Thêm nữa, thị trường thức ăn chăn nuôi cũng tăng trưởng đến 10%. “Không xa, chỉ trong tháng 8 tới đây, chúng tôi cho rằng giá thực phẩm sẽ thiết lập mặt bằng mới, thấp hơn khoảng 10-15% so với 6 tháng đầu năm”, ông Giao khẳng định trước Bộ trưởng.

Đối với nguồn rau xanh, theo Cục Trồng trọt, nguồn cung trong tháng 6 vừa qua bị hạn chế, giá bị đẩy lên cao là do ảnh hưởng của thời tiết nên diện tích giảm. Tuy nhiên, ông Phạm Đồng Quảng, Cục phó Cục Trồng trọt cho rằng, các vùng rau xanh tập trung trong cả nước hiện đang đẩy mạnh gieo trồng, giá rau xanh sẽ hạ nhiệt và ổn định hơn trong thời gian tới.

Nhanh chóng tăng đàn gia súc, gia cầm

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, giá thực phẩm biến động lớn trong thời gian qua chủ yếu do nguồn cung hạn chế và mang tính chất thời điểm. Tuy nhiên, điều này cũng gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, một phần nguyên nhân đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, trực tiếp là rào cản những nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Vụ phó Vụ Chính sách tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, so với cuối năm 2010, đến nay, tín dụng dành cho nông nghiệp đã tăng 3 lần so với tỷ trọng một số ngành kinh tế khác. Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chính sách tái cấp vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, chỉ đạo các ngân hàng thương mại lập đề án cho vay. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nên độ rủi ro khi cho vay nông nghiệp cũng cao, nhiều ngân hàng vì thế “ngại” cho vay lĩnh vực này.

Để hạ nhiệt giá nông sản nói chung, giá thực phẩm nói riêng, nhiều ý kiến tại hội nghị đã được đưa ra. Theo bà Nguyễn Thị Miêng, Cục phó Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, biện pháp cần thiết đầu tiên là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách ưu tiên riêng cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi, như khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho các trang trại chăn nuôi tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.

Đồng quan điểm trên, ông Hoàng Kim Giao cho biết, qua khảo sát của Cục Chăn nuôi trong những ngày vừa qua, nhiều chủ trang trại cho hay không thể vay được vốn ngân hàng để tái đàn và nâng cao số lượng gia súc, gia cầm. Do đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên vốn cho ngành chăn nuôi. Song song với cung ứng vốn, ông Giao đề nghị Cục Thú y cần đẩy mạnh công tác phòng và chống dịch. Về phần mình, Cục Chăn nuôi sẽ phối hợp với các địa phương áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tăng đàn, tăng tỷ lệ đẻ, tỷ lệ nuôi sống và tăng hệ số vòng quay để đảm bảo tốt nguồn cung.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, việc ổn định và hạ nhiệt giá thực phẩm cần phải được thực hiện rốt ráo, đảm bảo cả lợi ích của người chăn nuôi và người tiêu dùng. Để làm được điều này, các cơ quan chuyên môn của Bộ phải theo dõi sát diễn biến của thị trường để có giải pháp phù hợp. Về vốn, Bộ sẽ hoàn thiện và ban hành thông tư hướng dẫn quy mô trang trại mới để tiếp cận với nguồn vốn cho SX của các tổ chức tín dụng.

“Phải tiếp tục tìm mọi giải pháp để tăng nguồn cung thực phẩm trong nước. Kiên quyết khống chế, xử lý các ổ dịch để người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, cần ưu tiên phát triển chăn nuôi ngắn ngày để kéo giá thực phẩm ổn định càng nhanh càng tốt”, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.