| Hotline: 0983.970.780

Họ đã yêu và sống

Thứ Hai 25/07/2011 , 08:12 (GMT+7)

“Ba sáu năm sau trở về Buôn Ma Thuột/Vợ bạn tôi vẫn lặng lẽ thờ chồng/Không con cháu, một mình một bóng/Bữa cơm nào cũng chống đũa chờ mong” (Dương Đức Quảng). Có lẽ, hiếm nơi đâu trên thế giới lại có những người vợ vĩ đại, những mối tình sắt son đến thế. Nhân ngày 27/7, NNVN trân trọng giới thiệu loạt phóng sự về những con người tạo nên những mối tình ngỡ chỉ có trong cổ tích.

“Ba sáu năm sau trở về Buôn Ma Thuột/Vợ bạn tôi vẫn lặng lẽ thờ chồng/Không con cháu, một mình một bóng/Bữa cơm nào cũng chống đũa chờ mong” (Dương Đức Quảng). Có lẽ, hiếm nơi đâu trên thế giới lại có những người vợ vĩ đại, những mối tình sắt son đến thế. Nhân ngày 27/7, NNVN trân trọng giới thiệu loạt phóng sự về những con người tạo nên những mối tình ngỡ chỉ có trong cổ tích.

Hơn 40 năm làm vợ một tấm hình

Chị Phạm Thị Vang
Trong ngôi nhà cũ kỹ ở làng Thượng Bì, xã Yết Kiêu (Gia Lộc, Hải Dương) có một cái bóng ngày ngày lầm lũi ra vào. Trên bàn thờ, có hai bức ảnh, một bà cụ, một anh bộ đội trẻ, tươi cười. Đó là người chồng của chị Phạm Thị Vang, người chồng mà chị chỉ thực sự được làm vợ có một tuần rồi lặng lẽ khói hương suốt hơn 40 năm, dệt nên một chuyện tình cảm động…

Năm 1971, cưới vợ được một tuần anh Bảo, chồng chị  Vang, xung phong lên đường dù là con một, được miễn nghĩa vụ quân sự. Gối chăn chưa kịp nồng, hơi thở chưa kịp quyện thì cô giáo trường làng đã phải tiễn chồng ra trận. Buổi phân ly, ngại ngùng chẳng nói, để bóng anh xa rồi, chị mới sực tỉnh gửi theo một lá thư. Thư rằng: “Anh cứ yên tâm lên đường làm nhiệm vụ, em hứa coi anh là một, là duy nhất. Không ai có thể thay thế anh được trong trái tim em”.

 Nhận được thư của người vợ trẻ giữa núi rừng Trường Sơn nồng khói súng, xúc động trào dâng, anh hồi âm bằng bốn lá thư liền, gửi gắm biết bao tin yêu, hy vọng: “Em giữ bốn phong thư này để đến ngày thống nhất vợ chồng mình cùng xem lại những lời nói trong thư em có thực hiện đúng không. Ở nhà em chăm mẹ thay anh, công tác tốt nhé”.

Một ngày năm 1974, gia đình nhận được tin báo tử của anh. Ngày đó có hai người phụ nữ chết lặng từng khúc ruột. Một khúc ruột mang nặng đẻ đau, một khúc ruột thấm đẫm nghĩa vợ chồng. Mỗi lần nhớ đến anh chị lại bí mật lôi mấy lá thư ra đọc lén lúc vắng mặt mẹ chồng rồi xếp gọn vào trong va li. Cái va li anh tặng chị lúc lên đường vào Nam. Cái va li kỷ niệm trong đó có một đôi dép rọ Trung Quốc, một bộ quần áo bằng vải thô, một cái võng dù. Dù quần áo hàng ngày nhiều mảnh vá chằng vá đụp. Dù đôi dép mỗi buổi lên bục giảng đã mòn vẹt thấu gót chân nhưng những vật anh kỷ niệm chị chỉ đem ngắm cho thỏa nỗi nhớ mà nhất định chỉ mặc khi ngày vợ chồng đoàn tụ.

Nay anh không còn, ngày mộng đẹp bỗng chốc thành sương khói, những kỷ vật khác gì những mũi dao cứa sâu vào tâm vào óc. Chị khóc lên khóc xuống, chị ốm rạc ốm rài. Ốm đến độ mẹ chồng chị bảo nhỏ hai đứa em chị rằng: “Chúng bay đi tìm cái vali của con Vang rồi đốt đi chứ để thế nó cứ ốm mãi mà chết mất”.

Lúc đó chị đang nằm bệt giường, người lơ lửng giữa bến mê bến tỉnh không hề hay biết chuyện. Tỉnh dậy rồi kỷ vật của chồng chỉ còn lại nắm tàn tro. Vật vã lăn trong tro, chị khóc nấc rồi trách mẹ chồng: “Tại sao mẹ lại làm thế? Mẹ đốt kỷ vật của con, con xin chết theo nhà con”. Bà cụ nghe đến đó cũng sợ quá ôm chị mà khóc: “Con ơi, con đóng ba vai trò ở nhà này. Con vừa là con dâu, vừa là con gái, vừa là con trai của mẹ…”. Chị nghe mà lịm đi. Khi tỉnh dậy, chị tự động viên mình rằng, gian khổ như chị Mạc Thị Bưởi như chị Út Tịch còn không cắn răng kêu la, còn suốt đời cống hiến, mình mới thế này đã chán chường, tuyệt vọng thì kém quá. Phải kiên cường lên mà sống chứ?

Tháng ngày trôi, nỗi đau lặn sâu vào trong tâm can, cuộc sống dưới mái nhà của hai người phụ nữ dần trở về nếp bình thường. Một buổi trời mưa, mẹ lại ngồi bên chị. Miếng trầu đâm dập mãi mà tay mẹ vẫn còn ngoáy không ngừng. Đoán là có việc trọng, chị khẽ bóp vai, đấm lưng cho mẹ. Một hồi lâu, mẹ mới thủ thỉ cất lời: “Vang này, vả và sung cùng một họ. Cảnh goá bụa không ngờ lại rơi vào một nhà ta. Mẹ già đã vậy, con đầu còn xanh, tuổi còn trẻ, mẹ thực lòng khuyên con nên đi bước nữa thì hơn. Nhà có hơi đàn ông mới ấm cúng, cây cối sẽ nẩy lộc đâm chồi. Ý con thế nào?”.

Anh Bảo là con một, bố mất lúc anh chưa đầy 3 tháng tuổi. Mẹ chồng mất chồng lúc ngoài ba mươi, chị mất chồng chỉ mới ngoại đôi tám. Nghe đến đó, chị Vang vừa khóc vừa quỳ xuống bên mẹ chồng mà nói: “Con xin mẹ cho con được ở lại chăm sóc mẹ thay anh Bảo để hoàn thành những lời hứa với chồng con mới đúng. Nếu con đi bước nữa thì mẹ mất một con hoá thành hai. Ai sẽ là người chăm sóc mẹ?”. Mẹ chồng chị nén tiếng thở dài, mắng yêu rằng: “Tông môn nhà chị, không đi lấy chồng thì ở cả đây càng đông vui chứ sao”.

 Tấm lòng mẹ rộng lượng, vị tha càng khiến cho chị thêm gắn bó, không rời. Sau này mỗi khi nhắc đến chuyện đó, chị còn cải biên câu ca dao xưa rằng: “Trời mưa bong bóng phập phồng/Con đi lấy chồng, mẹ ở với ai”.

Hơn 40 năm, không một kỷ vật, không một bì thư, di vật còn lại của người chồng liệt sĩ không gì khác ngoài tấm hình đen trắng. Hơn 40 năm, chị làm vợ một bức hình. Người bộ đội trong ảnh mãi thanh xuân, tươi ngời nhìn chị từ trên bàn thờ còn chị đầu giờ đã bạc, mặt hằn sâu vết chân chim, mắt mờ, chân chậm.

Cuộc sống không như một dòng sông chỉ có một chiều trôi về phía biển. Những xúc cảm, hừng hực của sức sống thanh xuân đôi khi vẫn khiến chị phải ngẫm ngợi, quắt quay. Chị tâm sự rằng: “Nhiều lúc bản thân tôi cũng nghĩ, mình còn trẻ liệu cuộc sống có thể mãi như thế này? Nhà dột trước, trống sau không có bàn tay đàn ông chống đỡ. Trong lúc đó cũng có một vài người đến với tôi và có người còn đồng ý cùng tôi chăm sóc mẹ nhưng tôi biết là rất khó. Trong cuộc sống liệu có khỏi va chạm? Để mẹ buồn tôi không thể yên tâm. Và trong cuộc đời này với tôi khó ai có thể thay thế anh Bảo”.

Chị bảo cuộc đời này chị sợ nhất tiếng khóc của con trẻ. Nó là thứ âm thanh nhắc nhớ về một mái ấm gia đình, nhắc nhớ về những gì mà chị không bao giờ có được. Cứ nghe trẻ khóc là đầu óc chị lại mụ mị đi, ngất xỉu. Hễ thấy trẻ con chơi ở sân nhà là chị lại lủi trốn đến trường, xin các thầy cô cho soạn giáo án, cho chấm bài để lấy công việc che đi cảm xúc, hết chuếnh choáng, chông chênh mới dám trở về…

Mẹ chồng chị, bà Vũ Thị Lứu, năm 1994 được phong anh hùng đến năm 2007 bà qua đời, khi kém 2 tuổi đầy 100. Chị nhớ mãi lời Mẹ Anh hùng Nguyễn Thị Thứ lúc gặp mình rằng: “Nếu con đi bước nữa, mẹ chồng con chắc đã mất lâu rồi”. Lại nhớ cảnh biết mình sắp thành người thiên cổ, bà Lứu gọi chị đến trăng trối: “Khi mẹ ra đi, con ở lại giữ gìn sức khoẻ. Mẹ già, mẹ chết con có khóc cũng khóc ít thôi. Hãy mang hài cốt của Bảo về quê an táng”. Mồ yên, mả đẹp cho mẹ chồng xong, chị cũng đón được anh từ nghĩa trang Kon Tum về quê nhà cho thỏa lòng ước nguyện.

Xem thêm
Thủ tướng bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 303/QĐ-TTg ngày 12/4/2024 bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Sản lượng lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 ở ĐBSCL đạt hơn 10,8 triệu tấn

Theo kết quả tổng hợp sơ bộ, tổng sản lượng lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 ở ĐBSCL ước đạt hơn 10,8 triệu tấn, năng suất đạt trên 7,24 tấn/ha.

Robot diệt cỏ, giảm ốc bươu vàng, giảm khí metan nhưng không giảm năng suất lúa

Aigamorobo được Công ty New Green của Nhật Bản giới thiệu có khả năng diệt cỏ, đẩy lùi ốc bươu vàng không cần thuốc hóa học, không sử dụng pin, thân thiện với môi trường.

Đồ Sơn sắp có du lịch sinh thái rừng ngập mặn đậm chất 'miền Tây'

HẢI PHÒNG Ngày 12/4, UBND quận Đồ Sơn tổ chức hội nghị cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về những nét mới của liên hoan du lịch năm 2024.