| Hotline: 0983.970.780

Hiệu ứng Domino

Thứ Năm 28/03/2013 , 09:36 (GMT+7)

Đến bây giờ anh Hoàng Văn Dậu ở bản Khính (xã Khánh Khê, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) vẫn còn thương tiếc những mùa hồi xưa cũ. Những mùa hồi trên cái nương rộng 3.000 m2 có những cây vài chục tuổi đến cả trăm tuổi rợp bóng mát trên lưng đồi, thơm lừng làng xóm lúc thu hoạch.

Đến bây giờ anh Hoàng Văn Dậu ở bản Khính (xã Khánh Khê, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) vẫn còn thương tiếc những mùa hồi xưa cũ. Những mùa hồi trên cái nương rộng 3.000 m2 có những cây vài chục tuổi đến cả trăm tuổi rợp bóng mát trên lưng đồi, thơm lừng làng xóm lúc thu hoạch.

>> Bi kịch thủy điện trên sông Kỳ Cùng

Mỗi vụ hồi nhàn tênh anh cũng thu được cả chục triệu đồng. Rừng hồi là quỹ lương của cả gia đình nên khi dự án thủy điện Khánh Khê về địa phương, áp giá mức đền bù 7.000 đ/m2 anh Dậu thấy rẻ rúng quá lừng chừng không đồng ý. Nhưng không đồng ý không được. Người ta bảo rằng nếu không nhận tiền đền bù không chỉ cử lực lượng xuống cưỡng chế rồi trừ luôn tiền chi phí vào mà còn lại bắt anh đi tù vì chống lại chủ trương của Nhà nước. Sợ quá anh Dậu đành nhắm mắt mà ký giấy nhận tiền để cho người ta chặt phăng cả vườn hồi bao mồ hôi, công sức đã đổ xuống.


Anh Dậu bên khu đất trước kia là vườn hồi

Dẫn tôi ra công trường dự án, giờ vườn hồi năm xưa chỉ còn lại một bãi đất đỏ quạch, trồi trụt, lồi lõm, thỉnh thoảng lại đâm ra một vài gốc đại thụ cụt lủn, đen xì. Anh ngậm ngùi: “Người dân chúng tôi hi sinh đất đai, tài sản để cho công trình thủy điện về thế mà giờ dự án làm dở dang rồi bỏ đấy, cảm giác cứ như bị ai đó lừa”. Khi người ta huy động máy móc, kích nổ khơi dòng làm thủy điện khiến cây cầu Khánh Khê cũ bị xói lở, hư hỏng hoàn toàn. Đã thế, hai cái máy bơm thủy luân tự động chạy bằng sức nước ngày đêm tưới mát cho cánh đồng bản Khính cũng bị phá đi làm cho đất đai trở về với thời của nước trời. Năm nào trời thuận trồng lúa còn có thu, năm nào hạn hán công sức của cả bản đổ ra cầm bằng mất trắng.

Công trình thủy điện Khánh Khê do Cty Cổ phần Thủy điện Thác Xăng làm chủ đầu tư, xây dựng trên sông Kỳ Cùng vắt qua địa bàn hai xã Khánh Khê (Văn Quan) và xã Bình Trung (Cao Lộc). Theo như thiết kế ban đầu, tổng vốn đầu tư cho nhà máy này khoảng 245 tỷ đồng với 2 tổ máy có tổng công suất 7 MW. Dự án khi đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ tạo một động lực mới cho kinh tế địa phương phát triển, tạo hàng trăm công ăn việc làm cả trực tiếp lẫn gián tiếp cho đồng bào dân tộc. Thế mà giờ đây, đi trên đất dự án không có bất cứ một vết dấu nào chứng tỏ đó từng là một công trường thủy điện nhộn nhịp ngày nào.

Không biển hiệu, không máy móc, không lều lán, không đường thi công, chỉ có dòng Kỳ Cùng chảy tuôn ào ào bọt trắng và ở giữa sông nhô ra một khối đập bê tông như một bức tường thành khổng lồ. Cảnh chìm giữa đại ngàn hoang vắng… Công ty Thủy điện Thác Xăng khi thi công thủy điện Khánh Khê được chừng một năm thì công nhân cứ vơi dần, vơi dần, người cuối cùng rút đi là anh bảo vệ. Đến tận khi đã sạch bóng trên công trường, chủ đầu tư vẫn còn hùng hồn với chính quyền địa phương rằng sẽ quay lại trong thời gian gần nhất. Lời hứa đó tựa như tảng đá trơn nhẫy rong rêu dưới sông Kỳ Cùng, chẳng ai tin ngoài dân chúng lành hiền.

