| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả công trình sáng tạo

Thứ Tư 27/06/2012 , 10:24 (GMT+7)

Công trình này đã đem lại lợi ích lớn, đạt giải Ba trong hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp Quốc gia.

Sở KH-CN tỉnh Nghệ An vừa tổ chức công bố kết quả sáng tạo kỹ thuật trong hợp phần thiết kế đập phụ, kênh tiêu của dự án thuỷ lợi Bản Mồng. Công trình này đem lại lợi ích lớn, đạt giải Ba trong hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp Quốc gia.

Hệ thống công trình thuỷ lợi Bản Mồng được Chính phủ phê duyệt báo cáo đầu tư từ đầu năm 2005. Năm 2007 Bộ NN-PTNT chính thức giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý đầu tư & xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) lập dự án đầu tư.  Cty CP Tư vấn thuỷ lợi 2 (HEC 2) lập dự án công trình phần đầu mối, Cty CP Tư vấn thuỷ lợi Nghệ An lập dự án hợp phần trạm bơm.

Các hạng mục chính bao gồm: Đập chính ngăn nước sông Hiếu để tạo hồ chứa tại bản Mồng, thuộc xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, kết hợp phát điện 42 MW, xây dựng 41 trạm bơm dọc sông để cấp nước cho 30.500 ha đất canh tác ở các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn. Mực nước dâng bình thường (MNDBT) của hồ ở cao trình 83,00 m.

Thạc sĩ Trần Văn Minh, Phó GĐ Ban 4 cho biết: "Tôi là người được giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, phối hợp chuẩn bị đầu tư của Bộ NN-PTNT trong việc thẩm định dự án hệ thống công trình thuỷ lợi Bản Mồng, do vậy ngay từ đầu tôi đã nghiên cứu rất kỹ. Ngày 22/6/2007 lần đầu tiên các phương án thiết kế công trình đã được báo cáo tại tỉnh Nghệ An do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Ngọc Thuật chủ trì.


Nhóm tác giả Trần Hữu Lực, Trần Văn Minh, Nguyễn Quang Hoà và Nguyễn Trí Đức nhận giải Ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn Quốc

Thành phần trong buổi báo cáo này, ngoài các đơn vị tư vấn thiết kế còn có Cục Quản lý xây dựng công trình, UBND tỉnh Nghệ An, Sở NN-PTNT... Các đơn vị tư vấn trình bày vẫn giữ nguyên nhiệm vụ như trong báo cáo đầu tư. Tuy nhiên về diện tích tưới qua kiểm tra chỉ đạt 28.000 ha, do vậy hội thảo đã thống nhất hạ MNDBT xuống 2 m (ở cao trình 81,00 m là đủ).

Do nghiên cứu kỹ nên tại buổi báo cáo, tôi đã gửi cho tất cả các thành viên mỗi người một bản kiến nghị. Thứ nhất là xây lắp các tuyến kênh vượt sông để tưới cho 12.000 ha, đồng thời mở thêm được khu tưới 2.000 ha tại các xã Nghĩa Xuân và Minh Hợp. Thứ hai, nếu các cơ quan tư vấn và Bộ vẫn thống nhất để MNDBT ở cao độ 81,00 m thì số dân phải di dời khỏi khu vực công trình là 3.200 hộ, 14 km đường QL 48 và toàn bộ xã Châu Bình bị chìm ngập".

Để tránh được thiệt hại, ông Minh đề ra giải pháp đắp đập phụ ngăn nước hồ Bản Mồng và đào một tuyến kênh dẫn nước từ sông Cô Ba đổ về hạ lưu đập. Thực hiện sáng kiến này, đơn vị tư vấn HEC 2 đã tiếp thu tính toán lại, tuy nhiên trong quá trình thiết kế, do thiếu tài liệu khảo sát nên phương án đã không có sức thuyết phục. Cục trưởng Cục Quản lý XDCT Hoàng Văn Thắng (nay là Thứ trưởng Bộ NN-PTNT ) đã đề xuất giải pháp điều chỉnh quy mô công trình thành 2 giai đoạn. Trong đó hạ MNDBT xuống cao độ 76,40 m ở giai đoạn 1 và bổ sung xây dựng 6 hồ chứa trên thượng lưu ở giai đoạn 2. Phương án này đã được Bộ và lãnh đạo tỉnh Nghệ An chấp thuận.

Sau khi dự án đầu tư chính thức được phê duyệt, ông Minh vẫn cảm thấy băn khoăn vì khi lòng hồ tích nước thì số dân di dời là 1.250 hộ. Trong đó riêng xã Châu Bình vẫn phải di dời 12 bản, 773 hộ dân (3.254 nhân khẩu). Ngoài ra 215 ha ruộng lúa 2 vụ và toàn bộ cơ sở hạ tầng như trụ sở ủy ban xã, trường học, nhà văn hoá, bưu điện, trạm điện và 4 km QL 48 đi qua xã này cũng bị ngập chìm...

Chính vì vậy ông Minh lại đến xã Châu Bình để tiếp tục nghiên cứu và tìm tòi thêm số liệu. Mỗi lần gặp ông, Chủ tịch xã Lữ Kim Duyên lúc nào cũng than thở: "Xã ta từ bao đời nay đang yên ổn làm ăn, quê hương mỗi ngày mỗi đổi thay, vậy mà bây giờ chỉ vì có con đập mà cả xã phải rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn, nghĩ mà xót xa lắm cán bộ Minh ạ…". Nghe vậy, nhưng ông Minh cũng chẳng biết nói gì hơn. Bởi công việc đang ngổn ngang ngập đầu mà kết quả thì chưa có "bến bờ neo đậu".

Phát biểu tại buổi giao lưu công bố kết quả sáng tạo của nhóm tác giả, ông Lang Văn Chiến- Bí thư Huyện uỷ Quỳ Châu xúc động: Hiệu quả của đề tài hợp phần đập phụ và kênh tiêu đã tiết kiệm được nguồn ngân sách như báo cáo là rất lớn. Thế nhưng, lợi ích lớn không thể tính toán được là toàn bộ cơ sở hạ tầng của xã Châu Bình cùng 585 hộ dân không phải di dời. Bởi nếu không có sự sáng tạo kỹ thuật của Hội Thuỷ lợi Nghệ An thì không biết đến bao giờ xã này mới có lợi ích lớn như hôm nay.

"Chuyện lúc đó buồn lắm, bởi sau khi nghiên cứu kỹ các số liệu, tôi đã lập báo cáo sơ lược điều chỉnh tối ưu giải pháp công trình Bản Mồng gửi giám đốc Ban 4, thế nhưng vẫn không được chấp thuận và được phân công làm việc khác. Lúc này tôi đã trao đổi và xin ý kiến ông Nguyễn Quang Hoà- GĐ Trung tâm tư vấn ứng dụng KH-KT & công nghệ thuỷ lợi Nghệ An và ông Trần Hữu Lực- Phó GĐ Sở NN-PTNT kiêm Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Nghệ An. Họ rất tâm huyết với đề tài này nên đã tiến hành cho thành lập nhóm tác giả để tìm giải pháp công nghệ mang tên “Hợp phần đập phụ và kênh tiêu Châu Bình, giảm thiệt hại di dân tái định cư, cơ sở hạ tầng, nâng cao hiệu quả đầu tư dự án hồ chứa nước Bản Mồng’’, ông Minh kể.

Qua nhiều cuộc hội thảo khoa học tiếp theo, Bộ NN-PTNT mới chính thức phê chuẩn chấp thuận các giải pháp do nhóm tác giả của Hội Thuỷ lợi Nghệ An tính toán. Kết quả hợp phần đập phụ và kênh tiêu đã bảo vệ được toàn bộ cơ sở hạ tầng cho xã Châu Bình, kể cả diện tích 2 vụ lúa 215 ha cũng không bị ngập, và số dân không phải di dời tại xã này là 585/773 hộ.

Theo tính toán, kinh phí khi đắp đập phụ và đào kênh tiêu ngập cho xã Châu Bình hết 825 tỷ đồng, trong khi đó nếu không có phản biện thì kinh phí di dời GPMB tại xã Châu Bình là 899 tỷ đồng. Như vậy hiệu quả của dự án sáng tạo đã tiết kiệm được nguồn kinh phí xây dựng công trình 74 tỷ đồng. Cụm đầu mối thuộc giai đoạn 1 đã được khởi công từ ngày 30/5/2010, tổng mức xây dựng công trình 4.455 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất