| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả sử dụng vốn ODA thủy lợi

Thứ Sáu 15/08/2014 , 08:25 (GMT+7)

"Công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA phải có những thay đổi căn bản để đáp ứng yêu cầu phục vụ SX..." - ông Trần Quang Hoài, Trưởng BQL Trung ương các dự án thủy lợi chia sẻ.

“Triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đòi hỏi công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA phải có những thay đổi căn bản để đáp ứng yêu cầu phục vụ SX nông nghiệp đa dạng, hiện đại và thông minh”.

Đánh giá trên được ông Trần Quang Hoài, Trưởng Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (CPO), Bộ NN-PTNT nhấn mạnh với NNVN về nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA trong lĩnh vực thủy lợi.

Có ý kiến cho rằng, công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA phải có những thay đổi căn bản để đáp ứng yêu cầu phục vụ SX nông nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn cả nước đang triển khai xây dựng NTM. Xin ông cho biết quan điểm này?

Nông nghiệp Việt Nam có vai trò và vị thế quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều thành tựu được ghi nhận sau hơn 25 năm đổi mới trong nông nghiệp, từ một nước luôn thiếu lương thực, nước ta đã trở thành một trong những nước dư thừa gạo để xuất khẩu.

Với nhiều chủ trương, chính sách về phát triển thủy lợi, đặc biệt sau ngày thống nhất và những năm đổi mới, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia ở vùng Đông Nam Á có hệ thống thủy lợi phát triển tương đối hoàn chỉnh, với hàng ngàn hệ thống công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ để cấp nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, phòng chống lũ lụt, úng ngập, hạn hán...

Tuy vậy, công tác thủy lợi đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức: Nguồn nước ngày càng khan hiếm do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; ô nhiễm nguồn nước; thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ngày càng khốc liệt; nhiều công trình thủy lợi chưa phát huy hết tiềm năng và hiệu quả theo thiết kế;

Cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thủy lợi còn nhiều tồn tại, bất cập, mang nặng tính bao cấp, chủ yếu trông chờ từ ngân sách nhà nước; thiếu cơ chế chính sách phù hợp để tạo động lực và phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội và cộng đồng tham gia đầu tư và quản lý khai thác công trình thủy lợi.

Do vậy, trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đòi hỏi công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA phải có những thay đổi căn bản để đáp ứng yêu cầu phục vụ SX.

Xin ông cho biết cụ thể hơn về vai trò của nguồn vốn ODA trong lĩnh vực thủy lợi?

Trong điều kiện nguồn ngân sách trong nước còn nhiều khó khăn, với nhiệm vụ được giao là vận động và quản lý nguồn vốn ODA trong lĩnh vực thủy lợi; sau Dự án Khôi phục thuỷ lợi và chống lũ bằng nguồn vốn ADB đầu tiên vào năm 1994, đến nay CPO đã đảm nhận nhiệm vụ quản lý gần 20 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ADB, WB, JICA... triển khai trên hầu hết các vùng miền của Tổ quốc, góp phần nâng cấp các hệ thống công trình thủy lợi, phục vụ phát triển nông nghiệp và các ngành kinh tế  - xã hội khác, từng bước nâng cao mức đảm bảo an toàn trước thiên tai.

97150620910
Ban CPO ký kết hợp đồng gói TV1 tư vấn thiết kế và giám sát thực hiện dự án khôi phục nâng cấp thủy lợi Bắc Nghệ An ngày 8/7/2014

Các hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư bằng nguồn vốn ODA đã và đang phát huy hiệu quả một cách bền vững có thể kể đến như đê sông Hồng trên địa bàn nội thành Hà Nội; công trình thủy lợi tại một số tỉnh đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên; đảm bảo an toàn hồ chứa...

Nếu như giai đoạn trước đây, các dự án chủ yếu là tập trung vào hợp phần công trình để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thì giai đoạn hiện nay cách tiếp cận xây dựng dự án đã có chuyển biến căn bản và toàn diện hơn. Đó là quan tâm đúng mức đến hợp phần phi công trình nhằm hoàn thiện và tăng cường năng lực, thể chế tạo thành nền tảng bền vững cho phát triển.

Các nội dung dự án phải được gắn liền với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng công trình, phục vụ tái cơ cấu ngành.

Đẩy mạnh triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như từng bước nâng cấp, hoàn thiện hệ thống công trình thuỷ lợi, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn gắn với xây dựng NTM, phục vụ đa mục tiêu, thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản;

Củng cố các tổ chức quản lý công trình thuỷ lợi từ các công ty quản lý thuỷ nông đến thuỷ nông cơ sở, có sự tham gia của người dân nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, bền vững về kỹ thuật và tài chính; Nâng cao mức đảm bảo an toàn cho con người và cơ sở hạ tầng trước thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

Ứng dụng KHCN trong các lĩnh vực từ xây dựng đến quản lý, khai thác vận hành trong các hệ thống công trình tưới, tiêu, dự báo, cảnh báo, và phòng chống thiên tai;

Đào tạo và nâng cao năng lực của các cá nhân, tổ chức chuyên ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tái cơ cấu; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, thể chế chính sách, tiêu chuẩn, định mức chuyên ngành.

Nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân trong các dự án ODA thủy lợi, cần có những hoạt động cụ thể gì, thưa ông?

Nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu, yêu cầu cốt lõi trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các dự án ODA. Tuy nhiên, tùy theo từng đặc điểm và thế mạnh của từng vùng miền để lựa chọn và nhân rộng các cách làm phù hợp.

Hiện nay chúng tôi đang cùng các địa phương triển khai 38 mô hình nông nghiệp thông minh, riêng dự án WB7 có 28 mô hình trong 7 tỉnh của vùng dự án với các mục tiêu chuyển đổi phương thức SX nông nghiệp theo hướng thâm canh; chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng và thích ứng biến đổi khí hậu; đảm bảo sự ổn định của SX, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập của người nông dân từ các khâu làm đất, giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, thương hiệu và thị trường với sự vào cuộc của các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế, nhà quản lý, doanh nghiệp và người nông dân.

Đang lựa chọn, triển khai các mô hình cây công nghiệp, cây ăn quả có múi và một số cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, có thị trường, có sức cạnh tranh, có điều kiện nhân rộng, bền vững mà đặc biệt là phải tăng thu nhập cho người dân như phát triển vùng cam Hà Giang, Hoà Bình; cây cà phê, hồ tiêu vùng Tây nguyên; nuôi trồng thuỷ sản chuyên canh, bán thâm canh, mô hình tôm lúa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; quản lý hệ thống công trình thuỷ lợi, quản lý thiên tai có sự tham gia của cộng đồng.

Kết quả ban đầu, một số vùng dự án người dân đã có thu nhập cao, cá biệt có một số vùng có thu nhập rất cao như vùng trồng cam Cao Phong, tỉnh Hoà Bình có trên 1.000 ha với thu nhập bình quân đạt tới trên 500 triệu đồng/ha.

Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và kế hoạch căn cơ lâu dài là xây dựng thành công và nhân rộng mô hình ra các địa phương góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống người dân, xây dựng NTM và thực hiện thắng lợi đề án tái cơ cấu nghành nông nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.