| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả vụ đông thấp, nông dân nhiều nơi không mặn mà

Thứ Sáu 14/09/2018 , 11:43 (GMT+7)

Vụ đông 2017, diện tích gieo trồng chỉ đạt 388.000ha (giảm 12.000ha so với năm 2016 và thấp hơn 22.000 ha so với kế hoạch đề ra). Theo nhận định của Cục Trồng trọt, vụ đông năm 2018 cũng đang đứng trước nhiều khó khăn.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị đánh giá kết quả sản xuất vụ đông năm 2017 và kế hoạch triển khai vụ đông năm 2018 các tỉnh phía Bắc, được Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức vào sáng 14/9.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị

Theo Cục Trồng trọt, nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm diện tích cây vụ đông là do điều kiện thời tiết khó khăn. Ảnh hưởng của bão số 10 vào trung tuần tháng 9/2017 đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của các cây trồng ưa ấm. So với năm 2016, diện tích cây ngô giảm 15.000 ha; cây đậu tương cũng có xu hướng giảm dần qua các năm do hiệu quả kinh tế thấp, bộ giống không đa dạng và điều kiện thời tiết bất thuận.

Ông Nguyễn Như Hải – Trưởng phòng Cây lương thực – Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) cho biết: Ngoài yếu tố bất thuận của thời tiết, vụ đông 2018 còn đối mặt với nhiều khó khăn. Giá vật tư đầu vào cho sản xuất không ổn định và luôn trong xu thế tăng dần làm cho hiệu quả vụ đông thấp. Nông dân nhiều nơi không mặn mà với vụ đông, nhất là những nơi nông dân có công việc khác thu nhập cao hơn.

Bên cạnh đó, quy mô sản xuất trong vụ đông còn nhỏ lẻ, thiếu đơn vị đầu tư và thu mua chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây trồng. Chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây trồng còn nhiều hạn chế; giá cả biến động thất thường. Các chính sách hỗ trợ phát triển cây vụ đông còn bất cập, chưa tạo nhiều động lực để đưa vụ đông thành vụ chính do kinh tế khó khăn.

Mặc dù mục tiêu về diện tích gieo trồng cây vụ đông không đạt được kế hoạch đề ra, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, tổng giá trị cây vụ đông năm 2017 vẫn tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2016. Trái cây và rau các loại được giá, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, đưa vào nhiều sản phẩm mới chất lượng, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng.

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, các địa phương cần xây dựng các mô hình thí điểm, nhân rộng các mô hình hiệu quả cao vào sản xuất. Đồng thời đa dạng hoá các loại cây trồng, bố trí cơ cấu giống, thời vụ hợp lý giữa các nhóm cây ưa ấm và cây ưa lạnh để giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất, sản lượng cây trồng vụ đông.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao giá trị cây trồng chính là “chìa khoá” để phát triển cây vụ đông ở miền Bắc

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Hà Nam, chia sẻ: Giống như nhiều tỉnh, thành phía Bắc, những năm gần đây, tình hình sản xuất vụ đông của Hà Nam rất khó khăn. Trước đây, hàng năm diện tích vụ đông của Hà Nam khoảng 22.000 ha, nhưng 2 năm trở lại đây chỉ dao động từ 10.000 – 12.000ha. Nguyên nhân chính là do sản xuất vụ đông rủi ro cao. Ví dụ, đầu tháng 10/2017, mưa ngập đã khiến khoảng 8.000 ha hoa màu (chủ yếu là sản xuất trên đất hai lúa) mới gieo trồng bị “xoá sổ” hoàn toàn. Nông dân phải trả một khoản chi phí thêm một khoản chi phí đầu tư khá lớn mới khôi phục được sản xuất.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, cây vụ đông vẫn còn nhiều đất sống, bởi giá trị cao hơn hẳn so với gieo cấy lúa. Tổng kết của Sở NN-PTNT cho thấy, trường hợp hộ nông dân thu nhập từ 60 – 100 triệu đồng là rất bình thường. Do đó, các địa phương và Trung ương cần có chính sách hỗ trợ nông dân nhiều hơn, để tạo động lực cho bà con đầu tư sản xuất vụ đông.

“Vụ đông 2018, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu phấn đấu đạt diện tích theo kế hoạch là 405.000ha (tăng 27.000 so với vụ đông năm 2017, tập trung vào một số cây trồng có giá trị kinh tế cao và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân”.


 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Gượng dậy từ gian khó

GIA LAI Trong giai đoạn ngành mía đường lao đao, giá mía giảm mạnh, nông dân quay lưng với cây mía, số nhà máy đường và diện tích mía nguyên liệu cả nước giảm đến một nửa…