| Hotline: 0983.970.780

Hiệu ứng dây chuyền sau những bài báo

Thứ Ba 21/06/2022 , 06:17 (GMT+7)

'Trong thời đại bùng nổ truyền thông, có nhiều hình thức để PR, quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Trong đó, những tờ báo chính thống, có vai trò quan trọng không thể thay thế'.

Đó là chia sẻ của cô gái trẻ Trần Mạc Vân Anh, sinh năm 1994, người sáng lập Medifood.IO, một doanh nghiệp rất mới về nông nghiệp hữu cơ. 

Làm cho mình, cho cộng đồng

Khởi nghiệp với lĩnh vực khó nhằn là nông nghiệp hữu cơ, Vân Anh đã gặp những khó khăn gì và làm thế nào để quảng bá thương hiệu, kết nối?

Vân Anh: Medifood.IO thành lập năm 2016 với vô vàn khó khăn. Khó khăn lớn nhất là tìm được một vùng đất sạch. Khó khăn lớn nữa là xưa nay, người nông dân vẫn canh tác theo kiểu "giết" môi trường và cộng đồng mà không biết hoặc không quan tâm.

Vân Anh cho biết, sau khi báo nông nghiệp đăng tải bài viết về Medifood, nhiều đối tác đã nhắn tin, gọi điện chúc mừng. Ảnh: Phúc Lập.

Vân Anh cho biết, sau khi báo nông nghiệp đăng tải bài viết về Medifood, nhiều đối tác đã nhắn tin, gọi điện chúc mừng. Ảnh: Phúc Lập.

Để người dân thay đổi thói quen canh tác nguy hại này, ngay từ những ngày đầu thành lập, bên cạnh việc đầu tư phát triển sản phẩm, tụi em đã lên kế hoạch truyền thông với thông điệp: “Làm sao để mọi người có thể tiếp cận thực phẩm tốt cho sức khỏe với giá thành tốt hơn và giúp nhà nông có cuộc sống bền vững hơn” đến với cộng đồng một cách rộng rãi.

Ở thời điểm hiện tại, đặc biệt là sau thời điểm dịch Covid-19 vừa qua, mọi người đã dần quen tiếp cận với internet. Việc tìm thông tin, mua hàng online đã nhiều hơn thì với truyền thông, báo chí là một kênh “chính thống” và có một sức ảnh hưởng nhất định đối với các thương hiệu. Nhất là đối với những tờ báo chuyên ngành. Nó góp phần lan tỏa thương hiệu để nhiều người biết đến, đặc biệt là đối tác tiềm năng. Góp phần tạo uy tín, tăng độ tin cậy của thương hiệu.

Ông Nguyễn Văn Tâm, lão nông được nhóm của Vân Anh hỗ trợ chuyển đổi vườn bưởi từ truyền thống sang hữu cơ ở Chơn Thành, Bình Phước. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Nguyễn Văn Tâm, lão nông được nhóm của Vân Anh hỗ trợ chuyển đổi vườn bưởi từ truyền thống sang hữu cơ ở Chơn Thành, Bình Phước. Ảnh: Phúc Lập.

Những năm khởi đầu, Medifood.IO tập trung truyền thông cả hai mảng online và offline. Với online, bên em tập trung xây dựng kênh fanpage, tự xây dựng website - kênh thông tin chính, youtube, instagram và hầu như phủ toàn bộ các kênh mạng xã hội.

Về mặt offline, bên em phát tờ rơi và khảo sát trực tiếp ở các khu chung cư để khách hàng có thể tiếp cận được tới thông tin nhanh nhất và trực tiếp nhất. Ngoài ra cuối tuần bên em đều đẩy xe rau đến các sảnh chung cư để giới thiệu sản phẩm cũng như khảo sát và đánh giá mức độ quan tâm, hiểu sản phẩm của khách hàng từ đó đưa ra các điều chỉnh phù hợp. Thời điểm đó, khái niệm thực phẩm hữu cơ, tốt cho sức khoẻ còn khá mới nên bên em luôn cố gắng tận dụng hết tất cả các kênh và tập trung toàn bộ sức để có thể lan tỏa thông điệp tới nhiều người nhất có thể.

Với quan điểm của Medifood.IO, kênh online là một kênh bắt buộc phải có để có những nhận diện rộng hơn và tiếp cận được nhiều tệp khách hàng hơn, bao gồm cả quốc tế. Tuy nhiên, kênh offline là một kênh chắc chắn không thể thiếu mà sẽ bổ trợ cho kênh online rất nhiều. Thói quen tiêu dùng của người Việt Nam mình vẫn sẽ quan tâm đến việc được trực tiếp thử sản phẩm, tận mắt thấy để cảm nhận rõ ràng hơn. Từ đó, bắt đầu quyết định mua hàng.

Nhóm tình nguyện viên tham gia cùng Medifood tư vấn, hỗ trợ các mô hình hữu cơ. Ảnh: Medifood.IO

Nhóm tình nguyện viên tham gia cùng Medifood tư vấn, hỗ trợ các mô hình hữu cơ. Ảnh: Medifood.IO

Việc truyền thông ở hai kênh đều rất quan trọng và bổ trợ cho nhau. Đặc biệt, khi doanh nghiệp mình có một tầm nhìn, mục tiêu nhất quán trong cả chiến lược, hành động, mục tiêu sản phẩm sẽ giúp phát triển cho doanh nghiệp mình rất nhiều.

Tuy nhiên, vai trò của những tờ báo chính thống vô cùng quan trọng. Vì có độ uy tín cao. Với doanh nghiệp, một thông tin đăng tải trên các trang mạng như youtube, instagram, facebook… của một cá nhân nào đó, chỉ mang tính tham khảo, giải trí, nhưng cũng thông tin đó, nếu do một tờ báo chính thống đăng tải, thì chắc chắn tin cậy. Minh chứng rõ nhất là sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải loạt bài về Medifood.IO, không chỉ bạn bè, người thân, mà một số doanh nghiệp đang đàm phán hợp tác với Medifood cũng gọi chúc mừng và tỏ ý tin tưởng hơn. Mà phần lớn thông tin trong những bài báo này không phải là mới.

"Sau những khó khăn không nhỏ ban đầu, hiện Medifood.IO cũng bắt đầu có những thành quả. Đáng kể nhất là tụi em đã và đang hỗ trợ 26 nhà vườn chuyển đổi quy trình canh tác từ truyền thống sang hữu cơ 5 tỉnh miền Đông. Thành quả thứ 2 là Medifood.IO đã thu hút được tới 400 tình nguyện viên, là sinh viên khoa nông nghiệp các trường đại học và những người đam mê nông nghiệp hữu cơ tham gia. Các thành viên thay phiên nhau đến tận vườn tham gia cùng nông dân, chứng minh cho họ thấy, lợi ích của quy trình hữu cơ, trước hết là vì mình, sau đó là vì cộng đồng. Và cũng cho họ thấy, làm hữu cơ không phải quá khó", Trần Mạc Vân Anh.

Mike Trần, một kỹ sư máy tính nhưng lại rất đam mê nông nghiệp. Ảnh: Phúc Lập.

Mike Trần, một kỹ sư máy tính nhưng lại rất đam mê nông nghiệp. Ảnh: Phúc Lập.

Đưa sản phẩm quê hương xuất ngoại

Ngoài Vân Anh là người chịu trách nhiệm chính, Medifood.IO còn có một cố vấn trẻ, đó là chàng Việt kiều Mỹ tên Mike Trần. Một chuyên gia chuyên nghiên cứu về công nghệ máy tính, nhưng cũng rất giỏi về nông nghiệp. Không chỉ thế, anh còn là người có công đưa sản phẩm bánh cốm gạo truyền thống sang trang mới.

Mike Trần, tên tiếng Việt là Trần Mai Anh, quê ở Lai Vung, Đồng Tháp. Năm 2015, Mike về Việt Nam và tình cờ gặp nhóm bạn trẻ Vân Anh. Sau thời gian hỗ trợ nhau trong dự án nước sạch, Mike “mê” nông nghiệp lúc nào không hay, mặc dù anh học chuyên ngành nghiên cứu về những con chíp máy tính. Rồi sau đó, anh lao vào nghiên cứu nhiều tài liệu chuyên sâu về khoa học đất, về cây trồng, quy trình sản xuất hữu cơ của các nước có nền nông nghiệp tiên tiến.

Anh cũng là người bỏ ra nhiều năm để nghiên cứu, cải tiến sản phẩm cốm gạo, món ăn vặt từng gắn với tuổi thơ của anh lên một “đẳng cấp” cao hơn: xuất khẩu sang Mỹ.

Mike Trần có thể chia sẻ lý do, quá trình cải tiến, nâng tầm sản phẩm bánh cốm gạo truyền thống? (PV kết nối trực tuyến với Mike Trần từ Mỹ)

Mike Trần: Bánh cốm gạo là món ăn tuổi thơ mà tôi rất thích. Món này không chỉ Đồng Tháp quê tôi có, mà có ở nhiều vùng, nhưng công thức chế biến không giống nhau, nên bánh ở mỗi vùng có đặc trưng riêng.

