| Hotline: 0983.970.780

Hình như cháu đã 'sổng' đứa con trai khi nó quá hào hứng với tiền lì xì?

Thứ Sáu 06/01/2017 , 06:50 (GMT+7)

Cháu nhớ con trai của cháu hồi nhỏ không ít lần nó làm cháu xấu hổ và bầm gan tím ruột về chuyện tiền lì xì. Cháu ở chung bố mẹ chồng, ông bà hay khách nên những ngày tết nó hóng khách để chờ tiền mừng.

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu có hai đứa con, con trai đã thiếu niên, con gái mới 7 tuổi. Ngày tết ta sắp đến, cháu băn khoăn về nạn tiền lì xì với các con mình nên muốn trao đổi và xin kinh nghiệm của cô.

Cháu nhớ con trai của cháu hồi nhỏ không ít lần nó làm cháu xấu hổ và bầm gan tím ruột về chuyện tiền lì xì. Cháu ở chung bố mẹ chồng, ông bà hay khách nên những ngày tết nó hóng khách để chờ tiền mừng. Đối diện nhà bố chồng là cô em ruột bố, cũng hay khách, không kiểm soát thì nó chạy sang bên ấy và về khoe: “Thấy chưa, con đi là có tiền, con đi là có tiền”. Cháu hoảng quá cô ơi, mình bận quá, làm sao giữ nó trong phòng được mà dạy bảo gì nó cũng quên khi khách rút phong bao ra.

Lớn dần, tính tức cười ấy kín đáo đi nhưng nó vẫn là đứa hám tiền. Vì vậy mà nó mê game, có tí tiền ông bà nhét cho, hay bố mẹ thưởng trong học tập, hay sai bảo đi mua món gì mà còn ít tiền thừa là nó giữ lại để lẻn ra tiệm net.

Nó vẫn là đứa nằm trong top 5 của lớp về học tập nhưng tính cách bấp bênh, cháu không kỳ vọng lắm. Trong khi đó cũng văn hóa, cũng gene nhà nội nhưng con trai của bác nó khác hẳn, một thằng bé nhẹ tênh, chỉn chu, tự trọng, bố mẹ nó không phải dày công mà từ nhỏ cho đến khi vào đại học, chưa một lần gia tộc phải phiền lòng với nó.

Đứa con gái của cháu hồi bé tí đã thể hiện là đứa thơm thảo, đặc biệt. Ai lì xì cho nó xấu hổ chạy đi nấp, bốn năm tuổi vẫn không thích cầm tiền mà săm soi như anh nó hồi đó. Nhưng tết năm ngoái đây, nó 6 tuổi, sắp vào lớp 1, tính xấu hổ với tiền biến mất. Nó còn biết nhắc mẹ mua cho cái ví có dây đeo để năm nay cất tiền lì xì. Cháu đã hy vọng nó khác anh nó nhưng thôi rồi. Là do hoàn cảnh tết, hay do người lớn làm hư con trẻ, hay là cháu không dạy con cho tới? Làm sao để con mình được như con trai của bác nó thưa cô?

--------------------

Cháu thân mến!

Đúng là không ít ông bố bà mẹ thấy đau đầu về phong tục Tết của VN mình. Quá nhiều thủ tục rườm rà và lạc hậu vắt kiệt những ngày nghỉ ngơi của con người. Hơn vậy thủ tục lì xì và mừng tuổi còn làm phức tạp và thậm chí tha hóa mối quan hệ giữa những con người với nhau. Bây giờ, nó đã bị biến thành việc lo lót, gần như hối lộ để tiến thân nữa chứ.

Mấy ai giữ được con mình trong lồng kính? Không thể. Nhưng làm gì có cái lồng kính cho một con người hay một gia đình? Chúng ta ghi nhận về việc gene và văn hóa, đúng không? Gene của nhà nội và của nhà ngoại cộng hưởng chứ. Nên xem chị dâu cháu, tức vợ của anh trưởng ấy như thế nào mà con trai của chị ấy nhẹ tênh, tự trọng và học hành thành công như vậy. Điều đó nó quyết định một con người thời ấu thơ. Từng ngày, người mẹ và cả người bố quan tâm và gương mẫu với con mà người ngoài không nhìn thấy. Trong bữa ăn, trong từng hành vi sống, trong câu chuyện giữa hai vợ chồng với nhau, trong mọi thứ và mọi lúc, ấy là chưa kể đến sự bí ẩn của số phận và phúc đức nữa.

Hình như cháu đã “sổng” đứa con trai khi nó quá hào hứng với tiền lì xì. Có khi người lớn hồn nhiên vui cười nếu nó nói “Con đi là có tiền” mà quên không ngăn chặn, không làm cho ra tấm ra miếng câu nói, quan niệm và hành động của nó khi ấy. Nghiêm khắc đúng thời điểm mới đưa lại hiệu quả với con. Và khi nó ở cấp II, nó mê game thì nó sẽ mê tiền và coi chừng sơ sểnh là hết cứu. Từ hành động nhỏ xíu như không đưa lại mẹ tiền thừa khi bị sai bảo đi mua món gì đó, rồi sẽ có lúc nó tự mở tủ lấy tiền và nếu bị phát hiện, nó sẽ cảnh giác và dẫn đến nói dối, ăn cắp.

Đứa con gái của cháu tưởng nhẹ tênh rồi, cháu lại sơ sểnh để nó ham tiền nữa rồi. Đứa anh lù lù như vậy, nhốt em nó vào lồng kính sao được? Nhắc lại, cái lồng cụ thể không thể có nhưng một cái lồng kính từ mẹ từ cha là phải được đó nha. Đã hơi muộn với con trai nhưng hy vọng lên cấp III, trường khác, bạn khác, tâm lý lứa tuổi khác nó sẽ khác. Và với đứa con gái thì không muộn tí nào. Ngay Tết này phải phi lộ trước với con về thái độ với tiền lì xì, không ngóng chờ, không hỗn láo với nó nhưng cũng không cầu cạnh nó. Và nói với ông bà, người thân, hãy tiền bạc tối thiểu gọi là để chúng không thể ham mà có ý nghĩ sở hữu, để dành, đo đếm và tính cách tiêu xài.

Rất khó, môi trường xấu, làm người tốt người chuẩn rất khó đó nha.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất