| Hotline: 0983.970.780

Hình mẫu thu hồi đất ở An Sơn

Thứ Hai 04/06/2012 , 10:37 (GMT+7)

Đương nhiên ở đây không tiếng súng nổ, không vũ trang, không cần lực lượng cưỡng chế hùng hậu cả ngàn người. Công tâm, công bằng, đặt vị trí mình vào người dân, đền bù thỏa đáng, đổi lại dân sẵn sàng rời bỏ nhà cửa, đất đai mình sinh sống bao đời phục vụ dự án. Đó là hình mẫu thu hồi đất ở An Sơn...

* Làm tốt vì hiểu lòng dân

Đương nhiên ở đây không tiếng súng nổ, không vũ trang, không cần lực lượng cưỡng chế hùng hậu cả ngàn người. Công tâm, công bằng, đặt vị trí mình vào người dân, đền bù thỏa đáng, đổi lại dân sẵn sàng rời bỏ nhà cửa, đất đai mình sinh sống bao đời phục vụ dự án. Đó là hình mẫu thu hồi đất ở An Sơn...

Trong khi ở nhiều địa phương, việc giải tỏa bồi thường ở nhiều dự án, đã và đang gặp phải sự bất bình phản ứng của người dân, thì tại Dự án khu kho cảng, khu dân cư và khu tái định cư xã An Sơn (thị xã Thuận An, Bình Dương), dù vẫn còn những khó khăn nhất định trong bồi thường giải tỏa, nhưng nhìn chung công tác này đang được làm khá tốt với sự đồng tình của đại đa số người dân.

Tiếc vẫn sẵn sàng

Ở ấp An Phú (xã An Sơn), gia đình ông Dương Văn Phú thuộc vào hàng cố cựu. Ông bảo: “Nhà tôi đến định cư ở ấp An Phú từ đời ông nội. Cha tôi sinh ra và lớn lên và mất đi trên chính mảnh đất đó. Nếu còn sống, thì đến nay, cụ đã được 105 tuổi. Nghĩa là, gia đình tôi đã sinh sống ở ấp An Phú trên trăm năm, đến đời cháu tôi là đã 5 thế hệ”. Nguồn lợi hàng năm từ vườn măng cụt hơn 4.000m2, đủ để ông nuôi sống cả gia đình, cho con cái ăn học đàng hoàng, đồng thời tích cóp dần và xây dựng được một căn nhà gạch khang trang hồi năm 2005, hết 600 triệu đồng.


Dự án An Sơn đang bắt đầu được xây dựng trên nền đất ấp An Phú trước đây

Vợ chồng ông Phú đã bước qua cái tuổi “xưa nay hiếm”, độ tuổi mà người ta rất ngại những chuyện xê dịch, di chuyển, nhất là phải rời bỏ mảnh đất ông bà để lại, mảnh đất đã nuôi dưỡng nhiều thế hệ và cũng là nơi ôm ấp di hài của những người đã khuất. Cái ấp An Phú của ông vốn là vùng dân cư thanh bình với vườn tược san sát, cây trái sum suê, lại nằm sát bên sông Sài Gòn thơ mộng. Vì thế, năm 2008, khi được biết toàn bộ đất đai của mình và ấp An Phú sẽ nằm trong Dự án khu kho cảng, khu dân cư và khu tái định cư xã An Sơn (gọi tắt là Dự án An Sơn), ông Phú thấy buồn và tiếc lắm. Đến nỗi sau khi đã bàn giao nhà đất cũ và chuyển sang nơi ở mới bên ấp An Hòa, ông Phú đã ốm một trận 2 tháng trời mới khỏi.

Nhớ lại chuyện ấy, ông tâm sự: “Mồ mả ông bà đã yên vị bao năm trời, giờ phải bốc lên chuyển đi nơi khác, không buồn sao được. Tích cóp bao năm trời mới xây được ngôi nhà khang trang, rộng rãi, mà ở mới có 3 năm, nhà chưa kịp cũ, đã lại phải bỏ ngôi nhà ấy, không tiếc sao được”.

Buồn vậy, tiếc vậy, nhưng khi hiểu được tầm quan trọng của Dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, và nhất là khi thấy giá đền bù và chính sách hỗ trợ khá tốt, ông Phú đã sớm chấp nhận bàn giao nhà đất cũ. Ông kể: “Nhà tôi có 2 mảnh đất vườn, tổng cộng 4.413 m2. Một mảnh được tính giá bồi thường là 630.000 đ/m2, mảnh kia là đất sát bờ bao, lại cách thửa, nên giá bồi thường thấp hơn là 500.000 đ/m2. Ngôi nhà xây năm 2005 được tính giá bồi thường 420 triệu đồng, cây cối trên đất cũng được bồi thường. Tổng cộng 2,7 tỷ đồng. Như vậy là không thấp hơn mấy so với giá thị trường năm 2008. Ngoài tiền bồi thường, nhà tôi còn được tiêu chuẩn 3 lô đất ở khu tái định cư, mỗi lô 100 m2.

Ngoài ra, do diện tích đất vườn ở An Phú của gia đình tôi vượt quy định, nên được cấp thêm 123m2 đất thổ cư. Đất nông nghiệp mà được bồi thường như vậy, là tốt rồi. Vả lại, mình chịu thiệt thòi một chút khi phải rời bỏ nhà đất cũ nhưng bù lại con cháu mình chắc chắn sẽ có đời sống dễ chịu hơn khi Dự án ấy được hoàn thành”.

Sau khi nhận tiền bồi thường, ông Phú lên ấp An Hòa mua 1.000m2 đất mặt đường, xây một ngôi nhà mới khá đẹp và mở một quán cà phê để kiếm tiền cho sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, do khu tái định cư chưa được xây dựng, nên dù đã có nhà đất ở nơi khác, gia đình ông Phú vẫn được nhận tiền hỗ trợ tạm cư từ chủ đầu tư, mỗi tháng là 2 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình ông đã nhanh chóng ổn định khi đến nơi ở mới.


Ông Dương Văn Phú trong căn nhà mới

Ông Nguyễn Văn Chín, cựu trưởng ấp An Phú, cũng là một hộ đã bị giải tỏa trắng cho Dự án An Sơn. Ông không còn nhớ chính xác diện tích đất cũ, nhưng giá đền bù đến giờ ông vẫn nhớ, là 620.000 đ/m2. So với giá thị trường năm 2008 (1 triệu đ/m2), thì mức giá bồi thường ấy cộng với khoản tiền đền bù cho nhà cửa, cây cối trên đất, là tương đương. Vì vậy, ông Chín cùng gia đình đã nhanh chóng đồng ý, giao mặt bằng, nhận tiền đền bù hơn 1 tỷ đồng. Ông mang tiền đó lên xã An Điền bên huyện Bến Cát mua 5.000m2 đất, cất nhà, tiếp tục sinh sống bằng nghề làm vườn. Gia đình ông Chín cũng đã nhanh chóng ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Ông Chín khẳng định: “Không chỉ gia đình tôi mà đại đa số các hộ đã giải tỏa trắng ở ấp An Phú, đều đã có cuộc sống ổn định và có phần tốt hơn khi chuyển đến nơi ở mới. Những hộ có nhiều tiền đền bù đều đã mua đất, xây nhà ở nơi khác trong xã An Sơn hay các xã lân cận. Những hộ ít tiền đền bù do diện tích đất cũ nhỏ hẹp, đang phải thuê nhà để chờ đến khi khu tái định cư được xây dựng xong, thì cũng không phải lo lắng vì mỗi tháng được chủ đầu tư hỗ trợ tiền tạm cư 2 triệu đồng. Mức hỗ trợ này khá tốt, vì giá thuê một phòng trọ rộng, đủ cho một gia đình ở An Sơn hiện nay, chưa tới 1 triệu đ/tháng”.

Công khai, dân chủ, công bằng...

