| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT

Thứ Sáu 21/06/2013 , 10:52 (GMT+7)

Theo bà Atsuko Toda, Giám đốc Chương trình quốc gia của IFAD, từ năm 1993, IFAD có mặt tại Việt Nam và thực hiện nhiều dự án giảm nghèo tại 11 tỉnh.

Sau 20 năm có mặt tại Việt Nam, Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) đã trợ giúp hiệu quả cho cộng đồng nông dân Việt Nam tại các vùng nghèo.

Theo nghiên cứu của IFAD, 73% cộng đồng sống ở vùng triển khai dự án có mức sống nghèo khó. Người nghèo ở vùng nông thôn của Việt Nam nhìn chung là sống ở các bản, vùng xa xôi, hẻo lánh; mức độ tiếp cận giao thông và giao tiếp xã hội hạn chế. Họ phải đối mặt với những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Các hộ nghèo thường có nhiều người sống phụ thuộc hơn, đặc biệt là trẻ em và người già. Đó còn là những đối tượng không có hoặc có ít đất canh tác.

Nghiên cứu của tổ chức này cũng chỉ ra, có sự khác biệt lớn giữa các vùng về phân bố nghèo đói. Các vùng có tỷ lệ nghèo tương đối cao nhất là vùng Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, ven biển Trung Bộ và vùng Đông Bắc Bắc Bộ.

Theo bà Atsuko Toda, Giám đốc Chương trình quốc gia của IFAD, từ năm 1993, IFAD có mặt tại Việt Nam và thực hiện nhiều dự án giảm nghèo tại 11 tỉnh. IFAD phục vụ và hợp tác với những người nghèo nhất ở Việt Nam, trong đó bao gồm người dân tộc thiểu số, những người nông dân làm ăn nhỏ lẻ và các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ.

IFAD là một cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc, thành lập năm 1977, hoạt động như một thể chế tài chính quốc tế, là quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp, ưu tiên cho các dự án sản xuất lương thực tại các nước đang phát triển như Việt Nam.

Các chiến lược nhằm giảm nghèo và cải thiện điều kiện sống bao gồm xây dựng quan hệ đối tác, tăng cường năng lực thể chế và thúc đẩy sự tham gia của người dân. IFAD phối hợp với chính quyền và các đối tác khác nhằm trao quyền cho người nghèo để họ có thể có vai trò trong quá trình ra quyết định.

“Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi cấp vốn cho các chương trình và dự án với trọng tâm là xây dựng và thử nghiệm các cách tiếp cận mới trong giảm nghèo mà chính quyền và các cơ quan khác có thể nhân rộng. Các biện pháp can thiệp được thực hiện phù hợp với từng khu vực cụ thể và mang tính đa ngành. Các can thiệp đó nhằm vào các khu vực mà ở đó giảm nghèo là một ưu tiên”, bà Atsuko Toda cho biết.

Đặc biệt, nội dung mà IFAD chú trọng là cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân, cung cấp các dịch vụ để giúp giảm nghèo theo định hướng thị trường và lồng ghép các cách tiếp cận, phương pháp theo định hướng thị trường vào các thể chế của khu vực công ở nông thôn.

Tính đến nay, các dự án được IFAD đã hoàn thành tại Việt Nam bao gồm: Dự án Đa dạng hóa thu nhập nông thôn ở tỉnh Tuyên Quang; Dự án Bảo tồn và Phát triển tài nguyên nông nghiệp ở tỉnh Quảng Bình; Dự án Phát triển nông thôn ở Hà Tĩnh; Dự án Quản lý Tài nguyên có sự tham gia tại Tuyên Quang; Dự án Phát triển người dân tộc thiểu số ở tỉnh Hà Giang.

Ông Phan Thanh Biển, Giám đốc Dự án cải thiện sự tham gia thị trường của người nghèo ở Hà Tĩnh đánh giá, những chương trình, dự án giảm nghèo bền vững của IFAD có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh cả nước đang chung tay xây dựng nông thôn mới và thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. 

Chương trình hội thảo do Viện Chính sách và chiến lược NN-PTNT (Ipsard) và IFAD tổ chức mới đây tại Hà Nội cũng tổng kết và giới thiệu hoạt động của các dự án IFAD tại Việt Nam, qua đó chia sẻ kinh nghiệm của IFAD trong việc thúc đẩy hợp tác nông nghiệp và phát triển nông thôn, cũng như công tác giảm nghèo trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững…

Việc phân tích và tổng kết các bài học kinh nghiệm rút ra từ các dự án sẽ tạo điều kiện để IFAD cũng như Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách học tập, rút kinh nghiệm và thể chế hóa chính sách giảm nghèo theo định hướng thị trường.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.