| Hotline: 0983.970.780

Hồ Thác Bà - Vựa cá khổng lồ Tây Bắc

Thứ Năm 30/03/2017 , 09:27 (GMT+7)

Với diện tích mặt nước 19.000ha, chiều dài hơn 80km, dung tích dao động từ 3 - 3,9 tỷ khối nước, hồ Thác Bà không chỉ cung cấp nước phát điện, mà còn là vựa cá khổng lồ.

Do nguồn nước sạch, nên cá hồ Thác Bà được nhiều nhà hàng nổi tiếng của Hà Nội và các thành phố đặt mua với số lượng lớn…

Cá lồng nuôi trên hồ Thác Bà

Vào những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, sau khi hoàn thành công trình thủy điện Thác Bà, hồ là nơi tụ hội nhiều loài thủy sinh trên dòng sông Chảy, với trên 100 loài cá, ngoài những loài cá thông thường như chép, trắm, mè, trôi… còn có những loài cá quý, hiếm giá trị kinh tế cao như bỗng, chiên, lăng chấm, vền, ngạnh… Do mặt nước hồ rộng, lại có hơn 1.300 đảo hồ tạo ra nhiều eo ngách giúp cho các loài tôm cá phát triển mạnh.

Tỉnh Yên Bái khi đó thành lập Quốc doanh Thuỷ sản Thác Bà, với cả chục chiếc tàu chuyên đánh bắt cá trên hồ. Có ngày đánh bắt cả trăm tấn cá tôm, nhiều con cá mè hoa nặng 70 - 80kg là chuyện thường.

Ngoài công ty thủy sản còn có hàng ngàn ngư cụ của người dân sống hai bên bờ, nhiều loại phương tiện đánh bắt tận diệt như xiếc điện, lưới vét, đánh mìn, vàng lưới… đã khiến lượng thủy sản của hồ suy giảm nghiêm trọng.

Năm 1991 Quốc doanh Thuỷ sản Thác Bà chuyển thành Cty Thuỷ sản Yên Bái, sau thành lập Trung tâm Thuỷ sản Yên Bái với chức năng, nhiệm vụ làm công tác khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển thủy sản; quản lý, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản trọng tâm trên hồ Thác Bà; sản xuất giống thủy sản phục vụ nhu cầu con giống cho phong trào nuôi trồng thủy sản; thả cá giống bổ sung cho hồ Thác Bà và các hồ trong tỉnh.

Cá tầm do Cty T&T nuôi trên hồ Thác Bà

Năm 2010 Chi cục Thủy sản được thành lập trên cơ sở Trung tâm Thủy sản Yên Bái, Chi cục đã phối hợp với chính quyền huyện Yên Bình và Lục Yên tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt Pháp lệnh Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cấm sử dụng các chất độc, chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản. Phối hợp với Công an 2 huyện Yên Bình và Lục Yên thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi đánh bắt thủy sản trái phép. Trong 5 năm qua Chi cục Thủy sản đã xử lý gần 100 vụ vi phạm, thu hồi hơn 500 dụng cụ khai thác đánh bắt nguồn lợi thủy sản, trong đó có nhiều vàng lưới và máy kích điện.

Do vậy, nhiều loài cá tự nhiên phục hồi trở lại, Chi cục quản lý chặt các bãi cá đẻ, nghiêm cấm việc đánh bắt cá trong mùa sinh sản.

Thả cá bổ sung cho hồ

Để khuyến khích người dân chuyển từ đánh bắt tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản một cách bền vững, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ 3 triệu lồng tre hóp, 10 triệu lồng lưới có độ bền 10 năm. Chỉ riêng huyện Yên Bình hiện có 500 lồng cá trên hồ Thác Bà, năm 2016 hỗ trợ 223 lồng, trong đó HTX nuôi trồng thủy hồ Thác Bà do một tư nhân ở Hà Nội lên xây dựng 30 lồng, người dân làm 193 lồng. Năm 2017 các xã ven hồ Thác Bà đăng ký xây dựng 400 lồng. Ngoài hỗ trợ tiền xây dựng lồng, hàng năm tỉnh Yên Bái thả cả chục tấn cá các loại xuống hồ Thác Bà nhằm bổ sung nguồn lợi thủy sản.

Thăm cơ sở nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mà ông Lê Văn Sự hiện đang làm công cho một hộ gia đình ở thị trấn Yên Bình cho hay: Cơ sở của chúng tôi có 20 lồng cá, nuôi ba loại cá: Trắm, chép và diêu hồng sản lượng trên 40 tấn/năm. Mỗi sáng tôi cân từ 80 - 120kg cá các loại cho các thương lái, nhiều khi không có cá cung cấp cho họ.

Sản lượng cá hàng năm đánh bắt trên hồ Thác Bà trên 5.800 tấn, trong đó khai thác tự nhiên 1.500 tấn, cá lồng bè trên 4.300 tấn. Đây chính là số lượng “cá sạch” được nuôi trồng trong môi trường nước trong sạch, thức ăn không có chất kháng sinh, nên chất lượng cá thơm ngon, được nhiều khách hàng tới tìm mua.

Lồng cá diêu hồng

Ông Trần Ngọc Thư, PGĐ Sở Khoa học - Công nghệ Yên Bái cho biết: Với sản lượng cá nuôi trồng trên hồ Thác Bà mấy nghìn tấn như vậy, đòi hỏi các HTX, Công ty và hộ dân liên kết để xây dựng thương hiệu cá sạch hồ Thác Bà. Trong đó Cty T&T đang tiến hành xây dựng thương hiệu cá VietGAP. Chỉ có vậy cá hồ Thác Bà mới thâm nhập sâu vào thị trường và các siêu thị...

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Yên Bái:

16-24-11_h5
 

Hàng năm Chi cục Thủy sản đã tổ chức từ 10 - 15 lớp tập huấn, xây dựng từ 8 - 10 mô hình, giúp người dân có kiến thức nuôi trồng thủy sản.

Với sản lượng cá khai thác trên hồ Thác Bà hàng năm tăng vài trăm tấn, trong đó chủ yếu là cá lồng bè. Người dân đang chuyển từ đánh bắt cá tự nhiên sang nuôi trồng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế, để hồ Thác Bà trở thành vựa cá khổng lồ và chất lượng cao cung cấp cho người tiêu dùng...

 

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.