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, GĐ Trung tâm Phát triển Quỹ đất Thuận An, Dự án An Sơn là một dự án trọng điểm của tỉnh Bình Dương trong việc phát triển vận chuyển hàng hóa bằng đường sông, đồng thời sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới xã An Sơn. Dự án này có diện tích 45 ha, chủ đầu tư là Cty Thương mại và XNK TNHH MTV Thanh Lễ. Có tổng cộng 351 hộ ở ấp An Phú và nhiều ấp khác thuộc xã An Sơn bị ảnh hưởng, trong đó có 106 hộ bị giải tỏa trắng. Để việc giải tỏa đền bù được thuận lợi, có được sự đồng thuận cao của người dân, Trung tâm Phát triển Quỹ đất Thuận An cùng chủ đầu tư và chính quyền xã An Sơn đã nhiều lần tổ chức họp và lấy ý kiến của người dân, từ việc phê duyệt dự án tổng thể, xây dựng phương án giải tỏa bồi thường đến chính sách đền bù...


Ông Nguyễn Thanh Tâm

Mọi việc đều công khai, dân chủ, tôn trọng ý kiến người dân. Người dân còn được mời góp ý, kiểm tra, giám sát quá trình giải tỏa, bồi thường, xây dựng khu tái định cư..., để không dẫn tới việc bồi thường bị sai, bị thiếu, xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư kém chất lượng. Khi phân suất đất tái định cư, những hộ mà đất cũ ở vị trí tốt, được xếp vào nhóm được nhận chỗ đất có vị trí tốt trong khu tái định cư (gần trung tâm xã, gần các cơ sở dịch vụ). Những hộ mà đất cũ ở vị trí kém hơn thì xếp vào nhóm sẽ nhận vị trí tái định cư ít giá trị hơn. Trong từng nhóm, lại tổ chức bốc thăm từng lô, ai trúng lô nào nhận lô ấy. Khi cơ sở hạ tầng khu tái định cư chưa được xây dựng, tất cả các hộ giải tỏa trắng đều được hỗ trợ tạm cư 2 triệu đ/tháng, dù đã có nhà nơi khác hay chưa.

Nhờ đó, hầu hết các hộ bị ảnh hưởng đều đồng thuận với chủ trương nhường đất cho Dự án. Đến thời điểm này, đã có 333 hộ đã bàn giao tổng cộng 363.448 m2 (trên 90% diện tích dự án). Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch UBND xã An Sơn, khẳng định: “Đến giờ này, việc giải tỏa bồi thường vẫn đang được thực hiện khá tốt, không hề có một đơn khiếu kiện, khiếu nại nào”.

Tuy nhiên cho đến nay, việc giải tỏa đền bù ở Dự án An Sơn vẫn chưa được hoàn tất, do vẫn còn 18 hộ chưa đồng ý với mức giá đền bù. Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, hầu hết những hộ này đều có nhà đất ở sát các trục đường chính trong xã, nên họ còn muốn giá bồi thường cao hơn nữa, sát hơn với giá thị trường. Thậm chí có một số hộ đòi hỏi quá đáng khi đòi giá bồi thường cao hơn giá thị trường. Chính vì vậy tiến độ thực hiện Dự án đang bị ảnh hưởng, nhất là khu tái định cư chưa thể xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì thế, Trung tâm Phát triển Quỹ đất Thuận An cùng Cty Thanh Lễ và UBND xã An Sơn đang phải khẩn trương nghiên cứu, vận dụng chính sách, gặp gỡ vận động, thuyết phục 18 hộ này sớm bàn giao đất để chủ đầu tư có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, GĐ Trung tâm Phát triển Quỹ đất Thuận An: Đặt mình vào vị trí nông dân

Giải tỏa những dự án liên quan đến đất nông nghiệp, phải hiểu được tâm tư, đời sống của người nông dân. Một cục tiền bồi thường, tiêu rồi cũng hết, trong khi đó, mất đất là mất tư liệu sản xuất đã giúp họ nuôi sống cả gia đình, cho con cái học hành nên người. Vì thế, chúng tôi đã đặt mình vào vị trí của người nông dân, đặt quyền lợi của mình vào chính họ để hiểu nông dân muốn gì, cần gì, mà để ra những chính sách hỗ trợ hợp lý nhất.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.