| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả siết chặt tôm - lúa

Thứ Tư 29/06/2011 , 10:37 (GMT+7)

Thời gian qua do người dân chạy theo con tôm, không tuân thủ lịch thời vụ nên môi trường bị suy thoái, dịch bệnh gia tăng. Chính vì vậy Kiên Giang đã siết chặt lịch thời vụ tôm – lúa và đã đạt được hiệu quả cao.

Thời gian qua do người dân chạy theo con tôm, không tuân thủ lịch thời vụ nên môi trường bị suy thoái, dịch bệnh gia tăng. Chính vì vậy Kiên Giang đã siết chặt lịch thời vụ tôm – lúa và đã đạt được hiệu quả cao.

Tỉnh Kiên Giang có diện tích nuôi tôm sú luân canh trên nền đất lúa hơn 65.000 ha, chiếm khoảng 80% tổng diện tích nuôi tôm sú toàn tỉnh. Diện tích này chủ yếu tập trung ở các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng (thuộc vùng U Minh Thượng). Đây là mô hình sản xuất được đánh giá phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên trong khu vực và được đông đảo bà con nông dân tham gia.

Tuy nhiên, thực tế qua hơn 10 năm chuyển đổi từ hình thức canh tác lúa kết hợp với nuôi cá đồng sang hình thức luân canh tôm - lúa, đời sống của đại bộ phận nông dân vùng U Minh Thượng đã có nhiều thay đổi, đời sống kinh tế phát triển rõ rệt.

Mô hình tôm – lúa cũng được đánh giá là đem lại hiệu quả hơn (cả về kinh tế lẫn môi trường sinh thái) so với độc canh cây lúa hoặc chuyên canh tôm theo hình thức quảng canh cải tiến. Vì sau mỗi vụ nuôi tôm, đất được bổ sung thêm một lượng chất hữu cơ rất lớn, giúp cây lúa phát triển tốt mà không cần phải bón phân nhiều. Ngược lại, cây lúa lại giúp làm sạch môi trường, tạo điều kiện cho các sinh vật phù du phát triển, làm nguồn thức ăn cho tôm.

Thực tế cho thấy, nơi nào có làm lúa thì tôm nuôi sẽ phát triển nhanh và ít dịch bệnh hơn. Tuy nhiên, để mô hình này mang lại hiệu quả cao thì ngoài việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, người nuôi cần phải bố trí mùa vụ thả tôm giống và gieo cấy lúa thật phù hợp.

Từ thực tế đó, hằng năm, Sở NN-PTNT Kiên Giang đều xây dựng lịch thời vụ thả tôm cũng như canh tác lúa cho vùng lúa - tôm. Cụ thể, đối với vùng U Minh Thượng sẽ thả tôm giống từ tháng 2 đến hết tháng 3 và thu hoạch dứt điểm vụ tôm trong tháng 8. Sau đó dùng nước mưa để rửa mặn, chuẩn bị cấy lúa mùa địa phương trong tháng 8 đến đầu tháng 9 hoặc gieo sạ lúa ngắn ngày trong tháng 9 và thu hoạch dứt điểm vụ lúa vào trong tháng 1 năm sau.

Đối với khu vực ven biển vùng Tứ giác Long Xuyên, thả tôm giống từ tháng 3 đến cuối tháng 4, thu hoạch dứt điểm trong tháng 8. Chuẩn bị đất cấy lại vụ lúa mùa từ tháng 8 đến 9, gieo sạ lúa ngắn ngày trong tháng 10 và thu hoạch dứt điểm vụ lúa vào đầu tháng 2 năm sau.

Việc tuân thủ lịch thời vụ không chỉ giúp nông dân giảm được rủi ro mà còn hạn chế được tình trạng suy thoái môi trường, nhất là tình trạng đất bị nhiễm mặn ngày càng cao. Nếu người nuôi thả tôm sớm hơn so với lịch thời vụ, lúc này vẫn còn ảnh hưởng hoạt động của gió mùa đông bắc, nhiệt độ nước thấp, biên độ nhiệt dao động giữa ngày và đêm lớn, kéo theo những biến động về các yếu tố của môi trường nước, làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bình thường của tôm. Khi gặp môi trường bất lợi, tôm thường bắt mồi kém, sức đề kháng giảm… tạo điều kiện cho yếu tố mầm bệnh phát triển và gây hại.

Ngoài ra, thời điểm này trong vùng nuôi độ mặn của nước còn thấp, chưa đạt yêu cầu để tôm nuôi phát triển. Ngược lại, nếu kéo dài thời vụ thả nuôi tôm, chất lượng nước cuối vụ thường rất xấu, tôm nuôi dễ bị dịch bệnh. Hơn nữa, việc kéo dài vụ nuôi tôm sẽ làm ảnh hưởng đến vụ canh tác lúa do không đảm bảo thời gian rửa mặn triệt để, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng của cây lúa, nhất là trong giai đoạn đầu. Hoặc gieo cấy lúa trễ sẽ dẫn đến thiệt hại về năng suất, thậm chí không thể thu hoạch (lúa bị háp) do tình trạng xâm nhập mặn vào cuối vụ khi mùa mưa kết thúc.

Vụ tôm năm nay, diện tích cũng như mức độ thiệt hại của bà con nông dân Kiên Giang rất thấp, trong khi đó, nhiều tỉnh trong khu vực tôm nuôi đã bị dịch bệnh hoành hành, gây thiệt hại rất lớn.

Sản xuất theo hình thức luân canh một vụ tôm sú, một vụ lúa là mô hình mang tính đặc thù, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Do đó, đòi hỏi nông dân phải tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ, sản xuất đồng bộ theo từng tiểu vùng (sản xuất cộng đồng) nhằm hạn chế tối đa những yếu tố bất lợi.

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp bà con nông dân cố tình bố trí thả tôm trái lịch thời vụ hoặc thả nuôi nối vụ đã tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển dẫn đến mức độ rủi ro tăng cao và gây thiệt hại cho cả vụ tôm lẫn vụ lúa. Song song đó là tình trạng môi trường nuôi bị thoái hóa nhanh, việc khắc phục hiện tượng nhiễm mặn trong đất càng gặp nhiều khó khăn.

Sau đợt dịch bệnh trên vụ tôm nuôi vào năm 2008 (làm hơn 50% diện tích tôm nuôi trên nền đất lúa của tỉnh bị thiệt hại), Kiên Giang đã tăng cường quản lý chặt chẽ lịch thời vụ và đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhờ đó, tình hình dịch bệnh trên tôm đã được hạn chế.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất