| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 09/12/2014 , 08:40 (GMT+7)

08:40 - 09/12/2014

Hiệu quả và lương

“Tôi rất muốn nhà khoa học được hưởng lương 100, 200, thậm chí 500 triệu đồng một tháng, nếu họ đem lại lợi ích cho xã hội”.

Đó là lời chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, tại hội nghị về công tác giống cây trồng, vật nuôi ngày 5/12 vừa qua, được nhiều cơ quan truyền thông trích dẫn.

Sở dĩ Bộ trưởng nói vậy, vì theo ông, thời gian qua, dù các đơn vị nghiên cứu nhà nước đã tạo ra được rất nhiều giống cây, con. Nhưng nhiều giống không có tính đột phá, kém bền vững.

Chia sẻ trên của vị tư lệnh ngành NN-PTNT là lời gửi gắm đầy tâm huyết đến đội ngũ các nhà khoa học. Hãy làm đi, làm hết mình, bằng lương tâm và trách nhiệm của một trí thức trước hiện tình đất nước. Và nếu anh làm ra được những sản phẩm tốt, có tính đột phá, thì nhà nước đâu có tiếc tiền đãi ngộ anh.

Nhưng thật đáng tiếc. Trong xã hội hiện nay, có không ít người trong giới khoa học lại đang đặt ra yêu cầu ngược lại: Nhà nước hãy đãi ngộ tôi bằng mức lương thật cao đi đã. Rồi tôi mới làm ra những sản phẩm tốt.

Yêu cầu đó không sai. Nhưng có điều gì đó như là sự bất mãn, lạnh lùng, kiểu “Bớt đồng thì bớt cù lao/ Bớt tiền, bớt gạo, thì tao bớt làm" - (Ca dao).

Đúng là lương của đội ngũ các nhà khoa học ở ta hiện nay còn thấp. Và ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học của nhà nước cũng chưa nhiều. Nhưng trong điều kiện đất nước còn nghèo, kinh tế chưa phát triển, ngân sách còn thiếu trước hụt sau, nên dù muốn, nhà nước cũng khó có thể làm được gì hơn.

Chính vì vậy mà tinh thần vượt khó, vượt khổ để làm ra những sản phẩm tốt, góp phần làm cho đất nước thoát nghèo, chính là điều mà nhà nước luôn luôn kỳ vọng ở các nhà khoa học. Đôi khi, sự thiếu thốn đó lại chính là “mảnh đất” để các nhà khoa học thể hiện trí tuệ Việt, tài năng Việt.

Hãy thử nhìn lại xem. Thời kháng chiến chống Pháp, kỹ sư Trần Đại Nghĩa đã chế tạo ra những loại vũ khí khiến kẻ thù bạt vía kinh hồn, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đến mức nào? Hồi ấy, Chính phủ còn phải ở lán nứa tận rừng sâu. Từ các Bộ trưởng đến CBCNV cả nước, kể cả các nhà khoa học, đều chưa ai có lương mà chỉ được nhận phụ cấp quy ra… gạo. Nếu cứ ở bên Pháp, thì kỹ sư Trần Đại Nghĩa rất dễ dàng có được một cuộc sống nhung lụa.

Hay gần đây nhất, anh “Hai lúa” Trần Quốc Hải đã chế tạo thành công xe thiết giáp cho Campuchia trong điều kiện thiếu thốn vật tư, trang thiết bị đến mức nào? Nhưng những sự đãi ngộ mà Chính phủ Hoàng gia Campuchia dành cho anh như biệt thự, xe hơi, vườn xoài…sau khi anh đã giúp họ làm ra những sản phẩm tuyệt vời, anh đều không nhận. Anh giúp nước láng giềng không phải vì tiền.

Vậy thì tiền bạc, thiếu thốn, không phải là lý do duy nhất có thể ngăn cản các nhà khoa học làm ra những sản phẩm khoa học tốt.

“Đừng đòi hỏi đất nước có thể làm cho ta được những gì, mà hãy tự hỏi ta đã làm được gì cho đất nước”. Câu nói nổi tiếng đó trong buổi lễ nhậm chức của John Fitzgerald Kennedy, vị Tổng thống thứ 35 của Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ, vào năm 1961, tính đến nay, đã trên nửa thế kỷ, nhưng vẫn không hề cũ.

Bình luận mới nhất