| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản phụ thuộc vào người nuôi

Thứ Hai 05/08/2024 , 06:47 (GMT+7)

QUẢNG NINH Để phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản, giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ sản xuất, vai trò quan trọng nhất chính là sự chủ động của các hộ nuôi.

Người nuôi tôm cần chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người nuôi tôm cần chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện, toàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 32.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó riêng nuôi tôm là 7.500 ha.

Vừa qua, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng, đặc biệt vào đợt nắng nóng xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ lẻ tại TX Quảng Yên, huyện Đầm Hà, TP Móng Cái.

Trong tháng 7, có gần 10ha nuôi tôm bị nhiễm bệnh (gồm 7,14ha bị nhiễm EHP tại Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái; 2,41ha bị nhiễm bệnh đốm trắng tại Hạ Long, Đầm Hà, Quảng Yên, Móng Cái và 0,26ha nuôi tôm bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy tại Hạ Long, Quảng Yên).

Đến hết tháng 7, Quảng Ninh có trên 32ha nuôi tôm và 4000 con giống cá biển bị nhiễm bệnh. Cụ thể, 31ha nuôi tôm bị nhiễm bệnh gồm 17ha bị nhiễm EHP; 7,4ha bị đốm trắng; 4,7ha bị hoại tử gan tụy tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh và 3ha nuôi tôm quảng canh bị nhiễm bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô tại Móng Cái; 4000 con giống cá biển bị nhiễm bệnh hoại tử thần kinh tại TX Quảng Yên, huyện Vân Đồn.

Trước tình hình thời tiết còn những diễn biến phức tạp, dễ nảy sinh các nguy cơ dịch bệnh, để phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ sản xuất, vai trò quan trọng nhất chính là sự chủ động của các hộ nuôi.

Đối với các cơ sở, các hộ nuôi chưa xảy ra dịch bệnh, phải thực hiện đầy đủ quy trình đảm bảo nuôi an toàn, chỉ mua giống tôm ở những cơ sở uy tín, được kiểm dịch và được xét nghiệm PCR, đảm bảo không có mầm bệnh ngay từ đầu vào.

Trong quá trình nuôi, phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, những dấu hiệu bất thường khi nảy sinh, nhất là những nơi hạ tầng nuôi chưa hoàn thiện, đồng thời phải chuẩn bị đầy đủ thức ăn, thuốc thú y, không sử dụng sản phẩm trôi nổi.

Tôm là đối tượng nuôi chủ lực tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tôm là đối tượng nuôi chủ lực tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đối với cơ sở đã bị dịch bệnh, phải cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, trung thực tới chi cục chăn nuôi và thú y, cũng như chính quyền sở tại để có các biện pháp hỗ trợ, nhanh chóng khoanh vùng xử lý dập dịch, giảm tối đa thiệt hại và không ảnh hưởng tới các hộ nuôi lân cận. Tập trung xử lý môi trường đầm nuôi, giám sát môi trường đầm nuôi đảm bảo an toàn mới tiến hành tái sản xuất.

Theo ông Vương Văn Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, đơn vị thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh. Đối với nuôi biển, người nuôi cần giữ môi trường nuôi sạch sẽ, lựa chọn con giống đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch, lưu ý mật độ nuôi để đảm bảo sức tải môi trường.

Với những ao, đầm có dịch bệnh, cần chốt chặn nước, xử lý nước bằng chlorine 30ppm đủ thời gian quy định sau đó mới xả nước ra môi trường. Người nuôi không được vứt xác thủy sản chết, bị bệnh ra môi trường, không xả thải nước từ ao nuôi bị bệnh sang các vùng nước khác.

Chi cục khuyến cáo người nuôi thả giống theo đúng quy hoạch, khung thời vụ, thường xuyên theo dõi, báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện dịch bệnh. Đồng thời, chính quyền địa phương cần theo dõi kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh tại các vùng nuôi trọng điểm, từ đó kịp thời khuyến cáo người dân.

Cần tổ chức kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh con giống thủy sản trên địa bàn, tuyên truyền tập huấn cho người dân bảo vệ môi trường, phòng trị bệnh, bao vây và xử lý kịp thời các ổ dịch, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi, góp phần bảo vệ và phát triển ngành thủy sản.

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Thủ phủ hoa cúc miền Trung sẵn sàng cho thị trường Tết

Quảng Ngãi Năm nay thời tiết không có mưa lũ lớn nên các vườn hoa phát triển tốt. Người dân kỳ vọng sắp tới thị trường, giá cả ổn định để có một cái Tết đầm ấm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.