Ông Hà Văn Páo - Bí thư chi bộ thôn Pá Péc (xã Bình Trung, huyện Cao Lộc) kể vanh vách về diện tích đất của 4 hộ trong thôn bị dự án thủy điện lấy làm nhà điều hành cũng với những lời hứa quen thuộc sẽ tạo điều kiện cho con cái họ vào làm công nhân sau này. Để thi công nhà máy thủy điện Khánh Khê, đồi cây bị biến thành bình địa, bãi đá phơi sắn của thôn bị khoan nhồi hàng tấn thuốc nổ phá tan tành, tiếc nhất là cái nhà bia chiến thắng của sư đoàn 337 trận đánh chặn giặc phương Bắc năm 1979 cũng phải phá bỏ. Cái nhà bia cũ gắn với bao dấu tích, kỷ niệm, gắn với sự kiện oanh liệt sáng 28/2/1979. Hồi ấy giặc huy động hai quân đoàn và dân binh cùng hàng trăm khẩu pháo các loại nổ súng tấn công toàn tuyến phòng ngự của sư đoàn 337 với tương quan lực lượng vô cùng chênh lệch.

Với tài trí và lòng quả cảm khôn cùng của bộ đội, dân quân, Khánh Khê trở thành một lá chắn thép cho thành phố Lạng Sơn, thành mồ chôn quân xâm lược khi xác giặc ứ nghẹn cả dòng Kỳ Cùng. Theo tài liệu tổng kết của sư đoàn 337, ước tính ta đã tiêu diệt hơn 2.000 tên giặc, phá nát 8 xe tăng, chặn đứng và đánh bại ý định vu hồi bao vây chia cắt Lạng Sơn của địch nhưng cũng có hơn 650 cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 337 vĩnh viễn nằm xuống hai bên bờ sông.


Thủy điện Khánh Khê chỉ còn khối đập bê tông giữa dòng

Đánh đổi hàng chục, hàng trăm ha đất mầu mỡ, đánh đổi môi trường sinh thái tự nhiên cả triệu triệu năm bồi đắp, đánh đổi nhà cửa, mồ mả của nhân dân nhưng để có được 1 MW điện, nhà đầu tư phải bỏ ra khoảng 30 tỷ đồng nên giá thành mỗi kWh thủy điện bán ra sẽ rất cao. Thế nên chủ đầu tư lúc chưa giải phóng được mặt bằng thì mặt đỏ như vang, đến khi đã đầu tư xây dựng được một phần, nhẩm tính thấy thua lỗ lớn thì mặt vàng như nghệ, chơi bài bỏ của chạy lấy người.

Đến tận giờ ở Khánh Khê vẫn truyền tai nhau câu chuyện huyền thoại có thật, huyền thoại về trận đánh tại đồi Xanh, một tiểu đội chỉ có 7 người do Vi Văn Thắng chỉ huy đã kiên cường chiến đấu với một mũi tiến công của hàng trăm tên địch. Đạn hết, cả tiểu đội đồng loạt ôm lê xông lên giáp là cà, giữ trận địa đến lúc tất cả đều hy sinh. Mắt nhắm, ngực thôi phập phồng mà tay các anh vẫn không rời khẩu súng…

Theo thống kê hiện tỉnh Lạng Sơn có 5 dự án thủy điện quy mô nhỏ và vừa nhưng đều trong tình trạng làm dở dang rồi bỏ đấy, lắm cái mốc hoàn thành đã lùi xa cả vài ba năm trước. Cụ thể ngoài hai dự án thủy điện Khánh Khê và bản Nhùng còn hàng loạt dự án như thủy điện Bắc Giang nằm trên địa bàn xã Quý Hòa (huyện Bình Gia) dự kiến đến cuối năm 2011 đưa vào vận hành chạy thử nhưng đến nay các hạng mục công trình đầu mối chính mới xây dựng được khoảng 70 - 80%; như dự án thủy điện Thác Xăng nằm trên địa bàn xã Hùng Việt (huyện Tràng Định) những hạng mục chính vẫn còn dở dang ở giữa dòng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các dự án thủy điện ở Lạng Sơn đều vấp phải hòn đá tảng là bí vốn trong việc huy động.

Với quy mô vừa và nhỏ, các nhà máy này có tổng mức đầu tư từ vài chục đến 600 tỉ đồng (cao nhất là dự án thủy điện Thác Xăng với công suất phát điện 20MW, vốn đầu tư 595 tỷ đồng). Tiếng là các nhà máy của tư nhân nhưng thực tế nguồn vốn đầu tư xây dựng các dự án thủy điện này dựa khoảng 60 - 70% vào vốn vay ngân hàng. Khi ngân hàng xiết chặt dòng tiền cho vay, những dự án thủy điện bị bóp nghẹt, chết tức tưởi từ trong trứng nước. Không chỉ gặp khó về vốn, hiệu quả kinh tế của thủy điện vừa và nhỏ đang là một dấu hỏi lớn... (Hết)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất