| Hotline: 0983.970.780

Hiệu ứng lan tỏa từ nông nghiệp

Thứ Sáu 28/12/2018 , 15:05 (GMT+7)

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực theo hướng đa dạng hóa hình thức tổ chức, mô hình SX chuyển dần từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô lớn kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, liên kết theo chuỗi giá trị từng bước được hình thành....

Cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành đã có sự chuyển dịch theo hướng hiệu quả hơn, tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế so sánh, có thị trường tiêu thụ ổn định.

Đây là đánh giá của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về sự dịch chuyển của ngành nông nghiệp trong những năm qua, nhất là năm 2018.

17-55-09_164406_img-5815
Ông Nguyễn Bích Lâm

Theo ông Lâm, giai đoạn 2013 - 2017, nông nghiệp đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai nặng nề trên khắp mọi miền đất nước; biến động bất lợi của thị trường tiêu thụ nông sản, tác động của hội nhập quốc tế và sự cố ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền Trung. Nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành; sự cố gắng vượt khó của cộng đồng DN và nông dân, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả rõ nét, tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu SX, cơ cấu kinh tế.

Đặc biệt trong giai đoạn này, hàng loạt chính sách mới ra đời, đã kịp thời bổ sung về nguồn lực, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực then chốt của ngành nông nghiệp như: Chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; tái canh cà phê; bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo; chính sách về phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ; tăng cường cung cấp tín dụng cho nông nghiệp nông thôn; chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; đổi mới DN nhà nước, nông lâm trường quốc doanh; đào tạo nhân lực; tháo gỡ khó khăn về thị trường, hỗ trợ tiêu thụ nông, lâm, thủy sản; chính sách tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, dịch bệnh...

Cụ thể, giai đoạn 2013 - 2017, tốc độ giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá so sánh 2010 bình quân mỗi năm tăng 2,52%; trong đó, ngành nông nghiệp tăng 1,83%/năm; ngành lâm nghiệp tăng 6,44%/năm và ngành thủy sản tăng 4,40%/năm. Nhờ chuyển dịch cơ cấu hợp lý theo hướng tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và có thị trường nên sức SX của ngành ngày càng được tăng cường.

Thưa ông, bên cạnh thành tựu đạt được, ông đánh giá thế nào về những hạn chế, khó khăn của các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản trong quá trình chuyển dịch cơ cấu những năm qua?

Theo tôi, trước hết là tình trạng SX nhỏ lẻ vẫn phổ biến trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, số đơn vị SX quy mô lớn ít, liên kết theo chuỗi giá trị trong SX còn hạn chế. Chúng ta còn chưa tận dụng và phát huy hết vai trò của KH-CN; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào SX chưa nhiều.

Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư cho nông, lâm nghiệp và thủy sản còn hạn chế; tỷ lệ lao động qua đào tạo và năng suất lao động ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp; hiệu quả SX chưa cao, việc dự báo cung, cầu chưa hiệu quả nên còn hiện tượng nông sản dư thừa, tiêu thụ chậm, giá giảm, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người dân... Đặc biệt, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có nhiều ngành trọng điểm có tác động lan tỏa tốt đến nền kinh tế nhưng chưa được quan tâm đầu tư nên mức độ ảnh hưởng có xu hướng giảm sút…

17-55-09_dscf2889
Theo ông Lâm, thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp có quy mô còn quá nhỏ

Từ những đánh giá trên, Tổng cục Thống kê có những kiến nghị, đề xuất gì để giúp cho ngành nông nghiệp phát huy hiệu quả và có tác động lan tỏa tốt đến nền kinh tế trong giai đoạn tới?

Trước hết, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 cần theo hướng xóa bỏ hạn điền để khuyến khích tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp theo từng vùng SX tập trung từng loại cây trồng, vật nuôi; hướng mục tiêu tích tụ ruộng đất vào những hộ có năng lực, có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất để tiếp cận các hỗ trợ của Chính phủ về tín dụng, kỹ thuật, công nghệ… Mặt khác, thúc đẩy quá trình hình thành và vận hành thị trường đất trong nông nghiệp để các quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, cho mượn, góp vốn, thừa kế, quyền được đền bù đất nông nghiệp theo giá thị trường khi bị thu hồi đất thực sự đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương hoàn thiện và ban hành chính sách thu hút DN trong nước và doanh nghiệp FDI đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại, thống nhất cơ chế phối hợp giữa ngành Công thương với ngành NN-PTNT trong xúc tiến thương mại, tránh lãng phí nguồn lực, đồng thời tối đa hóa hiệu quả hoạt động.

Ngoài ra, cần tăng cường nghiên cứu, chuyển giao KH-CN trong lĩnh vực giống cây trồng vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc BVTV, phân bón và công nghệ sau thu hoạch. Đầu tư vốn ngân sách thỏa đáng cho nghiên cứu và triển khai KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp ngang bằng với các nước trong khu vực ở mức từ 4 - 5% hiện nay lên mức 7 - 8%/năm. Cùng đó, đẩy mạnh phân cấp, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở nghiên cứu công nghệ mới, đồng thời xã hội hóa hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới đi đôi với bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Một trong những nội dung rất cần tập trung đó là nguồn lực đầu tư cho những ngành trọng điểm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, xây dựng cơ cấu đầu tư hợp lý, ưu tiên ngành trọng điểm, ngành có hệ số lan tỏa hoặc có độ nhạy cao…

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024: Giảm tới 730 đồng/lít

Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024 đồng loạt giảm. Trong đó, giá xăng mất khoảng 300 đồng, còn giá dầu giảm tới 730 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

WinCommerce hướng đến mục tiêu 4.000 cửa hàng vào cuối 2024

Ngày 25/4/2024 tại TP.HCM, Công ty CP Tập đoàn Masan và hai công ty thành viên Masan Consumer, Masan MEATLife đồng tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024.

Bình luận mới nhất