| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 30/11/2019 , 06:55 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 06:55 - 30/11/2019

Hiệu quả từ thái độ trên mạng xã hội

Gần như cùng một lúc, Công an Hà Nội sa thải đại úy Lê Thị Hiền và Công an Thái Nguyên sa thải thượng úy Nguyễn Xô Việt.

08-25-12_mng_x_hoi_1
Ảnh minh họa.

Hai cá nhân này đều có những hành vi quá khích gây rối trật tự công cộng, đã bị mạng xã hội lên án gay gắt. Ngoài sự cương quyết của cơ quan chức năng, thì hiệu quả từ thái độ trên thế giới ảo không thể nào phủ nhận.

Trường hợp đại úy Lê Thị Hiền và thượng úy Nguyễn Xô Việt bị tước quân tịch, cho ra khỏi ngành hoàn toàn không có gì oan uổng.

Hành vi ngang ngược của thượng úy Nguyễn Xô Việt ở trạm dừng nghỉ Hải Đăng vào tháng 11/2019 được giải quyết nhanh hơn vì đã có tiền lệ đại náo sân bay Tân Sơn Nhất của đại úy Lê Thị Hiền vào tháng 8/2019.

Thậm chí, khi việc xử lý sai phạm của đại úy Lê Thị Hiền có dấu hiệu chậm trễ, thì mang xã hội lại bày tỏ sự thắc mắc khá quyết liệt. Điều ấy trực tiếp cho thấy rằng, khi mạng xã hội phát huy được vai trò tích cực, thì những vụ tiêu cực không thể xoa dịu dư luận bằng cách dây dưa “để lâu phân trâu hóa bùn”.

Chỉ trong vòng 22 năm kể từ khi internet có mặt tại Việt Nam, nhiều quan hệ xã hội đã thay đổi đáng kể. Hiện nay, với hơn 60 triệu người thường xuyên tiếp cận thế giới ảo, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 toàn cầu về tỉ lệ người dân sử dụng Internet và là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới.

Đó là sự cởi mở và sự năng động của người Việt Nam thời hội nhập, mà mạng xã hội bước đầu có những tác động cực kỳ quan trọng trông việc giám sát sự ủy nhiệm quyền lực.

Mạng xã hội đã phát triển như một cái chợ trời, rao bán niềm vui, trả giá nỗi buồn, và cũng đầy rẫy những thô lỗ, tục tằn. Thế nhưng, mạng xã hội đã chứng minh được một ưu điểm là góp phần uốn nắn những hành vi ứng xử hơi xô lệch.

Mạng xã hội tạo ra sức ép dư luận buộc những cá nhân và những tổ chức có liên quan phải hành động phù hợp với chuẩn mực chung. Rất nhiều trường hợp đã cho thấy hiệu quả tích cực của mạng xã hội. Tuy nhiên, một giá trị cần tiếp tục được phát huy ở mạng xã hội chính là thái độ giám sát sự ủy nhiệm.

Người bình thường luôn phải sống theo pháp luật và đạo đức cộng đồng. Và những người được làm công việc đặc biệt hơn, như nhân viên công vụ hoặc lãnh đạo tổ chức, thì càng phải tuân thủ tuyệt đối các quy ước cao nhất về pháp luật và đạo đức.

Vì sao, vì họ đã nhận được sự ủy nhiệm quyền lực của xã hội. Khi một người đã nhận sự ủy nhiệm của xã hội, nghĩa là đồng thời được ủy nhiệm sự quản trị và ủy nhiệm sự gương mẫu.

Hai thứ gánh vác ấy phải tồn tại song song, không thể chỉ quan tâm về ủy nhiệm sự quản trị mà không chú ý về ủy nhiệm sự gương mẫu. Ủy nhiệm sự quản trị được đánh giá bởi nhiều đơn vị hành chính và đơn vị chuyên môn, còn ủy nhiệm sự gương mẫu được theo dõi bởi bá tánh, mà mạng xã hội đang giữ vai trò không thể phủ nhận.

Mạng xã hội có quá khắt khe với những người được ủy nhiệm quyền lực không? Nếu có, cũng không phải điều gì đáng sợ hãi. Cái câu cửa miệng rất xưa cũ nhưng chưa bao giờ lỗi mốt là “Bụt trên cao, gà nào mổ mắt”. Thực sự ở đẳng cấp Bụt thì không cần lo lắng mấy trò trêu chọc của đám gà.

Ngược lại, nếu chưa đạt được tầm vóc của Bụt, thì vài tiếng gáy lao xao từ phía đám gà cũng có ý nghĩa cảnh tỉnh thiết yếu. Đã là con người, ai cũng có khiếm khuyết ở mặt nọ hoặc mặt kia.

Thế nhưng, khi đã nhận sự ủy nhiệm quyền lực thì phải tích cực vận động để hoàn thiện bản thân. Dù tập thể ủy nhiệm có quy mô nhỏ hay lớn, thì người nhận ủy nhiệm sự quản trị phải biết cống hiến và nhận ủy nhiệm sự gương mẫu phải biết tu dưỡng. Đó là sự tự trọng tối thiểu đối với nghề nghiệp và đối với chính mình.

Mạng xã hội cũng chưa thanh lọc hết những biểu hiện cực đoan. Ngôn từ hàm hồ, lời lẽ miệt thị vẫn chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong các status hoặc các comment. Đôi khi cơn hào hứng thiếu kiềm chế khiến đối tượng được giám sát cảm thấy tổn thương và xúc phạm. Hạn chế ấy của mạng xã hội khó có thể khắc phục trong ngày một ngày hai, nhất là khi nhiều người vẫn tin rằng cái tài khoản ảo không ai biết được và không ai khống chế.

Trong bối cảnh nhiều bức bối và nhiều ngột ngạt, chúng ta tạm thời chấp nhận mảng tối của mạng xã hội như một nhu cầu giải tỏa nhân danh đám đông. Còn về hướng tích cực, cũng nhờ mạng xã hội mà nhiều vấn đề ít lành mạnh đã được giải quyết. Những tiếng nói thiện chí và tích cực trên mạng xã hội đã giúp tinh thần dân chủ được triển khai tương đối mạnh mẽ trong việc giám sát sự ủy nhiệm.

Mạng xã hội cũng có không ít tin giả, tin dỏm, tin gán ghép, tin bịa đặt… Thế nhưng, mạng xã hội được hỗ trợ một công cụ đồng hành cực kỳ hữu dụng chính là cái điện thoại thông minh. Lời nói thì có thể gió bay, biện giải thì có thể cãi qua cãi lại, nhưng hình ảnh và âm thanh từ clip thì rõ ràng mười mươi.

Khi ai cũng có thể dùng cái điện thoại thông minh trong tay mình để quay lại những gì xảy ra và tung lên các diễn đàn, thì có muốn “trọng cung” cũng phải thua “trọng chứng”.

Mạng xã hội giám sát sự ủy nhiệm quyền lực, quan trọng nhất vẫn nằm ở giám sát ủy nhiệm sự gương mẫu. Bởi lẽ, trình độ và năng lực chuyên môn của một người nào đó có thể có tính riêng biệt, nhưng nền tảng văn hóa phải tuân thủ khung thước cơ bản đã định vị.

Sự tham lam, sự hung hãn, sự táo tợn… vì cậy giàu, cậy mạnh ở chốn đông người đều không thể qua mắt được cư dân mạng. Mà cậy vô văn hóa để làm càn, làm quấy thì càng dễ bị mạng xã hội phát hiện dễ dàng và lên án gay gắt.

Ở vài trường hợp, cá nhân được ủy nhiệm quyền lực có thể trách giận mạng xã hội đã phũ phàng với họ. Tuy nhiên, hãy thật bình tĩnh để có được bản lĩnh tiên trách kỷ, hậu trách nhân.

Nếu một người đã được ủy nhiệm sự gương mẫu mà lại dùng sự ủy nhiệm ấy để tác oai tác quái nhằm mưu cầu lợi ích hoặc mưu cầu biệt đãi cho mình, thì đã đi ngược lại với mong muốn chung của mọi người. Được ủy nhiệm sự gương mẫu thì không thể lấy lý do gì để không gương mẫu.

Bởi lẽ, từ sự ủy nhiệm của xã hội, họ đã được gửi gắm cả uy phong lẫn hy vọng. Không thể có chuyện, một cá nhân nhận ủy nhiệm sự gương mẫu để làm họa sĩ, tham dự lễ hội của họa mi, hưởng thụ danh vọng của họa mi, đi dứng khụng khiệng của họa mi, ăn trên ngồi trước của họa mi… rồi khi bị phơi bày những sai sót và lầm lạc thì lại quay ngược 180 độ để la toáng lên với mạng xã hội rằng: “Đừng đòi hỏi gì ở tôi, tôi chỉ là một con chim sẻ!”.

Làm người, ai lại làm thế. Mà muốn làm thế cũng không yên với mạng xã hội.

Bình luận mới nhất