| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả từ đào tạo nghề

Thứ Năm 27/08/2015 , 06:25 (GMT+7)

Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết được vấn đề an sinh xã hội. 

Nhiều lao động nông thôn có được việc làm ổn định, phát triển cuộc sống từ những lớp nghề được đào tạo.

Như trường hợp của anh Trần Huy Thông, nếu không được tham gia lớp đào tạo nghề sửa điện thoại tại Trung tâm Dạy nghề huyện Long Mỹ vào năm 2012 thì hiện tại anh đã không thể mở được tiệm buôn bán và sửa chữa điện thoại di động tại nhà.

Có được tay nghề vững vàng, cộng thêm tính cẩn thận và sự nhiệt tình, hằng ngày, tiệm điện thoại của anh kinh doanh khá phát đạt, thu nhập hằng tháng gần 3 triệu đồng. Anh Thông cho biết: “Trước đây, chưa được học nghề, ai thuê gì làm đó, thu nhập bấp bênh, từ khi có được cái nghề trong tay, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn”.

Không chỉ dừng lại việc mở các lớp nghề phi nông nghiệp, xã còn mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp. Trong đó, đan lát lục bình là một nghề mang lại hiệu quả ổn định, thu hút đông đảo lao động tham gia.

Theo bà Đỗ Thị Giờ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, “nghề đan các sản phẩm từ nguyên liệu lục bình ở xã đã có từ rất lâu. Nghề này cũng đã góp phần tạo thu nhập đáng kể cho người dân trong thời gian nhàn rỗi. Nhận thấy hiệu quả, xã còn thành lập HTX chuyên về đan lát lục bình, các thành viên tham gia có thu nhập từ 1,2-1,5 triều đồng/tháng”.

Nhờ nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của người dân, từ đó các ngành nghề mà địa phương tổ chức trong những năm qua đã giúp các hộ nghèo có thêm kiến thức khoa học hữu ích áp dụng vào công việc trồng trọt, chăn nuôi tại hộ gia đình khá hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Nga ở ấp 5 xã Vĩnh Thuận Đông trước kia thuộc diện hộ nghèo, nhà không có đất SX, quanh năm chỉ dựa vào một ít đất sau nhà để nuôi heo. Chị muốn nuôi heo nái để phát triển đàn, tuy nhiên không nắm chắc kỹ thuật chăm sóc nên không dám mạo hiểm.

Năm 2012, chị Nga được Trung tâm Dạy nghề huyện Long Mỹ hỗ trợ dạy nghề chăn nuôi miễn phí. Sau 2 tháng học nghề, có kiến thức, chị Nga bắt tay vào nuôi heo nái. Từ đó đến nay, bằng những kiến thức đã được học và sự cần mẫn của mình, đàn heo nhà chị Nga luôn phát triển tốt, cho những lứa heo con khỏe mạnh, cộng với khoản lãi chừng 10 triệu đồng/ lứa từ chăn nuôi heo thịt, năm 2013, gia đình đã thoát khỏi diện nghèo. Chị Nga chia sẻ: “Cũng nhờ được học nghề mà mình thoát nghèo, thật sự trước giờ không dám nghĩ, được như hôm nay tôi vui lắm”.

Nắm rõ đặc thù, thế mạnh của địa phương, trên cơ sở đó tìm ra những phương thức SX phù hợp là cách mà xã Vĩnh Thuận Đông áp dụng. Với mong muốn sớm hoàn thành Chương trình MTQG về xây dựng NTM, ngoài quan tâm đào đạo nghề, Đảng ủy, chính quyền xã đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất SX lúa kém hiệu quả sang các mô hình hiệu quả hơn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào SXNN, vận động người dân tự phát triển kinh tế theo quy mô hộ gia đình dựa trên kiến thức có được từ các lớp đào tạo nghề.

“Năm 2014, xã có 18 mô hình làm ăn có hiệu quả, trong đó có nhiều mô hình cho thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm. Đến nay, xuất hiện thêm nhiều mô hình mới như nuôi trâu, nuôi lươn, nuôi cá trong vèo và nuôi gà trên đệm lót sinh học…", ông Trần Thanh Tiền, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Đông cho biết.

 

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất