| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ cận nghèo

Thứ Tư 25/03/2020 , 13:35 (GMT+7)

Trước đây, khi các hộ nghèo được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về tín dụng thì hộ cận nghèo lại chưa được thụ hưởng.

Buổi giao dịch của Ngân hàng Chính sách tại xã Cát Khánh.

Buổi giao dịch của Ngân hàng Chính sách tại xã Cát Khánh.

Những hộ cận nghèo thường không có tiềm lực về kinh tế, thiếu vốn sản xuất nên họ chưa có điều kiện thoát nghèo.

Do vậy, mở rộng và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là rất cần thiết để người dân thoát nghèo bền vững. 

Hiện ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo rất mong manh. Với phương thức làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, phụ thuộc nhiều vào thời tiết thì đôi khi, chỉ sau một đợt dịch bệnh, thiên tai, có người đau ốm hoặc con cái đi học là hộ vừa thoát khỏi diện nghèo không còn vốn để đầu tư sản xuất.

Đến khi đáo hạn, nếu ngân hàng thu hết cả nợ gốc lẫn lãi, đối tượng này sẽ không còn nguồn để tái đầu tư nên rất dễ tái nghèo. Sau gần 6 năm triển khai, chính sách tín dụng này góp phần giải cơn “khát” vốn của nhiều hộ cận nghèo trên địa bàn huyện.

Bà Nguyễn Thị Loan ở thôn Thắng Kiên, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định) cho biết: Năm 2018, gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo thu nhập bấp bênh, “khát vốn” được chính quyền, hội đoàn thể xem xét, cho vay 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phù Cát để mua 2 con bò sinh sản.

Đến nay, gia đình đã có 5 con bò và đã thoát nghèo bền vững, có điều kiện  sắm sửa các vật dụng thiết yếu cho gia đình.

Hay bà Phạm Thị Kim Dung ở thôn Long Hậu xã Cát Thắng, năm 2017, gia đình được vay 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phù Cát để mua 3 con bò sinh sản. Đến nay, gia đình bà đã có 7 con bò.

Chương trình cho vay hộ cận nghèo ngay từ khi mới triển khai đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã có sẵn các điểm giao dịch ở cấp xã nên khâu khảo sát, giải ngân cho vay rất thuận lợi, qua kiểm tra các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và bước đầu phát huy hiệu quả.

Cùng đó, công tác triển khai cho vay được tiến hành chặt chẽ, Phòng Giao dịch đã khảo sát số hộ cận nghèo trên địa bàn, nắm bắt nhu cầu vay của người dân để xây dựng kế hoạch tín dụng phù hợp.

Thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn các tổ chức hội, đoàn thể để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại xã; bảo đảm các chỉ số giải ngân, thu nợ, thu lãi tại điểm giao dịch xã, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân.

Ngoài ra, Phòng Giao dịch còn phối hợp với các hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, ban giảm nghèo xã, thị trấn, tổ tiết kiệm và vay vốn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng hộ cận nghèo, tham gia bình xét kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Ngày 31/12/2019, tổng dư nợ chương trình tín dụng hộ cận nghèo của Phòng Giao dịch đạt gần 129 tỷ đồng với 2.500 hộ đang vay vốn.

Để đồng vốn chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn, ngành liên quan cần tiếp tục định hướng, hướng dẫn hộ vay cách làm kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với địa phương và nhu cầu thị trường.

Các hội, đoàn thể, ban giảm nghèo, tổ tiết kiệm và vay vốn cũng phải tích cực kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn; kịp thời bình xét cho những hộ khó khăn có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế gia đình.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.