| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả kinh tế vượt trội khi dùng đèn LED đánh bắt hải sản xa bờ

Thứ Tư 13/09/2023 , 07:36 (GMT+7)

Việc ứng dụng công nghệ đèn LED trong đánh bắt hải sản xa bờ là giải pháp hữu hiệu giúp ngư dân cả về hiệu quả kinh tế và môi trường.

Hải Phòng là địa phương có lượng tàu đánh bắt hải sản xa bờ lớn. Đến nay, hầu như các tàu đều sử dụng đèn LED. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng là địa phương có lượng tàu đánh bắt hải sản xa bờ lớn. Đến nay, hầu như các tàu đều sử dụng đèn LED. Ảnh: Đinh Mười.

Là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, Hải Phòng có số lượng tàu thuyền hoạt động khai thác thủy sản lớn khá lớn. Trong đó, số lượng tàu khai thác xa bờ có chiều dài cơ sở trên 15m là 357 tàu. Trước đây, cơ bản các tàu đều trang bị đèn Siu, còn gọi là đèn cao áp, có công suất rất lớn lên tới 1.000 - 1.500 W/bóng.

Để phục vụ cho việc dẫn dụ cá, tôm, trung bình mỗi tàu chài chụp thường phải sử dụng 50 - 450 đèn/tàu. Việc trang bị số lượng đèn lớn cũng có nghĩa là chi phí bỏ ra cao. Đây là áp lực không nhỏ đặt lên vai ngư dân trước mỗi chuyến đi biển.

Ông Bùi Văn Nam, trú tại Cát Bà, chủ tàu HP 90799-TS cho biết, trước đây, trước khi đóng tàu vỏ sắt, gia đình ông phải lắp đặt hơn 400 bóng đèn Siu cho chiếc tàu hơn 400CV. Nếu mỗi chuyến đi biển kéo dài 20 ngày thì mỗi tháng tàu sẽ tiêu tốn khoảng 40.000 lít dầu, tương đương khoảng 650 triệu đồng.

Không chỉ tiêu tốn nhiên liệu, chi phí lắp đặt loại đèn này cũng rất cao vì chúng có tuổi thọ rất thấp, khi phải sử dụng liên tục trong môi trường nước biển có độ mặn cao, dòng điện từ máy phát không ổn định, thời gian sử dụng thực tế chỉ được 4 - 6 tháng.

Tuy nhiên, từ khi đóng tàu mới công suất 829CV và lắp đèn LED, mọi thứ được cải thiện. Việc sử dụng đèn LED đã giúp gia đình ông tiết kiệm dầu máy, giảm chi phí cho mỗi chuyến đi biển, tăng hiệu quả khai thác, đánh bắt thủy hải sản an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường.

“Hệ thống đèn LED có nhiều ưu điểm nổi bật hơn so với đèn cao áp truyền thống, cường độ sáng tốt hơn và ổn định hơn; độ bền cao hơn; cùng số lượng bóng đèn như nhau nhưng đèn LED có độ chiếu xa tốt hơn đèn cao áp 20%, diện tích chiếu sáng có ích lớn hơn khoảng 44%, dễ dàng sử dụng, tiết kiệm nhiên liệu”, ông Nam chia sẻ.

Đối với ngư dân đi ra biển, thiết bị chiếu sáng là một trong những yếu tố rất quan trọng. Ảnh: Đinh Mười.

Đối với ngư dân đi ra biển, thiết bị chiếu sáng là một trong những yếu tố rất quan trọng. Ảnh: Đinh Mười.

Từng tham gia nghiên cứu về lĩnh vực này, TS Nguyễn Phi Toàn, Viện Nghiên cứu Hải sản cho biết, sau khi có kết quả nghiên cứu, giải pháp đã được áp dụng cho nhiều tàu trong cả nước.

Đối với các loại đèn truyền thống có công suất lên tới 1.200W, tiêu tốn rất nhiều năng lượng và nhiên liệu sử dụng. Đây là một nhược điểm gây tốn kém chi phí sản xuất của ngư dân, giá trị kinh tế mang lại không cao.

Còn công nghệ đèn LED giúp có thể tiết kiệm lên đến 80% năng lượng, chỉ cần sử dụng đèn với công suất 200 - 300W là có thể có độ sáng ngang bằng hoặc hơn đèn truyền thống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tiết kiệm hơn từ 5 - 6 lần năng lượng tiêu thụ, ngư dân có thể bám biển dài ngày hơn, giúp giá trị kinh tế của mỗi chuyến đi biển cao hơn.

Về hiệu quả khai thác, đánh bắt thủy hải sản, trong khi đèn cao áp thông thường không sử dụng chóa, chỉ có thể tập trung cá ở tầng nước mặt. Đèn LED sử dụng chóa đèn đảm bảo hướng quang trên cả bề mặt và tầng nước sâu hơn.

Ngoài ra, ánh sáng của loại đèn này phát ra không làm cho cá hoảng sợ, dễ dàng soi thấy cá dưới biển và giúp phân biệt được các loại cá cùng nhiều thủy sản tốt hơn. Nhờ vậy, việc ứng dụng đèn LED vào đánh bắt xa bờ cho hiệu quả khai thác và đánh bắt hơn hẳn trước đây.

Đèn LED không chứa các hóa chất độc hại, đảm bảo an toàn cho môi trường nước. Đồng thời, kết cấu hiện đại giúp giảm lượng khí thải CO2 và không khí đảm bảo độ trong lành cho môi trường, nhất là môi trường không khí và nước.

Hiệu quả khai thác hải sản tốt hơn khi ngư dân sử dụng đèn LED. Ảnh: Đinh Mười.

Hiệu quả khai thác hải sản tốt hơn khi ngư dân sử dụng đèn LED. Ảnh: Đinh Mười.

Đèn LED đánh cá hiện đại không phát xạ tia cực tím (UV), tia hồng ngoại (IR), giúp bảo vệ da, bảo vệ sự an toàn cho các thuyền viên là những người hoạt động thường xuyên dưới đèn. Công nghệ này rất an toàn cho người sử dụng, trong khi các loại đèn thông thường tỏa ra một lượng nhiệt lớn và chứa tia UV ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, gây bỏng da, khô da, rụng tóc, thậm chí gây ung thư.

Theo TS Toàn, chi phí trung bình của chuyến biển đối với tàu lưới chụp sử dụng đèn LED chỉ bằng khoảng 66,95% so với tàu sử dụng đèn truyền thống nên lợi nhuận trung bình chuyến biển của tàu lưới chụp sử dụng đèn LED cao hơn 1,73 lần. Đây là khoản lợi nhuận tiết kiệm chi phí từ nhiên liệu chạy máy phát điện và tăng sản lượng đánh bắt trong chuyến biển.

Về đầu tư mới từ ban đầu, nguồn vốn cho hệ thống ánh sáng đèn LED 250 bóng công suất 200 W/bóng chỉ bằng khoảng 50,8% so với kinh phí đầu tư hệ thống ánh sáng 250 bóng đèn cao áp 1.000 W/bóng.

Nếu chỉ tính phần tiết kiệm tiền dầu chạy máy phát điện và chi phí sửa chữa thay thế thì tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư của bóng đèn LED đạt 7,67%/tháng. Thời gian thu hồi vốn khoảng 13,03 tháng.

“Với việc chuyển đổi công nghệ từ hệ thống đèn cao áp truyền thống sang đèn LED đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất của đội tàu, nâng cao thu nhập cho cộng đồng ngư dân làm nghề lưới chụp, giảm tác hại đến môi trường…, từng bước phát triển nghề cá theo hướng bền vững”, TS Toàn chia sẻ.

Một chuyến đi biển bội thu của ngư dân ở ngư trường Bạch Long Vỹ. Ảnh: Đinh Mười.

Một chuyến đi biển bội thu của ngư dân ở ngư trường Bạch Long Vỹ. Ảnh: Đinh Mười.

Theo số liệu thống kê, hiện tại, cả nước có khoảng 2.776 tàu thuyền làm nghề lưới chụp khai thác hải sản, trong đó có 2.264 tàu khai thác ở vùng khơi. Thực tế sản xuất đến thời điểm hiện tại đã có nhiều tàu lưới chụp của các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Thuận ứng dụng đèn LED vào sản xuất đem lại hiệu quả cao.

Đối với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, với số lượng tàu làm nghề lưới chụp như hiện nay và chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất thì đây là cơ hội để các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất có thể tiếp cận để sản xuất, kinh doanh.

Trên cơ sở đề cương của các dự án nghiên cứu đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tiến hành lựa chọn các địa điểm chuyển giao giải pháp dùng đèn LED vào thực tiễn sản xuất tại các tỉnh/thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Bình Thuận.

Trong quá trình chuyển giao công nghệ cho cộng đồng ngư dân, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông, phòng NN-PTNT các quận/huyện tại các địa phương chuyển giao. Ngoài ra, Viện cũng đã hợp tác với các doanh nghiệp để cung cấp thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và truyền thông trong suốt quá trình chuyển giao.

Kết quả đã được kiểm nghiệm cho thấy, lượng dầu tiêu hao trung bình của tàu sử dụng đèn LED 18,14 lít/giờ, chỉ bằng 57,97% so với lượng dầu tiêu hao trung bình của tàu sử dụng đèn MH là 31,29 lít/giờ. Khi sử dụng đèn LED để khai thác hải sản đã tiết kiệm lượng nhiên liệu chạy máy phát điện khoảng 42,03% (khoảng 12,88 lít/h) so với sử dụng đèn MH.

Bên cạnh đó, năng suất khai thác trung bình của tàu lưới chụp sử dụng đèn LED đạt 160,5 kg/mẻ, cao hơn tàu lưới chụp sử dụng đèn MH khoảng 1,27 lần. Doanh thu của tàu lưới chụp sử dụng đèn LED cao hơn khoảng 1,02 lần so với tàu sử dụng đèn MH.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TN-MT đề xuất công khai tên người bỏ cọc trúng giá đất

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đề xuất công khai tên các trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc.