Từ khi thành lập đến nay, hệ thống khuyến nông từ cấp tỉnh đến cơ sở đã không ngừng củng cố để hoàn thiện cả về số lượng lẫn chất lượng, mạnh về tổ chức, giỏi về chuyên môn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác khuyến nông.
Mô hình nuôi ong mật chất lượng cao tại xã Tử Nê, Tân Lạc, Hòa Bình |
Minh chứng cho điều đó, năm 2018 Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình đã triển khai nhiều mô hình, dự án đem lại hiệu quả cao và có tính lan rộng trong nhân dân, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp.
Năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình đã bám sát chủ trương của Sở NN-PTNT, phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, các cơ quan liên quan và Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm các huyện thực hiện tốt công tác chỉ đạo sản xuất. Lực lượng khuyến nông đã bám sát cơ sở để hướng dẫn bà con kỹ thuật phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra tình hình sản xuất gieo trồng đúng thời vụ; thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ dịch hại trên các loại cây trồng đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất, sản lượng cao.
Về công tác xây dựng mô hình, dự án khuyến nông: Năm 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, Trung tâm khuyến nông tỉnh Hòa Bình đã triển khai 4 mô hình dự án, với tổng kinh phí khoảng 1,23 tỷ đồng, gồm:
Dự án Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, quy mô 36 ha với 20 hộ tham gia thực hiện tại xã Tân Thành, huyện Lương Sơn và xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi; sử dụng các giống keo lai BV10, BV16, BV32;
Dự án nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên, quy mô 200 đàn ong nội với 10 hộ tham gia thực hiện tại xã Tử Nê, huyện Tân Lạc và xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy; đàn ong sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 100%, sản lượng mật cho khai thác trung bình 1,6 kg/đàn/lần quay;
Mô hình nuôi cá lăng trong lồng, quy mô 200m3 với 4 hộ tham gia thực hiện tại xã Bình Thanh và Thung Nai, huyện Cao Phong; cá lăng khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh, tỷ lệ sống cao đạt 92%, kích cỡ cá trung bình đạt 1,5kg/con, năng suất 13,8kg/m3, sản lượng đạt 2.760kg;
Dự án vỗ béo bò thịt, quy mô 205 con bò với 70 hộ tham gia, sau 3 tháng vỗ béo, đàn bò tăng trọng bình quân 730g/con/ngày, cho thu lợi nhuận từ 1,5 – 2 triệu đồng/con.
Song song với mô hình khuyến nông Trung ương, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình đã thực hiện 5 mô hình từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, bao gồm: Mô hình nuôi lợn bản địa, thực hiện tại xã Pà Cò (huyện Mai Châu), quy mô 60 con với 20 hộ tham gia; Mô hình cải tạo đàn dê theo hướng chuyên thịt, thực hiện tại hai xã Cao Dương và Tân Thành (huyện Lương Sơn), quy mô 12 dê đực giống với 48 hộ tham gia; Mô hình nuôi lợn bản địa, thực hiện tại xã Pù Bin và Noong Luông (huyện Mai Châu), quy mô 60 con lợn giống sinh sản với 30 hộ tham gia; Mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh cây bưởi theo hướng VietGAP, thực hiện tại xã Bắc Sơn (huyện Kim Bôi), quy mô 1,5ha với 10 hộ tham gia; Mô hình trồng và thâm canh cây bưởi đỏ, thực hiện tại xã Do Nhân (huyện Tân Lạc), quy mô 2ha với 15 hộ tham gia…
Ngoài ra, Trung tâm phối hợp với Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) xây dựng và chuyển giao kỹ thuật sấy, bảo quản và xử lý nấm mốc nguyên liệu mây, tre cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ. Chương trình đang nhận được sự quan tâm lớn của các cấp chính quyền, hứa hẹn mở ra hướng tiếp cận mới để khai thác tốt hơn tiềm năng phát triển lâm nghiệp của các địa phương trong tỉnh.
Về công tác đào tạo, tập huấn: Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình đã ký hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức 3 lớp tập huấn ToT về kỹ thuật nông – lâm – thủy sản với 90 học viên là cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, cộng tác viên khuyến nông và tổ chức 7 lớp tập huấn ngoài mô hình. Phối hợp với Viện Lâm sinh tổ chức 1 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn một số loài cây bản địa và 1 lớp tập huấn cho nông dân và cán bộ khuyến nông về quản lý rừng keo.
Trung tâm cũng phối hợp UBND các xã, thị trấn tổ chức 7 lớp đào tạo nghề lao động nông thôn gồm: 1 lớp dạy nghề nuôi thủy sản nước ngọt; 2 lớp nghề nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; 1 lớp dạy nghề sản xuất lâm nghiệp; 1 lớp dạy nghề trồng rau an toàn và nhóm cây gia vị; 2 lớp dạy nghề nuôi gà thả vườn đồi. Việc triển khai thực hiện các lớp nghề thường xuyên nhận được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương và sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân. Hơn nữa công tác dạy nghề đã giúp các hộ dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm để áp dụng thực tế vào gia đình mình để đạt hiệu quả cao.
Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2018, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình thực hiện các nhiệm sau: - Bám sát đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh đến năm 2020, chiến lược phát triển, các quy hoạch của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, của các địa phương và nhu cầu của nông dân để lựa chọn nội dung hoạt động khuyến nông. - Tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật thúc đẩy mô hình nhân ra diện rộng. - Mở rộng và cải tiến các kênh thông tin tuyên truyền để chuyển tải đầy đủ, kịp thời chính xác thông tin cần thiết đến người dân. - Huy động tối đa các nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến nông. - Củng cố hoàn thiện hệ thống, tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông đáp ứng với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. |