| Hotline: 0983.970.780

HLV Park Hang-seo, thành công nhuốm màu giản dị!

Thứ Hai 17/12/2018 , 06:05 (GMT+7)

Kiến trúc sư trưởng trong hành trình chinh phục AFF Cup 2018 của Việt Nam, HLV Park Hang-seo, thường có xu hướng lùi lại phía sau và nhường vinh quang cho tập thể.

Trong lúc cả sân Mỹ Đình lẫn toàn bộ đất nước Việt Nam hân hoan vì chiến thắng Malaysia ở chung kết AFF Cup, HLV Park Hang-seo có thoáng sững người, pha chút lo lắng. Đấy là sau khi ông được học trò và ban huấn luyện tung hứng, ông Park đứng xuống sân với vẻ mặt thẫn thờ, tay loay hoay điều chỉnh đồng hồ như thể sợ chiếc đồng hồ bị hỏng dây hoặc xây xước vì màn ăn mừng.

HLV Park Hang-seo nâng cúp vô địch AFF Cup 2018

Trong môi trường bóng đá hiện đại, từ cầu thủ đến HLV, mỗi lần bước ra sân hoặc xuất hiện trước công chúng, đều theo những “phom” định sẵn của nhà tài trợ. Chẳng hạn, bạn phải vận đồ Adidas, đi giày Puma, thậm chí đi những chiếc xe được quy định sẵn của Mercedes hay Audi đến sân tập, hay nơi dự sự kiện. Nhưng đồng hồ là ngoại lệ. Rất hiếm đội bóng được tài trợ đồng hồ, có thể vì nó quá nhỏ để gây nên hiệu ứng cho người xem, và vì thế, nó trở thành cái để HLV thể hiện cái tôi.

Hình ảnh HLV bên cạnh chiếc đồng hồ nhiều lần trở thành biểu tượng. Alex Ferguson liên tục xem giờ khi vào phút bù giờ, dù chính ông sau này thừa nhận, chẳng mấy khi để ý chính xác là trận đấu còn mấy phút. Jose Mourinho đôi ba tháng lại thay đổi một mẫu đồng hồ đắt tiền, có thể của Rolex, cũng có khi là Omega.

Mỗi chiến lược gia mang một thông điệp riêng với chiếc đồng hồ của họ. Ferguson thể hiện là một người ghê gớm, chi li, và sẵn sàng “ăn tươi nuốt sống” cả trọng tài, bởi vài giây ngắn ngủi ông cũng không thỏa hiệp. Ngược lại, Mourinho ngầm ý sự bất cần. Ông sẵn sàng thay một chiếc đồng hồ vài chục nghìn USD, tương đương thu nhập nửa năm của một người dân bình thường. Với Mourinho, thứ quan trọng nhất là ý thích của bản thân.

So Park Hang-seo với những chiến lược gia lừng lẫy sẽ có phần khập khiễng, nhưng về quan điểm dùng đồng hồ của họ đều có điểm chung, là phản ánh một phần tính cách con người. Với ông Park, đồng hồ là nơi để ông toát lên sự giản dị. Chiếc đồng hồ ông đeo ở chung kết AFF Cup 2018 là món quà được một Công ty Thụy Sỹ tặng từ hồi World Cup 2002, khi ông làm trợ lý cho Guus Hiddink và giúp Hàn Quốc trở thành đệ tứ anh hào thế giới.

16 năm, trải qua nhiều thăng trầm của sự nghiệp, nhưng ông Park vẫn giữ kỷ vật này bên mình. Tất nhiên, với 5 lần nhảy việc trong vòng 16 năm, và không trụ lại đội bóng nào quá 3 năm, nhiều người sẽ nghĩ ông Park có thể không đủ kinh tế để sắm một chiếc xịn hơn. Tuy nhiên, điệu bộ luống cuống xem lại đồng hồ ở màn ăn mừng sau chung kết AFF Cup 2018 đã chứng tỏ rằng ông thầy của Quang Hải thực sự trân quý chiếc đồng hồ. Với ông, nó không đơn giản chỉ để xem giờ.

Bóng đá là một hành trình dài, không điểm đầu cuối, và cũng chẳng có công thức thành công cố định. Chúng ta có thể thấy tấm gương của Thái Lan, một nền bóng đá đi trước Việt Nam cả chục năm và từng có những cơ sở để vươn tầm châu Á từ thập niên 2000. Nhưng rồi sau gần 20 năm, “Voi chiến” vẫn cứ quẩn quanh với một vấn đề: thiếu thực lực ra châu lục, và thiếu động lực khi trở về Đông Nam Á.

Ngay tại AFF Cup 2018, họ thua Malaysia – đối thủ bị đánh giá thấp hơn khá nhiều. Một ví dụ khác là Trung Quốc. Nền bóng đá này được đầu tư mạnh mẽ, cả về quy mô lẫn tài chính kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012. Hàng vạn ngôi trường dạy bóng đá và rất nhiều chuyên gia giỏi được mời về, nhưng thành tích của Trung Quốc vẫn cứ lẹt đẹt.

Báo giới nước này thậm chí còn phải dùng chính Việt Nam làm tấm gương để lãnh đạo bóng đá Trung Quốc noi theo. Nói như vậy để thấy, để thực sự lên một đẳng cấp mới, một nền bóng đá cần nhiều thế hệ cầu thủ, thậm chí nhiều HLV. Quá trình biến đổi từ một hiện tượng trở thành một thế lực cần có sự kế thừa, và không được phép ngắt quãng giữa chừng.

Sau tối 15/12 lịch sử, người Việt Nam tự nhận là có 3 thế hệ vàng bóng đá, một là của Hồng Sơn, Huỳnh Đức, hai là của Công Vinh, Tài Em, Minh Vương, và những Quang Hải, Văn Đức, Đình Trọng là lứa thứ ba. Ba thế hệ, cách nhau mỗi 10 năm, gần như không có giúp ích gì cho lứa kế cận.

Anh Đức (trái) và Văn Quyết, hai thành viên dày dạn kinh nghiệm nhất của Việt Nam

Bóng đá Việt Nam, vì thế chỉ nằm ở tầm ao làng. Phải tới năm 2018, với những thành công liên tiếp, tại đấu trường lớn châu Á, và kết thúc là danh hiệu vô địch AFF Cup, Việt Nam mới đặc biệt được quan tâm, thậm chí được truyền thông quốc tế đặt biệt hiệu là “Rồng vàng” – điều mà những người làm bóng đá Việt Nam chưa từng nghĩ tới từ xưa đến nay. Một trong những lý do dẫn tới sự chậm trễ là Việt Nam luôn ngủ quên trong chiến thắng. Sau khi tìm được một thế hệ vàng, người ta thường bằng lòng và không chịu phát hiện thêm những tài năng mới. Sau khi lên đỉnh khu vực, thứ còn đọng lại ở một vài năm kế tiếp chỉ là những giây phút bồi hồi trong mộng tưởng, chứ không phải là một Việt Nam chơi vững chãi, trên cơ và bảo vệ chức vô địch dễ như lấy đồ trong túi.

Thành công ngày mai bắt nguồn từ nỗ lực hôm nay. Ở đó rất cần những người như HLV Park Hang-seo, một ông thầy luôn trân quý những giá trị cũ, nhưng bất biến, thậm chí có thể xem là biểu tượng cho thành công. Chiếc đồng hồ 16 tuổi của ông giờ có lẽ chỉ mang ý nghĩa sưu tầm, nhưng nó luôn nhắc ông về bài học “đoàn kết là sức mạnh” của Hàn Quốc năm 2002. Nó cũng là lời cảnh tỉnh cho ông về thất bại ở Asiad 2002, vài tháng sau thành công vang dội ở World Cup. Cuộc đời một HLV cũng như cầu thủ sẽ gặp những lần bước hụt như thế. Vấn đề chỉ là chúng ta chuẩn bị tâm thế nào mỗi lần như vậy.

Với thầy Park, câu trả lời của ông là sự giản dị. Ông dùng một chiếc đồng hồ cũ, ở nhà liên đoàn cấp, và luôn lên xe hoặc máy bay sau học trò. Ông cũng không ca thán nửa lời khi phải đi vệ sinh chung với cầu thủ vào một chiếc xô, trong chiếc xe chở đội U23 về từ sân bay Nội Bài sau giải châu Á hồi đầu năm.

Thành công có thể đến bằng nhiều con đường, và với HLV Park Hang-seo, chúng ta có quyền tin là nó sẽ không rời đi trong một sớm một chiều.

Xem thêm
Chiêm ngưỡng màn trình diễn đổ bánh xèo khổng lồ

CẦN THƠ Người dân háo hức chiêm ngưỡng 15 nghệ nhân trình diễn đổ chiếc bánh xèo khổng lồ, đường kính 3m phục vụ 1.000 khách tham quan tại Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ.

Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm