| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả cánh đồng mẫu lớn

Thứ Tư 25/03/2015 , 09:50 (GMT+7)

Vụ ĐX 2014-2015, tỉnh Bình Định đã xây dựng được 163 cánh đồng mẫu lớn (CĐML) với diện tích hơn 6.752 ha, có gần 40.500 hộ nông dân tham gia.

SX trên những CĐML, nông dân vừa được tiếp thu tiến bộ KHKT, vừa giảm chi phí đầu vào, năng suất tăng cao, hiệu quả kinh tế nhìn thấy rõ rệt.

Điều đáng ghi nhận là dù gặp không ít khó khăn về thời tiết bất lợi; về nhận thức, tiếp thu tiến bộ KHKT của nông dân không đồng đều, trong khi số lượng hộ nông dân tham gia ở mỗi cánh đồng khá đông, trung bình từ 250 - 300 hộ/1 cánh đồng 50 ha, thế nhưng ngành nông nghiệp Bình Định đã tỏ rõ sự quyết tâm khi trong vụ ĐX này số lượng CĐML đã tăng hơn so vụ ĐX năm trước.

Về cây lúa, vụ ĐX 2014-2015 Bình Định đã xây dựng được 148 CĐML, tăng 26 cánh đồng so vụ ĐX 2013-2014, với diện tích hơn 6.349 ha, có gần 38.800 hộ tham gia.

Về hình thức liên kết SX giống lúa gắn với thu mua sản phẩm có 31 cánh đồng, tăng 2 cánh đồng so cùng kỳ.

14 CĐML diện tích 1.014 ha áp dụng phương thức canh tác lúa cải tiến SRI do Tổ chức Phát triển Hà Lan tài trợ với 4.272 hộ nông dân các huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn và Phù Cát tham gia.

Ngoài ra, Bình Định còn xây dựng được 62 cánh đồng tiên tiến (diện tích nhỏ hơn 30 ha/cánh đồng) với gần 5.100 hộ tham gia và 15 CĐML cây màu, tăng 2 cánh đồng so kế hoạch, với diện tích hơn 403 ha, 1.629 hộ tham gia.

Trong đó có 1 mô hình liên kết SX lạc theo chuỗi gắn với bao tiêu sản phẩm lạc tươi với 50 ha, có 241 hộ tham gia tại huyện Phù Cát. Với năng suất ước đạt 50 tạ/ha, diện tích lạc trong mô hình sẽ cho sản lượng 250 tấn.

Với mức giá tối thiểu 9.300 đ/kg lạc tươi thì lợi nhuận từ mô hình sẽ đạt 514.000.000 đ/50 ha, cao hơn ngoài mô hình 79.000.000 đ/50 ha.

“Với 50 ha lạc liên kết SX gắn tiêu thụ với doanh nghiệp Tất Thắng ở Tây Nguyên, chúng tôi bố trí SX rải vụ tại 3 xã Cát Hiệp, Cát Trinh và Cát Tài để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu mua, bởi năng lực thu mua của doanh nghiệp chỉ từ 10 - 20 tấn/ngày.

Trong vụ lạc ĐX vừa qua, doanh nghiệp liên kết liên tục cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra cánh đồng lạc và đánh giá rất khả quan.

Ngoài ra, tại Phù Cát còn có 5 CĐML trồng lạc xen sắn với diện tích 250 ha, 546 hộ nông dân tham gia. Đây là CĐML SX cây trồng cạn với phương thức xen canh bền vững, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn nhiều so với trồng lúa”, ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết.

Hiện nay, các CĐML SX lúa ở Bình Định đang ở giai đoạn trỗ, chắc xanh; lúa sinh trưởng phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh, dự kiến năng suất sẽ cho cao hơn vụ ĐX năm trước.

“Mô hình CĐML SX lúa giống đã áp dụng các tiến bộ KHKT một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, nâng cao năng suất bình quân trong toàn vùng, làm tăng chất lượng lúa, giúp ngành nông nghiệp Bình Định tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu thông qua việc tăng cường liên kết 4 nhà, SX và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng. Đồng thời làm giảm giá thành SX, tăng lợi nhuận cho nông dân”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định khẳng định.

Những cánh đồng liên kết SX được đánh giá là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, đồng thời tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp, chính quyền, nông dân và cán bộ kỹ thuật khá chặt chẽ.

Hầu hết các CĐML ở Bình Định đều đảm bảo mục tiêu chuyển giao tiến bộ KHKT đến nông dân và làm giảm được chi phí đầu vào, năng suất và lợi nhuận tăng vượt trội so với ruộng ngoài mô hình.

Bà Nguyễn Thị Tố Trân, GĐ Trung tâm KN-KN Bình Định cho biết: “Năng suất lúa các CĐML ở Bình Định trong vụ ĐX này ước đạt bình quân 75,6 tạ/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình 8,6 tạ/ha.

Đối với những cánh đồng liên kết SX lúa giống có lợi nhuận ước đạt gần 24.700.000 đ/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình 17.500.000 đ/ha.

Những cánh đồng được xây dựng với mục tiêu chuyển giao tiến bộ KHKT có lợi nhuận ước đạt gần 13.400.000 đ/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình hơn 6.100.000 đ/ha. Với tổng diện tích CĐML vụ ĐX này tại Bình Định sẽ có số lợi nhuận tăng thêm khoảng hơn 60,77 tỷ đồng”.

Để kích thích phát triển CĐML, Bình Định đã hỗ trợ 30% kinh phí tập huấn, hội thảo, 70% kinh phí còn lại do địa phương và doanh nghiệp tham gia đảm nhận.

Những doanh nghiệp liên kết SX gắn bao tiêu lúa giống sẽ cung ứng cho nông dân giống, phân bón, đến kỳ thu hoạch sẽ trừ vào sản phẩm mà không tính lãi, giá thu mua được tính 1 kg lúa giống bằng 1,3 kg lúa thịt.

Mô hình nào mang tính chất trình diễn các giống lúa, ngô mới, hộ nông dân tham gia sẽ được hỗ trợ kỹ thuật và giảm giá giống từ 5.000 - 10.000 đ/kg.

Ông Vũ Xuân Nguyên, TCty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An cho biết: “Trong vụ ĐX này, chúng tôi đã SX 200 ha lúa giống VT- NA2 tại xã Phước Sơn (Tuy Phước) và 50 ha tại xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn).

Trong thời gian tới, nếu HTXNN nào tại Bình Định có nhu cầu mở rộng CĐML, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia với phương thức cho nông dân vay không tính lãi giống và phân bón đến thu hoạch mới thu hồi”.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất