| Hotline: 0983.970.780

Hồ Dầu Tiếng: 35 năm chuyện bây giờ mới kể

Thứ Sáu 30/04/2010 , 08:30 (GMT+7)

Hồ Dầu Tiếng ghi nhiều kỷ lục, là nơi thử nghiệm nhiều mô hình quản lý nhất, có thời gian thi công dài nhất (20 năm) trong lịch sử thủy lợi Việt Nam.

Hồ Dầu Tiếng ghi nhiều kỷ lục, là hồ chứa thủy nông nhân tạo lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á (mặt hồ rộng 270 km2 và 45,6 km2 đất bán ngập, dung tích 1,5 tỷ m3 chưa kể 1 tỷ m3/năm sắp được điều chuyển từ Sông Bé qua); có diện tích tưới lớn nhất (172.000 ha); quan trọng nhất (tưới cho nông nghiệp, ngọt hóa, cấp nước cho công nghiệp, dân sinh, đuổi mặn trên sông Sài Gòn); được khảo sát, thiết kế với lực lượng tinh nhuệ nhất, nhanh nhất; khu đầu mối được thi công bằng lực lượng cơ giới hiện đại nhất…

Nhưng Dầu Tiếng cũng là nơi ghi kỷ lục thử nghiệm nhiều mô hình quản lý nhất, có thời gian thi công dài nhất (20 năm) trong lịch sử thủy lợi Việt Nam.

Hồ Dầu Tiếng, nơi du lịch lý tưởng ở miền Đông Nam Bộ

VỤ ÁN “LẤY THU MÀ CHI – LẤY CHI MÀ THU”

Năm 1993, khi mới chuyển công tác về TP HCM, một bạn đồng nghiệp bảo tôi “ông có tính ra mắt báo chí Sài Gòn bằng một phóng sự điều tra không? Xí nghiệp liên hiệp khai thác thủy lợi Dầu Tiếng có nhiều chuyện lắm”.

Giám đốc xí nghiệp liên hiệp ông Trương Mạnh Đỗng đã về hưu được mấy năm tưởng đã “hạ cánh an toàn” bỗng bị thanh tra chính phủ và cả công an “hành” cho 2 năm liền với cái tội “tham ô tập thể”.

Vụ án không được khởi tố vì hồ sơ minh bạch, ông Đỗng không tư túi riêng, việc chi 900 triệu đồng cho hơn 300 anh em cán bộ công nhân toàn liên hiệp là theo nghị quyết của “bộ tứ”; số tiền đó là do liên hiệp tự có do tiến hành khai thác tổng hợp hồ Dầu Tiếng, hơn nữa nó là sự bù đắp hợp tình vì cả bao nhiêu năm, từ ngày khởi công công trình không ai được nghỉ phép, gia đình họ lúc đấy rất nghèo khổ không được ai trợ giúp.

Ngày 10/1/1985, Tây Ninh mở hội “mở nước” đánh dấu kết thúc giai đoạn 1, hồ có thể đưa vào khai thác mặc dù công trường khu đầu mối còn ngổn ngang với nhiều hạng mục chưa hoàn chỉnh, hệ thống kinh cấp 1, cấp 2, cấp 3 mới được 30% nhưng vốn đã bị cắt, phương tiện, vật tư đã bị điều chuyển. Ngày 30/1/1988, Ban quản lý xây dựng công trình 301 (Dầu Tiếng) được chuyển đổi thành Xí nghiệp liên hiệp khai thác thủy lợi Dầu Tiếng. Với tên gọi và chiếc gậy quản lý tài chính mới rất hợp mốt lúc bấy giờ là “hạch toán kinh doanh” cứ tưởng xí nghiệp “tự bơi” được, nhưng tiền thủy lợi phí thì không thể thu thêm vì diện tích tưới ngày một teo lại, khu đầu mối cũng hư hỏng dần do không có tiền duy tu, tiền thu nhỏ giọt từ khai thác cát đá, mở nhà hàng quán nhậu chẳng khác gì gió vào nhà trống. Vậy là “lấy thu mà chi” đã được đổi thành “lấy chi mà thu”, vụ án là một trong những nạn nhân của thời tranh tối tranh tối tranh sáng chuyển đổi cơ chế bao cấp sang thị trường.

“NHÀ TAO CÓ TREO ẢNH HỒ CHÍ MINH”

Dầu Tiếng là công trình đầu tiên của cả nước xài đô la Mỹ. Một câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng là bằng cách nào mà những năm đầu sau giải phóng, trong tình trạng cấm vận ngặt nghèo mà chúng ta lại có thể vay được tiền của ngân hàng thế giới (WB) mà chủ tịch lúc đó là Mắc - đa - na - va, từng là tác giả chiến tranh Việt Nam. Có người cho rằng chính quyền Sài Gòn trước đây đã có nghiên cứu khả thi với sự tài trợ của WB nên việc nối lại với chính quyền cách mạng là dễ, cũng có thể dự án đã có từ trước nữa vì vùng Tây Ninh có khu rừng mang tên Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu). Hồ sơ kỹ thuật của một đại công trường cỡ như Dầu Tiếng để chật cả một căn nhà, khối lượng công việc như thế và với con người và thiết bị như lúc ấy thì phải kéo dài cả chục năm nói chi vài ba năm (?).

KS Nguyễn Xuân Hùng, chủ nhiệm thiết kế công trình Hồ Dầu Tiếng

Thế nhưng theo ông Nguyễn Xuân Hùng, trưởng đoàn khảo sát thiết kế thủy lợi Nam Bộ thì toàn bộ công việc khảo sát thiết kế bắt đầu từ con số 0. Lúc bấy giờ chỉ có một vài điền chủ cao su có ý định xây dựng một hồ nhỏ để làm nơi giải trí nhưng cũng chỉ mới là ý tưởng. Việc vận động tài trợ và tài trợ bắt đầu từ một số nước có thiện cảm với VN “dám đánh Mỹ” như Cô Oét, Hà Lan, Thụy sỹ. Những ngày ấy phiên dịch tiếng Anh vừa hiếm lại vừa yếu. Trong một buổi làm việc với phái đoàn Cô Oét, người phiên dịch là chị Hoa (hiện nay là Phó vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế Bộ NN-PTNT), sinh viên mới ra trường đã dịch sai khiến bạn nổi giận và chị Hoa đã bật khóc ngay tại cuộc họp. Ngay sau đó bạn nói với chị Hoa “Cho tao xin lỗi mày, nhưng nhà tao có treo ảnh Hồ Chí Minh”.

TA ĐÃ THẮNG… TA

Có được công trình tầm cỡ như Dầu Tiếng, công đầu thuộc về ông Phạm Hùng - Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Năm 1976, ông Hùng đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh phía Nam để quán triệt tư tưởng “Thủy lợi là biện pháp hàng đầu để phục hưng đất nước” và phát động phong trào “Toàn dân toàn quân ra quân làm thủy lợi”. Cũng tại hội nghị này, 3 công trình ở miền Đông Nam bộ được phép “vừa khảo sát thiết kế vừa thi công” là Dầu Tiếng, Trị An và Cây Chanh. Đoàn khảo sát thiết kế thủy lợi Nam Bộ được thành lập từ năm 1975 gồm các kỹ sư ưu tú nhất của ngành thủy lợi được giao trọng trách mà phương tiện chỉ là những tấm bản đồ 1:100.000 của chế độ cũ để lại với những chiếc “mia” nặng nề do Liên Xô sản xuất. Cơm không đủ no, xe không có đi, áo quần chỉ 5m vải một năm thế nhưng khí thế hào hùng của dân tộc sau đại thắng 1975 đã dẫn dắt họ băng hàng nghìn km2 đại ngàn. Khảo sát đi trước, bộ đội đi sau. Đã có 7 cán bộ phải vĩnh viễn nằm lại bên lòng hồ vì dẫm phải mìn do chiến tranh để lại.

Ngày 28/4/1981, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát bổ nhát cuốc đầu tiên phát lệnh khởi công tại xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, xã nghèo đói nhất của tỉnh Tây Ninh lúc bấy giờ, nhưng đấy chỉ là hình tượng biểu trưng vì thực ra hàng chục km tuyến đập phụ đã được hàng vạn bộ đội đang thi công từ 1977.

Khó khăn do thiên nhiên khắc nghiệt, do thiếu thốn dẫu sao cũng không bằng khó khăn của tư duy, của kiến thức. Điều bất ngờ nhất, công trình lại vấp phải sự phản đối quyết liệt của Bí thư tỉnh ủy Tây Ninh lúc ấy, ông Trần Văn Tốt (Hai Bình). Lệnh miệng của bí thư, tất cả các cơ quan tỉnh Tây Ninh, kể cả chủ tịch tỉnh, không được tiếp khách Bộ Thủy Lợi, không được bàn về Dầu Tiếng. Ngay cả Bộ trưởng Bộ Thủy Lợi Nguyễn Thanh Bình không những không gặp được mà còn bị tố lên Ban bí thư xem xét lại nhân thân xem có phải do CIA cài lại để phá hoại không. Và cả khi luận chứng kinh tế đã được duyệt, công việc đàm phán với WB đã kết quả thì bên hành lang cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh trong vùng dự án, ông Tốt vẫn khăng khăng “Nếu hồ có nước thì mấy chả cứ việc sắp hàng, vạch quần ra để tao bú c… hết lượt”. Thủ tướng Phạm Hùng đã phải xoa dịu bằng cách lấy tên là hồ Dầu Tiếng – Tây Ninh (vì tỉnh ủy Tây Ninh còn phản đối việc lấy tên một địa phương của Sông Bé đặt tên cho công trình, trong lúc diện tích bị ngập của Tây Ninh lớn hơn).

Thế nhưng lịch sử lại làm xuất hiện nhân vật lịch sử, người được ví như Thoại Ngọc Hầu của Dầu Tiếng là ông Đặng Văn Thượng (Sáu Thượng), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, người mà “sẵn sàng chịu thương tích chính trị” để lo cho công trình. Tấm lòng, bản lĩnh và sự khôn khéo của ông  đã dần  tổ chức Tây Ninh thành một đại công trường lao động hăng say suốt ngày đêm trong suốt 5 năm liền với thời điểm cao nhất lên đến 36.300 người, lúc thấp nhất cũng 7.200 người.

Mặc dù qua nhiều gian nan nhưng Dầu Tiếng đã khẳng định tầm nhìn chiến lược đúng đắn của những người làm công tác thủy lợi. 35 năm sau ngày khởi công người dân TP HCM, Tây Ninh ngày nay mới cảm nhận được giá trị không có gì sánh được của nước. Giả định nếu không có hồ Dầu Tiếng thì các nhà máy đường, các khu công nghiệp Tây Ninh, tây bắc TP HCM phải ngưng hoạt động, hơn 100.000 ha Tây Ninh vẫn chỉ là hoang hóa, Củ Chi vẫn khô cằn, 10 triệu dân TP HCM sẽ nhốn nháo vì không có nước… Nước là máu được quả tim Dầu Tiếng bơm đi cần mẫn, lặng lẽ.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.