| Hotline: 0983.970.780

Hồ chứa nước Định Bình đang bị “bức tử”

Thứ Sáu 11/03/2011 , 08:15 (GMT+7)

Khi xây dựng hồ chứa nước Định Bình (Vĩnh Thạnh-Bình Định), không ai ngờ có ngày nó bị bức tử thô bạo đến như vậy...

Đoạn đường thuộc DA Thủy điện Vĩnh Sơn 3 đất của bờ taluy đổ xuống dòng sông

Khi xây dựng hồ chứa nước Định Bình (Vĩnh Thạnh-Bình Định), không ai ngờ có ngày nó bị bức tử thô bạo đến như vậy. Thủ phạm chính là hàng trăm nghìn khối đất, đá được thải ra từ quá trình thi công các công trình thủy điện nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) từng ngày đổ xuống dòng sông Kôn rồi trôi xuống bồi lấp lòng hồ Định Bình.

Hồ chứa nước Định Bình nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) là công trình thủy lợi nằm trong 65 công trình xây dựng tiêu biểu của cả nước có dung tích chứa hơn 220 triệu khối nước, làm nhiệm vụ cấp nước cho gần 16.000 ha đất nông nghiệp (sẽ phát triển thành 36.000 ha sau này), ngoài ra còn có chức năng điều hòa nguồn nước, chống lũ hạ lưu sông Kôn, cung cấp nước cho nghề nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng...với tổng kinh phí đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Nhiệm vụ của hồ chứa nước Định Bình cao cả là thế, vậy mà trong mấy năm qua, khi các công trình thủy điện Vĩnh Sơn 5 và Vĩnh Sơn 3 được thi công trên đầu nguồn sông Kôn thuộc địa bàn xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) thì hồ chứa nước Định Bình liền lâm cảnh khốn đốn.

Ông Trần Quốc Lại-Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh bức xúc: “Trong 2 năm qua, Cty CP Đầu tư Vĩnh Sơn đã thi công các hạng mục đường hầm dẫn nước và bể áp lực thuộc công trình Thủy điện Vĩnh Sơn 5 và Cty CP Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh thi công con đường dài 8km trong công trình Thủy điện Vĩnh Sơn 3, trong quá trình thi công các hạng mục trên, đất đá thải đã không được các công ty nói trên xử lý theo như cam kết mà được thải bừa bãi xuống sông Kôn khiến dòng sông này bị bồi lấp. Trong những mùa mưa lũ, đất đá thải trôi xuống gây bồi lắng hồ Định Bình. Chẳng những vậy, 5.000 hộ dân thuộc xã Vĩnh Hảo và thị trấn Vĩnh Thạnh phải dùng nước sinh hoạt nhiễm bẩn từ dòng sông Kôn do đất đá thải gây ra”.

Qua quan sát thực tế, chúng tôi nhận thấy thông tin của ông Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh là không ngoa tí nào.

Tại khu vực làng K6 (suối Nước Mật) nằm trên địa bàn xã Vĩnh Kim, nơi bên B của Cty CP Đầu tư Vĩnh Sơn (Cty TNHH MTV XD Lũng Lô) vừa thi công đoạn đường hầm dài gần 1km, chúng tôi thấy hàng chục nghìn khối đất đá được đổ sát bờ sông Kôn đang “nghiêng mình” cứ chực đổ ập xuống dòng sông trong xanh. Ông Võ Hồng Sơn-Chỉ huy công trường thuộc Cty TNHH MTV XD Lũng Lô thừa nhận: “Khi thi công đường hầm chúng tôi đã thải ra bãi này khoảng 15.000 khối đất đá, chúng tôi phải đổ thải ra đó là vì bên A chưa có bãi thải ổn định”. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, trước khi Cty TNHH MTV XD Lũng Lô thi công đường hầm này, đoạn sông Kôn chỗ suối Nước Mật đã phải gánh hàng chục nghìn khối đất đá thải khi Cty Vinashin Licogi thi công kênh dẫn nước qua tuyến đập và sau đó tiếp tục gánh đất đá thải khi Cty Sông Đà 17 thi công tháp điều áp và hố móng nhà máy TĐ Vĩnh Sơn 5. Tuy nhiên, hiện khu vực suối Nước Mật đã được “giải cứu” khi Cty CP Đầu tư Vĩnh Sơn xây dựng được bãi thải ổn định. Ông Huỳnh Xuân Thủy-Phó Phòng Tổng hợp của công ty cho biết: “Chúng tôi đã xin xây dựng bãi đổ thải rộng 8ha tại làng Đăktra, xã Vĩnh Kim và đã được ngành chức năng chấp thuận. Hiện chúng tôi đã hoàn tất việc đền bù cho dân trong vùng”.

Từ đập đầu mối của công trình thủy điện Vĩnh Sơn 5, chúng tôi đi ngược về phía đầu nguồn, trên con đường đất của Cty CP thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh mới đổ, nằm sát dòng sông Kôn để khởi động xây dựng công trình thủy điện Vĩnh Sơn 3. Dọc suốt chặng đường dài gần 8km đâu đâu chúng tôi cũng thấy đất từ taluy con đường đổ xuống dòng sông. Dòng sông về phía thượng nguồn ngày càng hẹp dần mà khối lượng đất bồi lấp thì lớn vô kể nên có những đoạn sông hầu như bị lấp hẳn. Anh Lê Thanh Tâm-CB Phòng TNMT huyện Vĩnh Thạnh chua chát nói: “Chỗ suối Nước Mật thấy bị bồi lấp nặng là vậy nhưng so với đoạn sông này thì chẳng “xi nhê” gì. Đất tràn xuống sông, nằm đó rồi đằng nào không xuôi xuống bồi lắng hồ Định Bình. Người dân dưới xuôi lại phải dùng nước bẩn nữa chứ. Vậy mà đến nay đơn vị chủ quản vẫn chưa có giải pháp khắc phục”.

Theo báo cáo của Sở TN-MT Bình Định, hồ sơ môi trường dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 3 do Cty CP Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh làm chủ đầu tư đã được Bộ TN-MT cấp quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng trong quá trình hoạt động, chủ đầu tư không niêm yết công khai tóm tắt báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt đồng thời không thực hiện việc giám sát chất thải, giám sát môi trường xung quanh theo quy định. Vi phạm này đã bị ngành chức năng xử phạt 16 triệu đồng nhưng xem ra chẳng ảnh hưởng gì nên đến nay, khi thi công làm đường, Cty CP Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh vẫn không thực hiện công tác san gạt, gia cố các bờ mái taluy nên tình trạng sạt lở, bồi lắng phía hạ lưu sông Kôn và lòng hồ Định Bình vẫn tiếp diễn.

Box: Trao đổi với PV NNVN, ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiên quyết: “Về vấn đề đổ thải trong quá trình thi công, chủ đầu tư nào không thực hiện theo quy định của UBND tỉnh tại Công văn số 3263/UBND-CN ngày 21/9/2010 mà cứ đổ thải bừa bãi xuống sông Kôn làm ảnh hưởng nguồn nước vùng hạ lưu và làm bồi lắng hồ Định Bình, chúng tôi buộc phải phải thu dọn và đổ tại bãi thải quy định. Nếu đơn vị nào không chấp hành chúng tôi sẽ thu hồi giấy phép và đình chỉ thi công”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.