Ngay từ năm 2012, lần đầu về Việt Nam, tôi đã có ý tưởng đầu tư nâng cấp cơ sở cốm gạo cho ông cậu rồi, nhưng cậu không chịu. Hồi đó, đi tỉnh nào, miền nào, hễ thấy có bánh cốm gạo là tôi mua ăn thử. Sau cùng tôi kết luận là không bánh cốm nào ngon bằng quê tôi (cười) và nhận thấy đây là sản phẩm rất có tiềm năng, nhưng lâu nay người ta không để ý.

Không chỉ giỏi về nông nghiệp hữu cơ, Mike Trần còn là người dành nhiều tâm huyết để nâng tầm sản phẩm bánh cốm gạo. Ảnh: Medifood.IO.

Không chỉ giỏi về nông nghiệp hữu cơ, Mike Trần còn là người dành nhiều tâm huyết để nâng tầm sản phẩm bánh cốm gạo. Ảnh: Medifood.IO.

Năm 2015, khi kết hợp với nhóm Vân Anh, chúng tôi chính thức đưa bánh cốm gạo vào danh mục sản phẩm khởi nghiệp.

Tuy nhiên, tôi hiểu một điều, thực phẩm bây giờ không thể như mấy chục năm trước, khẩu vị của ta cũng không giống người nước ngoài. Bản thân tôi đã quá quen với hương vị bánh cốm, tôi ăn thì thấy ngon, nhưng để đưa nó ra thị trường trong nước với một vị thế mới, và xuất khẩu, cho nhiều người với nhiều thói quen ẩm thực khác nhau thì phải có 1 “cuộc cách mạng”, thay đổi công thức chế biến, mẫu mã, hương vị, nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất. Để là sao có một sản phẩm hoàn hảo, phù hợp với số đông và tốt cho sức khoẻ. Vì thế, tôi đã dành mấy năm mày mò, nghiên cứu về điều vị, tìm nguyên liệu sạch... cứ mỗi lần thay đổi công thức, tôi ăn thử, rồi mang cho bạn bè thẩm định, góp ý, rồi điều chỉnh tiếp.

Sản phẩm cốm gạo thủ công của Medifood.IO. Ảnh: Medifood.IO.

Sản phẩm cốm gạo thủ công của Medifood.IO. Ảnh: Medifood.IO.

Cứ như vậy, đến năm 2019 tôi mới có những sản phẩm cốm gạo đầu tiên được coi là đạt. Sản phẩm sản xuất bán thủ công, mang thông điệp “Better for you”. Hiện nay, Medifood đã có 4 sản phẩm cơ bản, đó là sản phẩm truyền thống, rau, gạo đỏ (gạo lứt), và gạo trắng hoang dã.

"Mỗi sản phẩm bánh cốm gạo có đặc trưng riêng về mùi, vị. Ví dụ sản phẩm truyền thống làm gạo nếp canh tác theo hướng sạch, gia vị có gừng, nước cốt dừa, đậu phộng, mạch nha. Còn sản phẩm gạo lứt, tôi thay đậu phộng bằng hạt điều, vì nước ngoài có nhiều người không dùng được đậu phộng, và thêm hạt mè để tăng độ thơm, béo. Sản phẩm bánh cốm gạo trắng hoang dã cũng tương tự gạo lứt, có hạt điều, mè. Đây là sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khoẻ, vì gạo đạt chuẩn organic, chỉ tách vỏ trấu, còn nguyên lớp vỏ cám", Mike Trần.

Kết nối

Mike Trần tâm sự, nếu sản phẩm cốm gạo được thị trường đón nhận, phát triển mạnh, thì có thể hỗ trợ nhiều nhà nông bằng việc xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ cho chính sản phẩm của mình. Tuy nhiên, hiện Medifood gặp khó khăn không nhỏ, đó là nguồn nguyên liệu gạo hữu cơ. Để có một chiếc bánh cốm gạo sạch, ngoài nguyên liệu chính là gạo, còn phải có 1 loạt những phụ gia: gừng, đậu phộng, mè, hạt điều, rau thơm… hiện nay, nguồn nguyên liệu gạo không nhiều, nếu cần một đơn hàng lớn thì sẽ không đủ.

Vân Anh cho biết, một doanh nghiệp ở Mỹ vừa ký hợp đồng với Medifood.IO mua 2 container bánh cốm gạo vào cuối năm nay. Ảnh: Phúc Lập.

Vân Anh cho biết, một doanh nghiệp ở Mỹ vừa ký hợp đồng với Medifood.IO mua 2 container bánh cốm gạo vào cuối năm nay. Ảnh: Phúc Lập.

Nghe Mike trải lòng, tôi chợt nhớ đến lão nông Lê Văn Đấu, chủ cơ sở gạo lứt huyết rồng ở Tam Nông, Đồng Tháp, người từ nhiều năm nay đang phục tráng giống lúa cổ huyết rồng. Và Công ty TNHH Ba Chăm Gia Lai, chuyên thu mua lúa nương loại 8 tháng của đồng bào dân tộc. Có thể đây sẽ là 2 đối tác phù hợp cho Medifood. Tôi nghĩ thế nên lập tức kết nối cho họ.

Ông Lê Văn Đấu, chủ cơ sở gạo huyết rồng Năm Đấu, ở Tam Nông, Đồng Tháp: 'Nếu được hợp tác với Medifood.IO cùng canh tác hữu cơ thì còn gì bằng'. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Lê Văn Đấu, chủ cơ sở gạo huyết rồng Năm Đấu, ở Tam Nông, Đồng Tháp: "Nếu được hợp tác với Medifood.IO cùng canh tác hữu cơ thì còn gì bằng". Ảnh: Phúc Lập.

Sau khi liên lạc, Vân Anh cho biết: “Theo lời anh, bên Công ty gạo Ba Chăm giới thiệu thì sản phẩm gạo của họ là lúa nương, toàn bộ đều do đồng bào thiểu số trồng tự nhiên, 8 tháng mới thu hoạch. Đây thực sự là sản phẩm hữu cơ. Còn chú Năm Đấu, chú có giống lúa cực tốt, nhưng mới canh tác theo hướng hữu cơ thôi chứ chưa phải hữu cơ. Sản phẩm gạo huyết rồng mới đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Trao đổi với chú thì thấy chú rất tâm huyết với lúa hữu cơ, chỉ là chưa có ai hợp tác. Nay em đề xuất hợp tác, chú mừng lắm. Cả chú Năm Đấu và công ty gạo Ba Chăm đều mời tụi em lên thực tế. Sau khi lắp đặt xong nhà máy chế biến, đóng gói cốm gạo ở Bình Phước, tụi em sẽ về Đồng Tháp gặp chú Năm đàm phán cụ thể, và lên Giq Lai gặp Công ty Ba Chăm”.

Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải loạt bài về Medifood, các bạn có nhận được phản hồi tích cục nào không? Mike Trần đánh giá thế nào về độ chính xác của bản dịch tiếng Anh so với bản tiếng Việt?

Vân Anh: Thật sự khá bất ngờ là em nhận được thông tin loạt bài đăng là từ một trong những đối tác của bên em. Sau đó, em nhận được rất nhiều tin nhắn từ các đối tác, khách hàng, anh chị cơ quan, ban ngành của tỉnh và thành phố gửi đường link bài báo tới chúc mừng.

Riêng đối với sản phẩm gạo Ba Chăm Gia Lai, Vân Anh rất có niềm tin rằng ngay vụ lúa tháng 11 năm nay ở Gia Lai, Medifood có thể ký hợp tác và nhập ngay sau khi lên tham quan quy trình canh tác. Ảnh: Lê Thiên Thịnh.

Riêng đối với sản phẩm gạo Ba Chăm Gia Lai, Vân Anh rất có niềm tin rằng ngay vụ lúa tháng 11 năm nay ở Gia Lai, Medifood có thể ký hợp tác và nhập ngay sau khi lên tham quan quy trình canh tác. Ảnh: Lê Thiên Thịnh.

Với những đối tác đang đàm phán, họ đều là những đối tác lớn và quan trọng nên thời gian đàm phán cũng lâu hơn. Tuy nhiên, chắc chắn câu chuyện về hành trình của Medifood.IO trong hơn 6 năm qua được đăng tải trên Báo Nông nghiệp Việt Nam là một trong những bước đệm và là một tác động tích cực để các đối tác của bên em có thể hiểu hơn và đặt lòng tin nhiều hơn vào Medifood.IO.

Mike Trần: Tôi đọc hết chứ, đọc rất kỹ luôn và chia sẻ bản tiếng Anh cho các bạn, đồng nghiệp cũ là người Mỹ, trên những kênh thông tin quốc tế của mình. Và nhận được nhiều phản hồi khá tích cực từ cộng đồng quốc tế. Theo đánh giá của tôi thì bản dịch tiếng Anh khá sát, có thể đạt hơn 90% so với bản gốc. Vậy là ok rồi.

"Tin vui nhất là Medifood.IO vừa nhận được hợp đồng xuất khẩu hai container sản phẩm cốm gạo thủ công sang thị trường Mỹ vào cuối năm nay, sau khi hoàn thành các chứng nhận cho nhà xưởng sản xuất. Đối tác này ở bên Mỹ, họ chuyên bán sỉ sản phẩm vào hệ thống siêu thị cực lớn ở đây. Đây là đơn hàng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên, tùy thuộc chi phí vận chuyển, đơn hàng trị giá từ 320 - 350 ngàn USD. Dự đoán lời khoảng 120 - 140 ngàn USD", Mike Trần.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.